Biểu tượng Uber tại Los Angeles, California, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Biểu tượng Uber tại Los Angeles, California, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Dù doanh thu tăng mạnh nhưng tập đoàn Uber vẫn thua lỗ nặng

Với việc tập trung "đổ tiền" vào các mảng dịch vụ khác nhằm đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, tập đoàn cung cấp dịch vụ đi chung xe Uber của Mỹ đã phải nhận khoản lỗ hơn 1 tỷ USD trong quý 3 vừa qua dù doanh thu tăng mạnh.
Theo số liệu được Uber công bố ngày 14/11, trong quý vừa qua, tập đoàn có trụ sở ở San Francisco này đã thua lỗ 1,1 tỷ USD dù doanh thu đạt 3 tỷ USD.

Trong khi đó, tổng giá trị các cuộc xe gọi qua Uber trong cùng giai đoạn đã tăng lên 12,7 tỷ USD.

Trong quý 2 trước đó, hãng này ghi nhận mức thua lỗ 891 triệu USD trên doanh thu ròng 2,8 tỷ USD, với tổng giá trị cuốc xe được đặt qua ứng dụng đạt 12 tỷ USD.
Trong tuyên bố của mình, Giám đốc Tài chính Uber Nelson Chai khẳng định công ty đã có một quý hoạt động kinh doanh "mạnh mẽ" với tốc độ tăng trưởng ấn tượng.

Trong bối cảnh Uber đang hướng tới sự kiện phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào năm tới, ông Chai cho biết tập đoàn này đang tập trung đầu tư nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai cho nền tảng mà hãng cung cấp, bao gồm dịch vụ chia sẻ xe đạp điện và scooter, giao đồ ăn và vận chuyển hàng hóa với các thị trường tiềm năng cao tại Ấn Độ và Trung Đông.

Dù chưa phải là một công ty đại chúng (công ty thực hiện huy động vốn thông qua phát hành chứng khoán niêm yết tại các sàn giao dịch chứng khoán), song Uber vẫn thường xuyên công bố kết quả kinh doanh. Đây được xem là một sự chuẩn bị để tập đoàn này "lên sàn" vào năm tới.

Hiện công ty này đang được nhiều ngân hàng dự báo có thể sẽ là doanh nghiệp đại chúng với giá trị vốn hóa lên tới hơn 100 tỷ USD hậu IPO.

Theo một số nguồn tin, Uber đang cân nhắc đẩy nhanh kế hoạch "lên sàn" vào nửa đầu năm 2019, thay vì nửa cuối năm này.

Theo kế hoạch mới nhất, trong 5 năm tới, Uber sẽ chi 200 triệu CAD (tương đương 154 triệu USD) nhằm mở rộng phòng thí nghiệm ở thành phố Toronto của Canada phục vụ mục đích phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cho dự án xe tự lái.

Trong 15 tháng kể từ khi mở cửa, phòng thí nghiệm của Uber đã đem đến “những thành tựu kỹ thuật quan trọng” cho dự án xe tự hành về mức độ an toàn và tin cậy cho hàng triệu người dùng trên thế giới.

Uber cũng thông báo sẽ mở một văn phòng kỹ thuật mới ở thành phố lớn nhất của Canada vào đầu năm 2019.

Trung tâm kỹ thuật này sẽ đóng góp cho nỗ lực triển khai các tính năng mới của ứng dụng Uber, mở rộng sang các hình thức vận tải khác như xe máy, xe đạp điện cũng như trở thành đối tác với các hãng cung cấp phương tiện công cộng.

Cuối tháng Bảy vừa qua, Uber thông báo dừng sản xuất các ôtô tải tự lái để tập trung phát triển mảng ôtô con không người lái do không thể cạnh tranh với những đối thủ khác trong lĩnh vực vận tải hàng hóa.

Trước đó, Uber cũng đã dừng sản xuất các ôtô con tự lái sau khi xe của hãng phối hợp với tập đoàn sản xuất ôtô Telsa phát triển gây ra tai nạn khiến một phụ nữ thiệt mạng tại bang Arizona của Mỹ hồi tháng Ba năm nay.

Bắt đầu tham gia chế tạo ôtô tự lái vào đầu năm 2015, Uber là một trong số các hãng công nghệ và chế tạo ôtô đang chạy đua để có thể tồn tại trong xu hướng phát triển các dòng xe tự lái vốn được coi là tất yếu, trong đó có việc chế tạo các xe tải tự lái.

Ngoài tốn tiền đầu tư vào lĩnh vực mới, năm nay, Uber vừa phải nộp khoản tiền phạt lên tới 148 triệu do sự cố rò rỉ dữ liệu gây ảnh hưởng tới khoảng 57 triệu lái xe và khách hành sử dụng dịch vụ taxi công nghệ của hãng này tại Mỹ hồi năm 2016.

Đây là khoản bồi thường lớn nhất từ trước tới nay tại Mỹ liên quan tới vấn đề bảo mật thông tin. Vụ việc bị phanh phui đã ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của Uber, có tài sản vốn hóa trên thị trường ước tính hơn 70 tỷ USD.
Tin bài liên quan