Còn dư địa hạ lãi suất
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu ngành ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay đầu tư sản xuất - kinh doanh, nhất là cho vay đối với doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo, phù hợp với diễn biến lạm phát; có biện pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao.
“Có cơ hội để giảm lãi suất”, đó là chia sẻ của một lãnh đạo cao cấp Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán. Căn cứ cho nhận định của vị lãnh đạo này là lãi suất huy động trên thị trường 1 (thị trường dân cư) tương đối ổn định. Lãi suất cho vay có dấu hiệu giảm dần sau khi Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành và trần lãi suất cho vay ngắn hạn một số lĩnh vực ưu tiên. Những tháng cuối năm 2017, việc giảm lãi suất đang có nhiều yếu tố hỗ trợ.
Thứ nhất, áp lực từ phía tỷ giá không quá lớn. Đồng USD đã giảm so với đầu năm và khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong năm nay theo dự báo của giới chuyên gia phân tích quốc tế giảm xuống dưới 50%.
Thứ hai, lạm phát nhiều khả năng đạt dưới mục tiêu Quốc hội đề ra (4%).
Thứ ba, việc phát hành trái phiếu chính phủ 5 tháng còn lại của năm 2017 chỉ còn khoảng 25% kế hoạch năm. Lợi suất trái phiếu chính phủ các kỳ hạn cũng đồng loạt giảm 0,2 - 0,3 điểm phần trăm so với thời điểm cuối tháng 6, thấp hơn khoảng 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2016 ở các kỳ hạn, tạo điều kiện hỗ trợ việc giảm lãi suất đối với khu vực ngân hàng.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cũng có chung nhận định, ngành ngân hàng vẫn còn dư địa hạ lãi suất, nếu xét ở góc độ vĩ mô. Theo TS. Nghĩa, lãi suất và lạm phát là hai yếu tố luôn song hành với nhau. Việc tăng giá điện và dịch vụ y tế từ giữa năm nay từng được quan ngại sẽ đẩy lạm phát tăng cao, nhưng giá cả hai dịch vụ này đã tăng và hiện ở mức cao, nhưng chỉ số CPI vẫn duy trì ở mức thấp.
Nhiều khả năng trong thời gian tới, giá xăng sẽ tăng trở lại, nhưng mức tăng sẽ không lớn, có chăng chỉ là giá điện và tiền lương tăng sẽ ảnh hưởng đến lạm phát.
TS. Nghĩa phân tích, lạm phát 3 năm qua được kiểm soát ở mức thấp, đều dưới 2%, trong khi các lãi suất chỉ đạo, lãi suất tái cấp vốn ở mức 6,5%/năm, 6%/năm và đây cũng là tín hiệu cho các ngân hàng thương mại đưa lãi suất quanh mức này. Nghĩa là, lãi suất điều hành vượt xa lãi suất thị trường liên ngân hàng, cao hơn lãi suất trái phiếu chính phủ ngắn hạn, trên cả lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng… Điều này cho thấy, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn có kỳ vọng lạm phát cao.
“Tuy nhiên, trên thực tế, lạm phát đang có xu hướng giảm nhanh do giá thị trường thế giới (chủ yếu xăng) giảm xuống, giá nông phẩm giảm mạnh, tác động của giá dịch vụ và y tế không lớn… Đây chính là điều kiện tốt để Ngân hàng Nhà nước cân nhắc một lộ trình điều chỉnh lãi suất điều hành để đạt được 3 mục đích”, TS Nghĩa nói.
Ngân hàng Nhà nước nên có lộ trình hạ lãi suất với thời điểm hạ lãi suất có thể sau kỳ họp của Fed vào tháng 9 tới và mức hạ hợp lý là nửa điểm phần trăm
- TS. Lê Xuân Nghĩa
Ba mục đích của việc hạ lãi suất điều hành, theo ông Nghĩa, là: Thứ nhất, chỉ báo về sự ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt lạm phát; thứ hai, chỉ báo để các ngân hàng thương mại hạ mặt bằng lãi suất nói chung; thứ ba, chỉ báo về các mối quan hệ thị trường giữa các loại lãi suất với nhau, bao gồm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất thị trường liên ngân hàng, lãi suất huy động và cho vay của ngân hàng, lãi suất trái phiếu chính phủ, giúp hình thành đường cong chuẩn về lãi suất để ngân hàng và doanh nghiệp định hướng được lãi suất dài hạn và quyết định đầu tư”.
“Ngân hàng Nhà nước nên có lộ trình hạ lãi suất với thời điểm hạ lãi suất có thể sau kỳ họp của Fed vào tháng 9 tới và mức hạ hợp lý là nửa điểm phần trăm”, TS. Nghĩa khuyến nghị.
Còn theo vị lãnh đạo Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, nút thắt xử lý nợ xấu đã có cơ chế pháp lý thuận lợi khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 ngày 19/7/2017 và Ngân hàng Nhà nước nên có lộ trình hạ lãi suất hợp lý nhất là nửa điểm phần trăm.
… Nhưng cần đảm bảo lãi suất thực dương
Tại ngân hàng trung ương các quốc gia trên thế giới, lãi suất chính sách (lãi suất cơ bản) đóng vai trò rất quan trọng, định hướng cho thị trường liên quan đến các chính sách lãi suất khác hay quyết định tới câu chuyện nới lỏng - thắt chặt tiền tệ. Nhưng ở Việt Nam, ảnh hưởng của những vấn đề liên quan đến lãi suất chính sách không rõ ràng, bởi trong khi vẫn duy trì lãi suất cơ bản 9%/năm, thị trường vẫn có lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, quy định lãi suất cho vay ngắn hạn với những lĩnh vực ưu tiên… Trong khi thực tế, chỉ có một mức lãi suất OMO (thị trưởng mở) là được các ngân hàng quan tâm nhất hiện ở mức 5%/năm.
“Mỗi ngân hàng đều có khẩu vị rủi ro khác nhau để tính toán giá thành đầu vào - đầu ra, từ đó đưa ra mức lãi suất cho từng sản phẩm, phân khúc khách hàng. Các ngân hàng không thể huy động quá cao vì một khi đầu vào quá cao, đầu ra cũng cao theo, rất khó cho vay. Còn cho vay những đối tượng khách hàng có mức độ rủi ro cao, chấp nhận lãi suất cao là điều không ngân hàng nào mong muốn”, lãnh đạo một ngân hàng chia sẻ.
Trong khi đó, ghi nhận từ phía người gửi tiết kiệm cho thấy, họ vẫn trông đợi một mức lãi suất tiền thực dương. Có nghĩa là lãi suất tiết kiệm phải đủ bù đắp sự mất giá của đồng tiền và có lãi thực ở một mức độ nào đó. Lãi suất tiền gửi ngân hàng phải lớn hơn tỷ lệ lạm phát tổng thể, chứ không phải là tỷ lệ lạm phát cơ bản. Chẳng hạn, lạm phát tổng thể bình quân 7 tháng đầu năm 2017 tăng 3,91%, trong khi lạm phát cơ bản tiếp tục duy trì ở mức thấp, tăng 1,49% so với cùng kỳ.
“Nếu không duy trì lãi suất thực dương, tôi sẽ chuyển từ tiết kiệm đồng Việt Nam sang mua ngoại tệ, vàng hay phương tiện dự trữ khác”, chị K.L ở Thanh Xuân Bắc, Hà Nội cho biết.
Xung quanh câu chuyện hạ lãi suất, nới lỏng tiền tệ, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế đưa ra khuyến cáo, để đạt được tăng trưởng tín dụng ở con số 20% trong năm 2017, với 5 tháng còn lại của năm 2017, mỗi tháng Ngân hàng Nhà nước phải tăng tín dụng gần 130.000 tỷ đồng - đây là con số không nhỏ.
Chính phủ muốn giải ngân nhanh để thúc đẩy tăng trưởng, nhưng giải ngân cần phải thực sự hiệu quả đối với nền kinh tế, không thể giải ngân vào những thị trường thứ cấp như chứng khoán, bất động sản. Đây là những lĩnh vực không đóng góp cho GDP, mà còn thổi phồng giá, đẩy lạm phát cao và nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ đưa các thị trường thứ cấp này vào điểm nóng, phát sinh rủi ro lớn trong năm 2018.
“Tiền thì có khả năng thu xếp được, nhưng vấn đề là có lĩnh vực thực sự hiệu quả đối với nền kinh tế để giải ngân hay không?”, TS. Hiếu quan ngại.