Zhang Yuan bắt đầu sự nghiệp khi được người bà con nhờ mua đôi ủng trẻ em hiệu Ugg lúc đang là sinh viên tại Australia. Sau đó, qua truyền miệng, cơ hội kinh doanh của Zhang bắt đầu rộng mở.
Với những yêu cầu nhờ mua hàng, cô lấy một khoản hoa hồng nhất định để làm lời. Ngoài các giờ học, Zhang tranh thủ đi mua sắm bất cứ thứ gì khách hàng yêu cầu, từ đồ trang sức, các loại vitamin đến những viên uống tăng cường sinh lý hiệu Kangaroo Essence.
Tốt nghiệp xong, Zhang không tìm được công việc nào có thể sinh lợi cao bằng nghề buôn hàng về nước. Vì thế, cô quyết định ở lại Melbourne để tận dụng cơn khát hàng ngoại của người Trung Quốc.
“Người Trung Quốc luôn mù quáng với hàng ngoại. Vì vậy, thay vì trả tiền cho các sản phẩm đắt tiền được sản xuất trong nước nhưng có thể thiếu an toàn, tại sao họ lại không mua những sản phẩm của Australia với mức giá thấp hơn?”, Zhang bình luận.
Hiện tại, đội ngũ của cô gồm 2 nhân viên mua hàng, 2 nhân viên đóng gói và 2 nhân viên phụ trách chăm sóc khách hàng. Zhang mở văn phòng tại Melbourne và một văn phòng tại quê hương Hàng Châu. Cô nhận đặt hàng qua mạng.
Khách hàng chủ yếu là những phụ nữ có ý thức cao về việc bảo vệ sức khỏe. Bằng mô hình này, ở tuổi 25, Zhang kiếm được hơn 300.000 đôla Mỹ mỗi năm.
“Người Trung Quốc luôn mù quáng với hàng ngoại. Vì vậy, thay vì trả tiền cho các sản phẩm đắt tiền được sản xuất trong nước nhưng có thể thiếu an toàn, tại sao họ lại không mua những sản phẩm của Australia với mức giá thấp hơn?”, Zhang bình luận.
Khi cả thế giới đang sử dụng hàng hóa của Trung Quốc thì sản phẩm của Australia lại trở thành hàng "hot" tại nước này.
Hàng chục nghìn thanh niên Trung Quốc, bao gồm những người đang là du học sinh hoặc tốt nghiệp tại Australia thời gian gần đây đã xây dựng thành mạng lưới buôn hàng về nước để đáp ứng nhu cầu đó.
Các du học sinh Trung Quốc, tự gọi mình là daigou hay đại lý buôn hàng, rất hiểu thị hiếu của khách nước mình. Đôi khi họ còn tạo ra nhu cầu và giúp các cửa hàng giải phóng hàng hóa.
Một số nhà phân tích cho rằng, các daigou đã gửi tổng cộng 600 triệu đôla hàng hóa về Trung Quốc trong năm ngoái. Con số này đã thu hút sự quan tâm của quan chức hai nước. Họ đang kiểm tra xem các daigou có cần đóng thêm thuế hay tuân thủ các quy định nào khác nữa.
“Chúng ta đang bước vào giai đoạn mới của quan hệ kinh tế Trung Quốc – Australia. Chỉ cần thông qua mạng lưới của các daigou, một thị trường mới dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hình thành”, Peter Cai – một chuyên gia tư vấn của Học viện Lowy ở Sydney bình luận.
Sự lo lắng về hàng giả và mất an toàn đối với hàng nội địa của người Trung Quốc đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng thương mại giữa nước này với Australia.
Zhang Yuan đang kiểm tra nhu cầu và giá cả hàng hóa trên trang Taobao.
Điều này phản ánh sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, tạo ra cơ hội lẫn thách thức cho một nền kinh tế phát triển với dân số 24 triệu người và một nền kinh tế đang bùng nổ với quy mô1,3 tỷ người. Trung Quốc hiện đang là đối tác thương mại lớn nhất của Australia. Năm ngoái, đầu tư của nước này vào Australia cũng đã lập kỷ lục.
Không chỉ có hàng tiêu dùng, Australia hưởng lợi từ một loại hàng hóa cao cấp hơn, đó là giáo dục quốc tế.
Giáo dục quốc tế được xem là một trong những “mặt hàng xuất khẩu” hàng đầu của quốc gia này, mang về giá trị khoảng 15 tỷ đôla mỗi năm. Gần một phần ba trong tổng số 450.000 du học sinh tại Australia đến từ Trung Quốc. Con số này vẫn đang tăng.
Các daigou lần đầu xuất hiện ở châu Âu, ban đầu chuyên mua và chuyển những sản phẩm xa xỉ như túi xách hàng hiệu về cho khách hàng trung lưu ở Trung Quốc.
Những năm gần đây, trọng tâm đã chuyển sang Australia, khi số du học sinh Trung Quốc tại đây tăng mạnh và người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng lo lắng về an toàn thực phẩm trong nước.
Du học sinh Trung Quốc ở Australia cho biết, cứ 10 người trong số họ thì đã có 8 người làm daigou. Một số còn thành công trong việc xây dựng các doanh nghiệp xuất khẩu. Họ gửi hàng về Trung Quốc hoặc đến Hong Kong để tuồn hàng về đại lục nhằm né các loại thuế.
“Mua sắm giúp người khác giống như mua sắm cho bản thân mình vậy. Nó mang lại niềm vui cho tôi”, Uki Shao - 18 tuổi, tự nhận là daigou giỏi nhất trong trường.
Cô chuyên mua giúp các loại trang sức hiệu Pandora, phụ kiện Michael Kors và mỹ phẩm Aesop. Cô cho biết thách thức lớn nhất của nghề là thuyết phục được khách hàng tin cô bán hàng thật. “Đôi khi, tôi phải quay video và đăng lên WeChat để chứng minh mình đang ở Australia mua hàng”, UKi cho biết.
Lực lượng daigou ngày càng có sức mạnh tại Australia. Doanh nghiệp nước này cũng nhận ra điều đó. Nhà sản xuất sữa Van Diemen’s Land xuất khẩu hàng nghìn lít sữa tươi đến Trung Quốc mỗi tuần.
Công ty dự định hợp tác chặt chẽ hơn với mạng lưới daigou để gia tăng doanh số. Chemist Warehouse cho biết, hàng của đơn vị này đang được daigou ưu chuộng vì giá cả cạnh tranh và có thể mua số lượng lớn.
Ngành chuyển phát cũng ăn nên làm ra. Chang Jiang International Express – một trong những nhà chuyển phát nổi tiếng nhất cho biết, họ chuyển khoảng 400 tấn hàng về Trung Quốc mỗi tháng.
“Mỗi năm, đến mùa cherry là khách Trung Quốc lại đặt mua rất nhiều. Dù cherry rất đắt nhưng họ nói chỉ quan đến đến việc nó tươi và đầy đủ vitamin”, Angel Nie, 20 tuổi, đang học tại Đại học Melbourne cho biết.
Tuy nhiên, cô đã bỏ làm daigou từ năm ngoái do không hề đóng khoản thuế nào và có cảm giác như mình đang buôn lậu.
Hầu hết các giao dịch của daigou và khách hàng được thanh toán qua Wechat và các nền tảng của Trung Quốc nên cơ quan chức năng Australia phụ thuộc vào sự tự giác của các du học sinh khi khai báo về thu nhập.
Ngoài ra, một số daigou khai báo giá trị hàng hóa thấp hơn nhằm trốn thuế nhập khẩu vào Trung Quốc. Đã có vài trường hợp bị chính quyền nước này phát hiện và bắt giữ.
Năm ngoái, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết đang điều tra việc nhập khẩu sữa bột cho trẻ sơ sinh không đạt chuẩn. Theo quy định nước này, các lô sữa bột cho trẻ sơ sinh trên 10 kg phải do các công ty có đủ giấy chứng nhận và đáp ứng các quy định nhập khẩu.
Tại Australia, các du học sinh chỉ được phép làm thêm tối đa 40 giờ mỗi hai tuần. Do đó, các daigou cũng có thể vi phạm về số giờ làm thêm khi đang dùng thị thực du học.
Tuy nhiên, Zhang Yuan vẫn không mấy lo lắng về những vấn đề này. Cô cho rằng mạng lưới daigou sẽ còn phát triển hơn nữa, cho đến khi nào các công ty chính thức của hai nước đáp ứng nổi cơn khát hàng Australia của người Trung Quốc.