Thị trường “màu mỡ”
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, Giám đốc marketing Văn phòng Chứng nhận Halal - HCA Việt Nam cho biết, hiện có 57 quốc gia là thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), có 2,2 tỷ người Hồi giáo đang sinh sống tại 112 quốc gia trên thế giới (chiếm 25% dân số thế giới) và có tốc độ phát triển 2,9%/năm. Đây là thị trường có văn hóa kinh doanh đặc biệt và thường yêu cầu phải có chứng nhận Halal đối với ngành hàng thực phẩm.
Trong đó, với số dân theo đạo Hồi và sử dụng thực phẩm Halal khoảng 860 triệu người (chiếm 66% tổng số người Hồi giáo trên thế giới), khu vực Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương hiện tiêu thụ thực phẩm Halal lớn nhất thế giới, với khoảng 470 tỷ USD, trong đó Đông Nam Á là 230 tỷ USD, Nam Á - Nam Thái Bình Dương là 238 tỷ USD.
Theo bà Hằng, tiêu thụ thực phẩm Halal tại Đông Nam Á dự kiến đạt giá trị 1.972 tỷ USD vào năm 2024, với đa dạng sản phẩm, dịch vụ như bánh kẹo, thực phẩm, đồ uống, sản phẩm từ sữa, thực phẩm hữu cơ, thảo dược, mỹ phẩm, dược phẩm, nước hoa, ngân hàng, du lịch, logistics, chuỗi cung ứng…
Là một trong những doanh nghiệp được trao chứng nhận sản phẩm thân thiện với người Hồi giáo, ông Kumaresan, Phó giám đốc điều hành Công ty Dunlopillo chia sẻ: “Chỉ trong khu vực Đông Nam Á đã có rất nhiều thị trường hấp dẫn như Malaysia, Indonesia, Brunei..., nhưng các thị trường này luôn đòi hỏi tiêu chuẩn Halal rất khó đáp ứng và thực hiện. Vì vậy, trên thực tế, việc thâm nhập thị trường Halal của doanh nghiệp Việt mới chỉ là bước đầu khai phá, chưa thực sự chiếm được thị phần đáng kể”.
Vì vậy, dư địa tại thị trường này còn rất lớn để doanh nghiệp Việt khai thác trong bối cảnh khó khăn đơn hàng như hiện nay. Ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Gia Bảo thông tin, từ 3 năm trước, khi tham gia triển lãm tại Malaysia, doanh nghiệp nhận thấy, các loại hạt được người Hồi giáo rất ưa chuộng. Vì vậy, doanh nghiệp bắt đầu tìm hiểu và thực hiện các tiêu chuẩn mà Halal đặt ra.
“Hiện nay, doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm liên quan đến hạt điều sang thị trường Hồi giáo như Dubai, Singapore, Malaysia… đạt hơn 50 tấn/tháng”, ông Sơn thông tin.
Khó khai thác
Ông Ramlan Osman, Giám đốc Trung tâm Halal Vietnam cho biết, thực phẩm muốn được chứng nhận Halal phải đảm bảo không vi phạm quy định của Luật Hồi giáo. Theo đó, sản phẩm không chứa các thành phần từ thịt lợn, cồn cũng như các tác động tiêu cực tới môi trường trong quá trình sản xuất, chế biến.
Tuy nhiên, với doanh nghiệp có sự chuẩn bị và đầu tư từ năm 2021, ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại toàn cầu đánh giá, vẫn có rất nhiều rào cản để đạt được chứng nhận Halal và thâm nhập thị trường Hồi giáo.
“Các tiêu chuẩn này đòi hỏi ngặt nghèo từ nguyên liệu đầu vào đến chế biến thô… đều phải đạt chứng nhận Halal. Trong đó, ở mỗi quốc gia lại có thêm một số tiêu chuẩn khác, vì vậy, doanh nghiệp cố gắng đạt tiêu chuẩn ở quốc gia này, thì lại chưa đảm bảo tiêu chuẩn ở một quốc gia khác. Đây là một trong những khó khăn khi doanh nghiệp vẫn chưa hiểu nhiều về thị trường này”, ông Luận chia sẻ.
Dù vậy, đây vẫn là thị trường rất tiềm năng, nên Công ty TNHH Liên kết thương mại toàn cầu đang cố gắng đáp ứng các yêu cầu. Dù chưa hoàn thành, nhưng đến nay, chi phí đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị tại nhà xưởng tăng 20-30% để đảm bảo thực hiện theo đúng yêu cầu của chứng nhận. Đó là chưa kể, phải quy hoạch lại vùng trồng hướng đến hữu cơ nhiều hơn và đào tạo, nâng cao chất lượng lao động.
Theo ông Luận, doanh nghiệp phải xác định đâu là thị trường mục tiêu để đảm bảo đạt tất cả các điều kiện của tiêu chuẩn Halal, như Trung Đông, Indonesia, Malaysia… Thế nhưng, ông Luận cho rằng, xác suất thành công chỉ khoảng 50%, vì rất khó xác định sản phẩm có phù hợp với người tiêu dùng hay không.
Trong khi đó, bà Võ Ngọc Gia Cát, đại diện Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Trà Cát Nghi cho biết, doanh nghiệp đã xuất khẩu khoảng 1.000 tấn trà/năm sang Malaysia và một lượng nhỏ sang Indonesia, trong đó có thị trường Halal.
“Tuy nhiên, các sản phẩm xuất sang thị trường Halal cũng chỉ là sản phẩm thô như trà xanh, trà đen, trà ô long… Những sản phẩm đã được chế biến, đóng gói vẫn chưa đủ điều kiện vì đòi hỏi doanh nghiệp đầu tư thời gian và chi phí để nghiên cứu nhu cầu, khẩu vị sử dụng của người Hồi giáo”, bà Cát cho biết thêm.
Đó cũng là tình trạng tương tự ở Công ty cổ phần Tập đoàn Gia Bảo, khi doanh nghiệp vẫn đang xuất khẩu các sản phẩm được gia công theo đơn đặt hàng của từng nhãn hàng, mà chưa có thương hiệu của riêng mình tại thị trường Hồi giáo.
Do đó, theo ông Sơn, sang năm 2024, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh xúc tiến, mở gian hàng tại hội chợ và để khách hàng dùng thử sản phẩm tại các siêu thị. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ trực tiếp sang các thị trường và thông qua Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) để xúc tiến thương mại.
“Dù khó, nhưng vẫn có nhiều khả năng để thực hiện. Với doanh nghiệp Việt Nam, việc được cấp chứng chỉ về thực phẩm như HACCP, ISO… sẽ dễ dàng hơn trong quy trình cấp chứng nhận Halal. Đặc biệt, chứng nhận Halal không đề cập các yếu tố về mặt kỹ thuật, mà chỉ yêu cầu quá trình sản xuất, nguyên vật liệu phải đáp ứng các yêu cầu về Halal”, ông Ramlan Osman, Giám đốc Trung tâm Halal Vietnam chia sẻ.
Đặc biệt, trong thời gian tới, sản phẩm Halal sẽ mở rộng không chỉ với thực phẩm thuần túy, mà cả dược phẩm, mỹ phẩm, đồ gia dụng, thời trang, du lịch và giải trí… Vì vậy, tiêu chuẩn thân thiện với người Hồi giáo sẽ là cánh cửa mới đối với các doanh nghiệp đang muốn tiến vào thị trường đầy tiềm năng này.