Là doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, có quan hệ nhà đầu tư tốt và khát vọng kinh doanh vươn tầm, nhưng cổ phiếu AAA không tránh được đà suy giảm trong bối cảnh TTCK Việt Nam chịu ảnh hưởng tiêu cực từ bối cảnh toàn cầu. Xin ông chia sẻ kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của AAA và dự kiến cuối năm?
Ông Nguyễn Lê Trung
Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2018, AAA thống nhất mục tiêu hoạt động năm 2018 là doanh thu hợp nhất đạt 6.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 330 tỷ đồng, hướng tới mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2025. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Ban lãnh đạo AAA nói riêng và toàn Tập đoàn An Phát nói chung luôn nỗ lực không ngừng trong các kế hoạch từ sản xuất, kinh doanh, huy động vốn và đầu tư các dự án tiềm năng. Tổng kết 6 tháng đầu năm, AAA có doanh thu hợp nhất ước đạt 3.047 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất ước đạt 103 tỷ đồng, hoàn thành lần lượt 50,8% kế hoạch doanh thu và 31% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Mặc dù Công ty đã nỗ lực đưa doanh thu vượt kế hoạch đề ra, nhưng do áp lực USD tăng giá nên đã đẩy chi phí tài chính tăng cao, bao gồm cả chi phí lãi vay và chênh lệch tỷ giá ngoại tệ (tăng 200% so với cùng kỳ năm trước) đã bào mòn lợi nhuận, lợi nhuận 6 tháng không như kỳ vọng.
Tuy là doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng Công ty vẫn chịu ảnh hưởng xấu khi đồng ngoại tệ tăng giá là do 100% nguyên liệu chính đều đến từ nhập khẩu, ngoài ra, máy móc thiết bị đầu tư cho sản xuất cũng được nhập khẩu, do vậy số ngoại tệ mà doanh nghiệp vay và phải trả vượt số ngoại tệ doanh nghiệp thu được dẫn đến lỗ chênh lệch tỷ giá khá cao.
Mặc dù phải đối mặt với khó khăn do khách quan, nhưng lợi nhuận từ hoạt động sản xuất - kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018 của AAA vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm 2017 (lợi nhuận sau thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm 2017 là 120 tỷ đồng, trong đó 24 tỷ đồng đến từ lãi bán cổ phiếu của Công ty Nhựa Bao bì Vinh - VBC).
Trong 6 tháng cuối năm, Công ty tiếp tục triển khai các dự án mới tại Khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát (An Phát Complex), hoàn thiện việc sửa chữa nhà xưởng, lắp đặt máy móc, tuyển dụng và đào tạo công nhân để đưa Dự án bao bì công nghiệp FIBC An Vinh và Dự án vật liệu xây dựng công nghệ cao An Cường vào chạy thử, ổn định sản xuất vào năm 2019. Cùng với đó, chúng tôi sẽ triển khai mở rộng sản xuất sản phẩm linh phụ kiện nhựa cho thiết bị điện tử. Dự án mở rộng sản xuất và đa dạng hóa sản phẩm nhựa vi sinh phân hủy hoàn toàn cũng đang được tích cực thảo luận và đàm phán với lãnh đạo cấp cao của đối tác quốc tế. Các dự án này đều thuộc những lĩnh vực mà lãnh đạo Công ty nhận thấy có tỷ suất lợi nhuận cao và nhu cầu lớn trong tương lai.
Nhà đầu tư trên thị trường tiếp nhận rất nhiều nỗi lo về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung được chia sẻ bởi các chuyên gia và nhà quản lý. Là người trực tiếp lãnh đạo DN lớn với sản phẩm hầu hết là xuất khẩu, liệu các cuộc chiến thương mại nói trên có “chạm” vào AAA?
Quả thực, chiến tranh thương mại là nỗi lo chung của nền kinh tế và có ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp nhập khẩu như An Phát. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý rằng, chiến tranh thương mại gây áp lực rất lớn lên tỷ giá khi mà VND được neo theo USD. Thực tế vừa qua, Nhân dân tệ mất giá và USD tăng giá đã khiến tỷ giá USD/VND tăng mạnh từ khoảng 22.730 VND/USD lên 23.050 VND/USD (tỷ giá thị trường tự do còn cao hơn nhiều), ảnh hưởng đến giá nguyên vật liệu đầu vào của chúng tôi khi mà toàn bộ hạt nhựa dành cho sản xuất được nhập khẩu từ nước ngoài. Trong quá khứ, các hoạt động mở LC ngoại tệ cho nhà cung cấp của An Phát bị ảnh hưởng bởi tỷ giá tăng và phải đánh giá lại các khoản nợ ngoại tệ này, kèm theo là khoản lỗ chưa thực hiện do điều chỉnh - đánh giá lại tỷ giá theo các quy định kế toán Việt Nam. Năm nay, do quy mô sản xuất - kinh doanh và nhập khẩu nguyên vật liệu lớn hơn hẳn các năm trước, nên ảnh hưởng của tỷ giá với An Phát cũng tăng lên đáng kể, lợi nhuận cuối quý II bị bào mòn một phần bởi phần lỗ (chưa thực hiện) do đánh giá lại tỷ giá.
Giá cổ phiếu AAA đang ở mức thấp nhất trong 1 năm trở lại đây bất chấp tình hình kinh doanh của An Phát rất khả quan với tiềm năng lớn ở các mảng kinh doanh mới. Theo đánh giá chủ quan của chúng tôi, cổ phiếu của AAA bị ảnh hưởng không nhỏ từ tình hình bi quan của TTCK Việt Nam do những lo sợ từ chiến tranh thương mại Trung - Mỹ
Ông Nguyễn lê trung, Tổng giám đốc AAA
Tuy nhiên, do sản phẩm bao bì màng mỏng của An Phát được xuất khẩu 100% nên doanh nghiệp chúng tôi có nguồn thu USD dồi dào, giảm thiểu được sự bào mòn lợi nhuận do tỷ giá tăng, đồng thời không chịu ảnh hưởng bởi cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc đang tràn vào thị trường nội địa Việt Nam do không thể xuất sang Mỹ. Hiện tại, chúng tôi đang triển khai đàm phán với đối tác lớn để bao tiêu sản lượng của hạt nhựa sản xuất trong nước. Trong tương lai không xa, hoạt động của An Phát sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi tỷ giá.
Xin ông chia sẻ kế hoạch và những diễn biến mới trong hoạt động đầu tư phát triển sau khi AAA huy động được hơn 1.170 tỷ đồng vốn từ đợt phát hành cổ phiếu trong quý II/2018, thưa ông?
Việc huy động vốn của An Phát được dùng để đầu tư cho Nhà máy số 8 và Nhà máy số 9. Bên cạnh việc phát triển thêm các dòng sản phẩm nhựa mới, hoạt động kinh doanh cốt lõi của AAA là mảng sản xuất bao bì màng mỏng thân thiện với môi trường. Chúng tôi tiếp tục củng cố vị trí nhà sản xuất bao bì nhựa màng mỏng lớn nhất và tiến tới là nhà sản xuất bao bì tự hủy lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Về tiến độ của dự án, sau khi nhận bàn giao KCN Việt Hòa – Kenmark nay là KCN An Phát Complex, chúng tôi đã đánh giá lại toàn bộ hiện trạng các nhà xưởng trên đất, thiết kế quy hoạch hoàn thiện toàn bộ hạ tầng các nhà máy mới như Nhà máy 8 (sản phẩm bao bì màng phức và tự hủy), Nhà máy 9 (vật liệu nhựa xây dựng công nghệ cao, linh kiện nhựa cho thiết bị điện tử và bao bì công nghiệp chất lượng cao) để triển khai củng cố hạ tầng và nhà xưởng, xây dựng thêm nếu có. Với mảng kinh doanh mới như Nhà máy 8, chúng tôi rất thận trọng trong việc đánh giá đầu ra, tìm hiểu máy móc kỹ thuật và các công nghệ tiên tiến, các đối tác lớn trong ngành. Dự kiến, nhà máy sẽ đi vào hoạt động trong năm 2020.
Nhà máy số 9 sẽ tập trung sản xuất các sản phẩm nhựa kỹ thuật cao, nhựa ép phun và các chi tiết nhựa nhỏ, chủ yếu phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Các sản phẩm của Công ty chủ yếu là sản phẩm đòi hỏi công nghệ cao, máy móc thiết bị cần đầu tư mới, do vậy cần nguồn vốn đầu tư ban đầu lớn. Hơn thế nữa, với lợi thế các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam khá nhiều, nhưng để trở thành vendor cấp 1 cho các doanh nghiệp FDI thì rất ít các công ty tại Việt Nam có thể đạt được. Đầu tư lớn để thu lại những lợi ích lớn hơn, không chỉ về doanh thu, lợi nhuận, mà còn chứng minh được năng lực, khả năng, danh tiếng cho AAA. Đồng thời, đây cũng là bước đệm để chúng tôi thực hiện mục tiêu trở thành tập đoàn đại chúng tiên phong trong ngành hóa nhựa Việt Nam, tạo ra giải pháp lớn cho thị trường trong nước, giữ vững và mở rộng thị phần quốc tế. Bằng việc kéo dài chuỗi sản xuất - kinh doanh, An Phát sẽ làm gia tăng giá trị ngành, nâng cao sự phát triển của ngành hóa nhựa Việt Nam, gia tăng sức cạnh tranh về sản xuất của Việt Nam trên thế giới.
Việc huy động vốn của An Phát được dùng để đầu tư cho Nhà máy số 8 và Nhà máy số 9. Khi các dự án này đi vào ổn đinh, các chỉ tiêu lợi nhuận của AAA sẽ tăng lên đáng kể do các dự án mới đều có biên lợi nhuận ở mức cao khoảng 10-17%, cao hơn nhiều so với biên lợi nhuận của sản phẩm túi nilon hiện tại.
Ông nguyễn lê trung, Tổng giám đốc AAA
Theo kế hoạch tăng vốn của AAA thì sau khi tăng vốn, các chỉ tiêu sinh lời trong năm 2018 được đảm bảo ở mức EPS đạt 2.590 đồng, ROE và ROA đạt mức 16% và 10%. Do các dự án đang trong giai đoạn đầu triển khai nên chưa mang lại doanh thu lớn. Tuy nhiên, trong giai đoạn tiếp theo, khi các dự án này đi vào ổn định, các chỉ tiêu lợi nhuận của AAA sẽ tăng lên đáng kể do các dự án mới đều có biên lợi nhuận ở mức cao khoảng 10-17%, cao hơn nhiều so với biên lợi nhuận của sản phẩm túi nilon hiện tại.
AAA đã chia sẻ tham vọng sẽ hướng đến tạo lập chuỗi giá trị công nghiệp nhựa kỹ thuật cao và thân thiện môi trường, xây dựng và phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp bền vững. Xin ông chia sẻ những diễn biến mới trong việc thực hiện tham vọng này?
AAA xây dựng mô hình tập đoàn nhằm tạo ra hệ sinh thái doanh nghiệp và chuỗi giá trị công nghiệp nhựa kỹ thuật cao khép kín từ nghiên cứu phát triển, đến sản xuất nguyên liệu, tạo thành phẩm và tiêu thụ. Trong hệ sinh thái đó, AAA giữ vai trò nòng cốt về sản xuất với sản phẩm chủ đạo là túi vi sinh phân hủy hoàn toàn thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, để hoàn thiện hệ sinh thái doanh nghiệp, An Phát đã xây dựng trung tâm R&D chuyên nghiên cứu và phát triển các sản phẩm ứng dụng ngành nhựa, thành lập An Phát Holdings để hoạch định chiến lược và quản lý nguồn vốn cho các công ty trong Tập đoàn, tăng cường năng lực sản xuất của An Phát Mineral (HII) - cung cấp nguyên vật liệu và phụ gia sản xuất, thành lập An Thành Bicsol - cung cấp nguyên vật liệu đầu vào và các giải pháp ngành, phát triển An Tín Logistic - vận tải và phân phối sản phẩm cho toàn Tập đoàn.
Với nền tảng là hệ sinh thái doanh nghiệp hoàn thiện khép kín, AAA xây dựng chiến lược phát triển Tập đoàn dựa trên 6 lĩnh vực: nhựa sinh học, bao bì, nhựa gia dụng, nhựa kỹ thuật, hóa dầu và xơ sợi. Với các lĩnh vực kinh doanh mới, AAA hướng tới phát triển các sản phẩm công nghệ cao, thân thiện với môi trường - động lực cho tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp. Hiện tại, AAA đang triển khai 4 dự án: dự án sản phẩm bao bì và nguyên vật liệu vi sinh phân hủy hoàn toàn AnBIO; dự án vật liệu xây dựng công nghệ cao An Cường; dự án Bao bì công nghiệp chất lượng cao An Vinh và dự án linh kiện nhựa ép phun kỹ thuật cao Đại An.
Trở lại với câu chuyện giá cổ phiếu trên sàn. Để chia sẻ với các cổ đông khi giá cổ phiếu rơi sâu so với giá trị thực, lãnh đạo DN có thể quyết định sẽ mua thêm cổ phiếu hoặc bản thân DN quyết định sẽ mua cổ phiếu quỹ. Tại AAA, vấn đề này có được đặt ra không, thưa ông?
Giá cổ phiếu AAA đang ở mức thấp nhất trong 1 năm trở lại đây bất chấp tình hình kinh doanh của An Phát rất khả quan với tiềm năng lớn ở các mảng kinh doanh mới. Theo đánh giá chủ quan của chúng tôi, cổ phiếu của AAA bị ảnh hưởng không nhỏ từ tình hình bi quan của TTCK Việt Nam do những lo sợ từ chiến tranh thương mại Trung - Mỹ có ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, các hoạt động xuất nhập khẩu, tâm lý nhà đầu tư, cũng như nguy cơ lạm phát. Lãnh đạo An Phát đã không ít lần tiến hành mua vào cổ phiếu của doanh nghiệp trong quá khứ khi giá cổ phiếu ở mức hấp dẫn. Ngoài ra, các cổ đông lớn như An Phát Holdings gần đây cũng đã có động thái chuẩn bị mua vào khối lượng lớn cổ phiếu AAA như kế hoạch được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông tháng 2/2018, hay điển hình là Quỹ PYN Elite đã tiến hành mua thêm 1 triệu cổ phiếu ở vùng giá hấp dẫn.
Tháng 7/2018, TTCK Việt Nam tròn 18 năm mở cửa hoạt động. Với tư cách là 1 DN niêm yết lâu năm trên thị trường, ông có dự cảm như thế nào về tương lai TTCK Việt Nam? Ông có những góp ý, khuyến nghị gì giúp thị trường phát triển?
Theo tôi, TTCK Việt Nam đang thể hiện sự hấp dẫn lớn với các nhà đầu tư nước ngoài. Để giành được sự quan tâm hơn nữa từ các quỹ đầu tư và các nhà đầu tư trên thế giới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần chủ động và thực hiện nhiều hơn công tác xúc tiến đầu tư, giới thiệu thị trường đến các nhà đầu tư quan tâm. Các doanh nghiệp cũng nên đẩy mạnh công tác quan hệ nhà đầu tư (IR) như một kết nối chính thức đến các nhà đầu tư trên thị trường, nâng cao sự minh bạch và làm đẹp hình ảnh của doanh nghiệp.
Nếu để ý, có thể thấy, thanh khoản của AAA đang từ mức trung bình khoảng vài trăm nghìn cổ phiếu giao dịch mỗi phiên đã lên đến khoảng 2 triệu cổ phiếu mỗi phiên trong một năm trở lại đây. Đây thực sự là tín hiện rõ ràng cho thấy sức hấp dẫn của cổ phiếu AAA trên thị trường. Kết quả này có được ngoài kết quả kinh doanh khả quan cũng nhờ một phần vào việc đẩy mạnh công tác IR lên tầm chuyên nghiệp, chủ động và thường xuyên của chúng tôi.