TS. Võ Trí Thành
Ông bình luận gì về tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm 2016?
Tôi cho rằng, với những kết quả đã đạt được nửa đầu năm 2016, so với mục tiêu đặt ra cả năm, sẽ rất khó khăn để về đích đúng kế hoạch. Nếu như thời điểm cuối năm ngoái, đầu năm nay, có nhiều dự báo rằng tăng trưởng kinh tế 2016 sẽ vào khoảng 6,7 - 6,8%, thì đến hiện tại, phần lớn các dự báo đều giảm xuống còn 6,2 - 6,4%.
Thậm chí cuối tháng 7/2016, Ngân hàng Thế giới đã ước tính mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt khoảng 6% trong năm nay. Mặc dù, con số này so với bối cảnh chung của kinh tế khu vực, thế giới không phải là thấp.
Nhiều thành viên thị trường trông đợi vào chính sách tiền tệ. Theo ông, liệu mình NHNN có vực dậy được tăng trưởng kinh tế?
Chúng ta đều biết dư địa để chính sách tiền tệ hỗ trợ tiến trình phục hồi tăng trưởng là không nhiều, thậm chí rất hạn chế, bởi NHNN phải cân đối giữa tăng trưởng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh với ổn định kinh tế vĩ mô. Ổn định kinh tế vĩ mô mặc dù có nhiều điểm cải thiện nhưng về tổng thể vẫn chưa vững chắc nên không thể lơ là.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh ít nhiều vẫn tồn tại áp lực với lãi suất, tỷ giá, việc có một chính sách tiền tệ thích hợp để đảm bảo mức độ ổn định tương đối của lãi suất VND và tỷ giá cũng là một thách thức. Chưa kể, còn đó là áp lực với ngân sách, phát hành trái phiếu, quan hệ giữa trái phiếu - lãi suất cho vay từ các NHTM.
Hiện tại, hệ thống tài chính ngân hàng dù có những cải thiện nhất định nhưng vẫn cần nhiều nỗ lực để lành mạnh hóa bản thân hơn nữa. Đây rõ ràng không phải là điều đơn giản. Do vậy, nhìn nhận dưới góc độ cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng, thì hiện dư địa sử dụng là hạn hẹp. Tôi muốn nhấn mạnh, ổn định vẫn phải là một trọng tâm xuyên suốt của chính sách.
Ông có cho rằng, chính sách tài khóa, tiền tệ cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn?
Việc sử dụng phối hợp giữa hai chính sách này những năm gần đây đã tốt hơn, điển hình là trong những tháng đầu năm nay. Chẳng hạn, NHNN “bơm, hút” dòng tiền trên thị trường tiền tệ đã nhịp nhàng hơn với những thời điểm phát hành trái phiếu chính phủ. Do vậy, không phải ngẫu nhiên, 6 tháng đầu năm việc phát hành trái phiếu tiến triển tương đối khả quan và đây là điều rất quan trọng trong bối cảnh ngân sách gặp khó khăn.
Mặc dù vậy, việc phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ cần được thực hiện tốt hơn nữa, liên quan đến cung tiền, phát hành trái phiếu, xử lý chi trả nợ nước ngoài,...
Trong bối cảnh cả hai chính sách kinh tế vĩ mô đều không nhiều dư địa hỗ trợ tăng trưởng, điều mà chúng ta cần làm (và đang nỗ lực làm) là tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, giảm thiểu chi phí giao dịch, qua đó người dân, khu vực tư nhân sẽ sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo thêm giá trị gia tăng; cũng như giúp tạo môi trường đầu tư hấp dẫn hơn, nhất là khi Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu.
Sau 5 năm tái cơ cấu, tỷ lệ nợ xấu đã giảm xuống, tuy nhiên, rất nhiều quan điểm cho rằng, cần xử lý nợ xấu triệt để hơn để giúp hệ thống ngân hàng mở rộng tín dụng cho nền kinh tế, cùng với giảm mặt bằng lãi suất nhằm từng bước hỗ trợ DN, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô…?
Chúng ta đều biết những nỗ lực vừa qua của NHNN, VAMC đã làm được một bước quan trọng là “gạt nợ xấu sang bên lề”, tạo sự thông thoáng hơn cho dòng tín dụng. Cơ chế trái phiếu đặc biệt của VAMC giúp giảm bớt phần nào khó khăn của NHTM, qua đó thúc đẩy tín dụng, hỗ trợ sản xuất kinh doanh.
Về mặt kỹ thuật, nợ xấu đã giảm đáng kể nhưng chưa phải thực chất và vấn đề là cần nâng cao “quyền lực”, cùng “pháp lực”, “nguồn lực” của VAMC. Những điều này có không ít điểm vượt ngoài khung khổ có thể xử lý được của NHNN, chưa nói đến VAMC. Cụ thể hơn, đó là vấn đề về tài sản đảm bảo, phát triển thị trường mua bán nợ và sự tham gia của các nhà đầu tư có liên quan.