Động thái với lãi suất USD của Fed sẽ có ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính thế giới

Động thái với lãi suất USD của Fed sẽ có ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính thế giới

Dù Fed có hành động thế nào, áp lực tỷ giá tại Việt Nam vẫn rất lớn

(ĐTCK) Một trong những yếu tố được giới đầu tư chứng khoán toàn cầu, trong đó có Việt Nam, quan tâm nhất trong năm 2016 là động thái chính sách lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). 

Theo các dự báo, cường độ và biên độ nâng lãi suất sẽ được giãn ra, ở mức thấp hơn, tuy nhiên, việc tăng lãi suất chỉ còn là vấn đề thời gian khiến các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng. Điều này đang tạo áp lực lên tiền đồng và lãi suất khó có cơ hội giảm.

Tuy nhiên, sau tháng 6/2016, dù Fed có tăng lãi suất hay không, thị trường cũng sẽ ổn định trở lại, nhà đầu tư ngoại sẽ tăng mua ròng tại TTCK Việt Nam trước khi đón nhận đợt nâng lãi suất tiếp theo của Fed, được dự báo sẽ rơi vào cuối năm 2016.

Tỷ giá chịu sức ép từ Fed và đồng nhân dân tệ

Sau gần một thập kỷ giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục, Fed đã tăng lãi suất vào cuối năm 2015, nhưng lại tỏ thái độ thận trọng với lần tăng tiếp theo. Tuyên bố của Ủy ban Thị trường mở (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed hồi tháng 1/2016 cho thấy, nhiều khả năng Fed chưa thể sớm tăng thêm lãi suất cơ bản của đồng USD, khi các chỉ số kinh tế chính tại Mỹ bị suy giảm nên bất ổn tài chính và kinh tế thế giới càng có sức ảnh hưởng mạnh hơn tới Hoa Kỳ.

Sau cuộc họp của FOMC vào đầu năm, sức khỏe đồng USD không còn mạnh như trước. Các dự báo cho rằng, Mỹ sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 2 lần trong năm nay, vào tháng 6 và tháng 12/2016.

Quan điểm của Fed là thực hiện lộ trình nâng lãi suất 4 lần trong năm nay, nhưng không thể quyết định trước việc này mà còn tùy thuộc vào diễn biến của nền kinh tế. Chính sách tiền tệ Mỹ bị hạn chế do kinh tế tại các nước đang phát triển tiếp tục suy giảm, đặc biệt là mối lo ngại về tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc. Có khả năng, đồng USD sẽ tiếp tục mạnh lên trong nửa đầu năm nay do lo ngại Mỹ tăng lãi suất, thị trường tài chính thế giới bất ổn.

Tỷ giá USD/VND sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ các yếu tố bên ngoài, trong đó có việc Fed tăng lãi suất và đồng nhân dân tệ mất giá. Biến động của đồng Nhân dân tệ rất quan trọng, do Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam, đồng thời, Việt Nam đang nhập siêu từ quốc gia này lớn nhất. Theo các dự báo được đưa ra, khả năng áp lực phá giá đồng Nhân dân tệ sẽ tiếp tục trong quý II/2016, kéo theo áp lực lên tỷ giá USD/VND. Nếu Fed chưa tăng lãi suất trong thời điểm này, Nhân dân tệ khó có thể biến động mạnh và tỷ giá USD/VND vẫn trong xu thế ổn định, tâm lý nhà đầu tư ngoại nhờ đó sẽ được duy trì ổn định.

Dù Fed có hành động thế nào, áp lực tỷ giá tại Việt Nam vẫn rất lớn ảnh 1

Ông Yun Hang Jin, Giám đốc Khối thị trường mới nổi Công ty Korea Investment & Securities (Hàn Quốc) 

Nhìn chung, áp lực lên tỷ giá USD/VND trong năm nay là điều khó tránh, khi việc Fed tăng lãi suất chỉ còn là vấn đề thời gian. Đây cũng là lý do vì sao các nhà đầu tư nước ngoài sẽ bán ròng trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, cường độ nâng lãi suất của Fed có thể chưa dồn dập và biên độ nâng lãi suất sắp tới còn tùy thuộc vào diễn biến của nền kinh tế. Biên độ nâng lãi suất cơ bản đồng USD giữa năm nay nếu có xảy ra cũng chỉ bằng mức 0,25%/năm vào cuối năm 2015.

Mỹ sẽ nâng lãi suất một cách từ từ, nhưng đồng USD sẽ tiếp tục mạnh lên trong khi đồng Nhân dân tệ yếu đi, dòng vốn quốc tế sẽ thoái bỏ khỏi thị trường các nước mới nổi. Cung ngoại tệ và dự trữ ngoại hối giảm xuống khiến tỷ giá USD/VND có khả năng tăng thêm 3 - 5% cả năm nay 2016. Một khi cung tiền USD năm 2016 giảm xuống do nhập siêu thì dự trữ ngoại hối khả năng cũng giảm theo. Kỳ vọng rằng, việc thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá (tỷ giá trung tâm) sẽ hỗ trợ cho sự ổn định tỷ giá USD/VND.

Lãi suất tiền đồng khó giảm

Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay được dự báo ở mức trên 6,5%. Xuất khẩu giữ mức tăng trưởng trên dưới 10%, trong khi đầu tư sẽ đóng góp lớn cho đà hồi phục của nền kinh tế. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ tiếp tục chảy vào thị trường trong nước, tuy nhiên tốc độ có thể bị chậm lại. Trong khi đó, giá bất động sản và đầu tư vào bất động sản được cho là sẽ tăng nhẹ. Nhiều khả năng lợi nhuận DN vẫn tiếp tục được cải thiện trong năm nay. Tuy nhiên, việc kỳ vọng lãi suất cho vay hạ xuống và giá dầu thấp không còn mang lại sức ảnh hưởng lớn như trước nữa.

Mặt bằng lãi suất của Việt Nam hiện nay so với thế giới ở mức khá cao, mặc dù đã giảm trong 2 năm qua. Lãi suất VND được kỳ vọng sẽ ổn định trong cả năm 2016, song sẽ rất khó giảm xuống do nhu cầu vốn cũng như chi phí huy động vốn dần tăng lên.

Trần lãi suất đầu vào vẫn được ấn định mức cũ, trong khi các nhà băng phải tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài để có thể huy động được tiền nhàn rỗi trong dân, cân đối lại nguồn vốn nhằm đáp ứng Dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN. Vì thế, lãi suất cho vay ra sẽ tăng theo. Đặc biệt là đối với lĩnh vực bất động sản, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã có chủ trương siết lại tín dụng lĩnh vực này. Vì thế, có khả năng lãi suất cho vay bất động sản sẽ tăng lên so với mặt bằng hiện nay, kể cả lãi suất cá nhân vay tiền mua nhà.

Dù Fed có hành động thế nào, áp lực tỷ giá tại Việt Nam vẫn rất lớn ảnh 2

Cân đối cung – cầu ngoại tệ sẽ căng hơn trong năm nay 

Lạm phát của Việt Nam trong năm qua được kiểm soát ở mức thấp, nhưng các dự báo đưa ra cho thấy, lạm phát sẽ tái tăng trở lại trong năm nay, đồng thời trước áp lực tỷ giá tăng khi Fed đưa ra thông điệp sẽ còn điều chỉnh lãi suất USD trong thời gian tới thì lãi suất tiền đồng khó có thể kỳ vọng giảm.

Mặc dù Chính phủ và NHNN Việt Nam kỳ vọng lãi suất giảm thêm, nhưng kể từ đầu năm tới nay, diễn biến lãi suất bắt đầu có chiều hướng tăng lên. Vì vậy, các DN cần tính toán lại bài toán chi phí vốn vay để chủ động trong sản xuất - kinh doanh.

Lãi suất tăng cũng sẽ khiến nhu cầu tín dụng chững lại. Thêm vào đó, việc Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) đẩy mạnh mua nợ xấu và ngân hàng cố gắng thu hồi nợ trong thời gian qua có thể gián tiếp gây ảnh hưởng xấu lên cung - cầu vốn thị trường.

Trong khi đó, tiến trình xử lý nợ xấu còn những khó khăn nhất định. VAMC đã bán nợ xấu đến năm 2015 là 12.000 tỷ đồng. Dự kiến, trong năm 20116, sẽ bán thêm từ 8.000 – 28.000 tỷ đồng, đây là con số quá nhỏ so với tổng nợ xấu đã mua là 223.000 tỷ đồng tính đến cuối năm 2015.

Khối ngoại sẽ tăng mua

Việc Fed tăng lãi suất sẽ khó tránh tác động đến tâm lý của nhà đầu tư. Dự báo, Fed sẽ nâng lãi suất trong tháng 6/2016, giới đầu tư sẽ thận trọng khi đưa ra quyết định đầu tư trong nửa đầu năm nay, thậm chí có thể theo xu hướng bán ròng. Tuy nhiên, quy mô bán ròng sẽ không lớn do tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn vẫn tích cực và hệ thống tài chính khá ổn định. Không loại trừ khả năng nhà đầu tư ngoại sẽ chuyển sang mua ròng trong nửa cuối năm nay.

Sau thời điểm tháng 6, dù Mỹ nâng hay không nâng lãi suất USD, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có quyết định dứt khoát hơn trong việc mua vào, bởi tâm lý của họ đã được cũng cố, không còn nhiều phán đoán cho việc nâng lãi suất trong thời điểm này. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng với quy mô nhỏ trong nửa đầu năm, nhưng có thể chuyển sang mua ròng từ sau quý II/2016.

Việc nới room trên thực tế mới chỉ áp dụng cho đối tuợng là công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ. Các nhóm ngành khác vẫn bị hạn chế room ở mức như truớc đây cho đến khi ban hành thông tư huớng dẫn.

Theo các dự báo, khối ngoại sẽ có thể trở lại mua ròng mạnh trên TTCK Việt Nam trong nửa cuối năm đến trước đợt tăng lãi suất tiếp theo của Fed vào cuối năm. Việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài có khả năng được chính thức áp dụng trong nửa cuối năm nay cũng là động lực thúc đẩy thị trường chứng khoán trong nước tăng điểm. Tốc độ cải cách thị trường vốn có thể bị chậm trễ, nhưng vẫn được kỳ vọng sẽ là động lực quan trọng hỗ trợ cho thị trường.

Dự báo nhà đầu tư nước ngoài sẽ mua ròng trở lại trong nửa cuối năm 2016 được đưa ra trên cơ sở tình hình kinh tế thế giới bớt căng thẳng, tâm lý né tránh rủi ro đã dịu xuống. Sau khi chuyển sang mua ròng, quy mô dòng vốn chảy vào TTCK Việt Nam sẽ tăng nhẹ. Tốc độ rót vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam sẽ nhanh hơn so với các thị trường mới nổi khác.

Tuy nhiên, dù Chính phủ Việt Nam đã chính thức nới room khối ngoại từ tháng 9/2015, song đối tượng vẫn bị hạn chế. Việc nới room trên thực tế mới chỉ áp dụng cho đối tuợng là công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ. Các nhóm ngành khác vẫn bị hạn chế room ở mức như truớc đây cho đến khi ban hành thông tư huớng dẫn. Việc nới room cho các nhóm ngành còn lại nhanh nhất cũng phải đợi đến nửa cuối năm 2016.

Trước khi thông tư hướng dẫn được ban hành, lực mua sẽ tập trung vào các mã ngành mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Tuy nhiên, do tốc độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm nên áp lực nguồn cung không quá lớn.

Đến tháng 11/2015 mới IPO được 159 doanh nghiệp, đạt 55% kế hoạch. Do thiếu nhà đầu tư chiến lược nước ngoài nên sau IPO, nên tại nhiều doanh nghiệp, Nhà nước vẫn nắm giữ hơn 90% cổ phần.

Ông Yun Hang Jin, Giám đốc Khối thị trường mới nổi Công ty Korea Investment & Securities (Hàn Quốc)
Tin bài liên quan