Du khách đến Nhật Bản tăng mạnh có thể làm tăng lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc khách du lịch nước ngoài "đổ xô" đến Nhật Bản đang giúp nền kinh tế nước này thoát khỏi suy thoái. Tuy nhiên điều này cũng đang gây áp lực lên chi phí và giá cả trong lĩnh vực khách sạn, dịch vụ.
Du khách đến Nhật Bản tăng mạnh có thể làm tăng lạm phát

Theo Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản (NTO), đã có gần 2 triệu du khách nước ngoài đến Nhật Bản trong tháng 4, tăng mạnh so với con số chưa đầy 140.000 lượt khách của cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù vẫn còn cách xa mức trước đại dịch là gần ba triệu lượt du khách mỗi tháng, nhưng việc khách du lịch nước ngoài quay trở lại chi tiêu và du lịch tại Nhật Bản đã đóng góp 1,1% trong mức tăng trưởng GDP là 1,6% của Nhật Bản trong quý I năm nay, theo Bloomberg Economics .

Chi tiêu tại các điểm du lịch tăng lên cùng với tình trạng thiếu lao động đang hỗ trợ cho đà tăng lương và tác động đến giá cả tại các thành phố lớn, điều này đang khiến Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Kazuo Ueda đang cân nhắc thay đổi chính sách.

Lượt khách du lịch đến Nhật Bản đang tăng mạnh trở lại. Nguồn: Bloomberg.
Lượt khách du lịch đến Nhật Bản đang tăng mạnh trở lại. Nguồn: Bloomberg.

Yohei Fujiwara, chủ khách sạn kiểu Nhật ở Tokyo cho biết, giá thuê tại khách sạn của ông đã tăng hơn 8% nhưng gần như đã kín chỗ trong thời gian còn lại của năm 2023, trong khi đó, khách sạn chỉ có đủ nhân viên để phục vụ cho một nửa số khách đến thuê phòng. Giống như nhiều khách sạn trong khu vực, Fujiwara có thể phải tăng lương để thu hút nhân viên khi Nhật Bản ngày càng khan hiếm nguồn lao động do dân số già hóa.

Số liệu tháng 3 của Nhật Bản cho thấy, trong khi tiền lương trung bình cả nước chỉ tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước thì tiền lương tại các nhà hàng và quán bar tại Nhật Bản lại tăng tới 13%.

Theo báo cáo của Teikoku Data Bank, 3/4 số khách sạn cho biết họ thiếu nhân viên toàn thời gian trong tháng 4, là mức cao nhất trong số các ngành được khảo sát. Bên cạnh đó, khoảng 85% số nhà hàng cho biết họ không có đủ nhân viên bán thời gian.

Keiji Kanda, nhà kinh tế tại Viện nghiên cứu Daiwa cho biết: “Nhu cầu du lịch tăng lên là một yếu tố thúc đẩy đà tăng của giá dịch vụ và tiền lương. Đây là một yếu tố hỗ trợ con đường mà BOJ đang hướng đến".

Du lịch là chỗ dựa chính cho các kế hoạch tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản trong thập kỷ qua. “Nền kinh tế Nhật Bản sẽ gặp rắc rối lớn nếu không có ngành du lịch hỗ trợ chi tiêu trong nước,” Yoshiki Shinke, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Viện nghiên cứu Dai-Ichi Life.

Đồng Yên của Nhật Bản trong tuần trước có lúc đã chạm mức thấp nhất trong 6 tháng qua so với đồng đô la Mỹ. So về tỷ giá, mọi thứ ở Nhật Bản đều giảm giá khoảng 30% so với cuối năm 2019. Điều này cũng làm nhiều người nước ngoài có hứng thú đến thăm Nhật Bản sau đại dịch. Các đại lý du lịch như Agoda đã chứng kiến ​​lượng đặt phòng tại Nhật Bản tăng đột biến.

Sự trở lại của du khách Trung Quốc sẽ tăng thêm đáng kể hoạt động chi tiêu của khách du lịch. Theo Cơ quan Du lịch Nhật Bản, khách Trung Quốc chiếm 37% tổng chi tiêu của khách du lịch tại nước này trước đại dịch năm 2019, tỷ lệ này đã giảm xuống chỉ còn khoảng 10% trong năm nay. Du khách Hàn Quốc hiện đứng đầu danh sách chi tiêu tại Nhật Bản khi chiếm khoảng 1/5 tổng chi tiêu cho du lịch tại Nhật Bản.

Nội các của Thủ tướng Fumio Kishida đang đặt mục tiêu tổng chi tiêu trong nước đạt 5 nghìn tỷ yên (35,7 tỷ USD) càng sớm càng tốt, vượt qua mức đỉnh 4,8 nghìn tỷ yên cách đây 4 năm.

Việc thúc đẩy chi tiêu có thể giúp nền kinh tế Nhật Bản trở lại quy mô trước đại dịch và cho đến khi điều đó xảy ra thì có vẻ như BOJ sẽ không rút lại gói kích thích. Cựu thành viên hội đồng BOJ, Makoto Sakurai dự báo lạm phát sẽ giảm xuống dưới 2% vào những tháng tới. Nhưng nếu nó tiếp tục ở trên mức 2% thì về việc duy trì gói kích thích kinh tế và chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ ngày càng trở nên khó khăn.

Ông Makoto Sakurai cho biết, các yếu tố chi phí đẩy trong lạm phát của Nhật Bản đang trở nên ít quan trọng hơn khi nhu cầu bắt đầu tăng lên và chi tiêu của du khách chắc chắn sẽ giúp ích.

“Du lịch trong nước đã hồi phục, bằng khoảng 70% so với trước đây. Tuy nhiên, có một chút lo ngại rằng nhu cầu du lịch sẽ không tiếp tục tăng nhanh như hiện tại nữa”, ông Sakurai nói.

Tin bài liên quan