Lãi suất tăng đang là xu hướng trên toàn cầu, Việt Nam cũng không ngoại lệ

Lãi suất tăng đang là xu hướng trên toàn cầu, Việt Nam cũng không ngoại lệ

Dư địa điều hành lãi suất giảm dần

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cơ quan quản lý kêu gọi các tổ chức tín dụng không tăng lãi suất cho vay, nhưng nếu không tăng lãi suất cho vay thì ngân hàng sẽ không bù đắp đủ chi phí vận hành.

Lãi suất huy động tăng: Phản ứng hợp lý

Sau khi Ngân hàng Nhà nước áp dụng lãi suất điều hành mới từ ngày 23/9/2022, ngoại trừ các ngân hàng có vốn nhà nước, các ngân hàng thương mại cổ phần đều có động thái điều chỉnh mặt bằng lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn. Mức tăng kịch trần ở kỳ hạn 6 tháng tại ACB, SHB..., mức tăng 0,2 - 0,5% ở kỳ hạn trên 12 tháng tại MBB, ACB, SHB…

Bà Phùng Nguyễn Hải Yến, Phó tổng giám đốc Vietcombank nhận xét, quyết định điều chỉnh tăng trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn hạn của Ngân hàng Nhà nước vừa qua là phù hợp, phản ánh đúng diễn biến thị trường và chính sách điều hành lãi suất của cơ quan quản lý.

“Khi nhận được quyết định điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi ngay lập tức rà soát lại lãi suất huy động vốn để đảm bảo chính sách lãi suất của Ngân hàng phù hợp với chính sách của Ngân hàng Nhà nước, phù hợp với diễn biến của thị trường và kế hoạch kinh doanh của Vietcombank, đảm bảo nguồn vốn để cung ứng nguồn tín dụng cho phát triển nền kinh tế”, bà Yến nói.

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần chia sẻ, ngân hàng đã dự tính kịch bản Ngân hàng Nhà nước tăng các mức lãi suất điều hành bởi mặt bằng lãi suất trên thị trường 2 liên tục tăng từ tháng 7 nên không bất ngờ. Giả thiết được đặt ra là ngân hàng mình thanh khoản tốt, không cần tăng lãi suất huy động, nhưng các ngân hàng khác đều tăng lãi suất thì sẽ như thế nào? Câu trả lời phần lớn đều là khách hàng sẽ dịch chuyển sang ngân hàng khác.

Đồng quan điểm, một lãnh đạo cao cấp LienVietPostBank cho rằng, ngân hàng nào cũng có một lượng khách trung thành, nhưng khi khách phải băn khoăn giữa lợi ích và mối quan hệ lâu dài thì đó là điều khiến ngân hàng phải suy nghĩ. Do vậy, các ngân hàng sẽ buộc phải tăng lãi suất để giữ khách hàng, đồng thời thể hiện thiện chí của ngân hàng đã nỗ lực tối đa nhằm đảm bảo quyền lợi của khách hàng.

Thực tế cho thấy, trong giai đoạn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất, chỉ số sức mạnh đồng USD (DXY) liên tục tăng và lập đỉnh mới. USD lên giá, duy trì sức mạnh so với các đồng tiền khác và VND cũng không phải là ngoại lệ. Trong khi đó, nguồn cung ngoại tệ có diễn biến không quá thuận lợi so với các năm trước, đặt trong bối cảnh Việt Nam nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu trong giai đoạn giá cả tăng cao.

“Trước các rủi ro bất định gia tăng, mặt bằng lãi suất chịu áp lực tăng trên cả thị trường 1 và thị trường 2, ghi nhận rõ nét nhất ở thị trường liên ngân hàng và lãi suất huy động. Có thể thấy, giai đoạn này, thanh khoản thị trường liên ngân hàng không còn dồi dào so với giai đoạn trước”, vị tổng giám đốc trên nhận xét.

Mặt bằng lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng được dự báo sẽ tăng, kéo theo lãi suất cho vay tăng tương ứng.

Trong khi đó, nền kinh tế ghi nhận thách thức ổn định vĩ mô như áp lực tỷ giá chưa thể sớm hạ nhiệt, lạm phát kỳ vọng ở mức cao trong dài hạn, khiến nhà điều hành tiếp tục có động thái thận trọng. Với ưu tiên chính sách là duy trì các yếu tố ổn định (kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá), Ngân hàng Nhà nước không thể quá mạnh tay trong việc duy trì trạng thái thanh khoản dồi dào, nhằm mục tiêu giảm sức hấp dẫn của việc nắm giữ đồng USD.

Tính trung bình từ đầu năm 2022 đến nay, lãi suất huy động tăng 0,9 - 1,1%/năm, phần nào thể hiện nhu cầu thanh khoản của các ngân hàng thương mại thay đổi đáng kể so với giai đoạn dịch Covid-19. Cụ thể, tính đến ngày 16/9/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021 và tăng 17,19% so với cùng kỳ năm 2021, đây là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm qua, trong khi tăng trưởng huy động chỉ đạt hơn 4%.

“Thực tế này có thể được lý giải do nhu cầu tín dụng phục vụ sản xuất - kinh doanh sau dịch. Ngoài ra, xu hướng tăng của lãi suất huy động là phản ứng hợp lý khi mặt bằng lãi suất ở nhiều quốc gia đang trong xu hướng tăng”, vị tổng giám đốc trên nói.

Lãi suất điều hành có thể còn tăng

Chị Hồng Anh (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, có lẽ các ngân hàng dự đoán được Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng lãi suất nên trước đó, TPBank đã gửi tin thông báo: “Từ ngày 19/9/2022, lãi suất áp dụng cho khoản vay số 008Dxxx của quý khách là 11,9%/năm” (mức lãi suất cũ là 11,4%/năm).

“Tôi vay mua ô tô nên lãi suất cao, những khách hàng vay mua nhà có lãi suất còn cao hơn. Khoản vay được trả dần hàng tháng nên dư nợ hiện không đáng kể nên thôi, cứ để đó tiếp tục trả dần, chứ dư nợ còn nhiều mà lãi suất vay có xu hướng tăng dần đều thế này thì tôi sẽ phải lo xoay tiền trả cho dứt điểm”, chị Hồng Anh chia sẻ.

Theo vị tổng giám đốc trên, dù cơ quan quản lý đã kêu gọi các tổ chức tín dụng không tăng lãi suất cho vay, nhưng nếu không tăng lãi suất cho vay thì ngân hàng sẽ không bù đắp đủ chi phí vận hành, chứ chưa đề cập đến câu chuyện lợi nhuận. Ngân hàng là một loại hình doanh nghiệp đặc thù, huy động tiền để cho vay, chứ không phải để đi làm từ thiện, nên việc tăng lãi suất cho vay sau khi tăng lãi suất huy động là điều khó có thể tránh khỏi.

“Kiểm soát không để lãi suất huy động và cho vay tăng thời điểm này chắc Ngân hàng Nhà nước chỉ “gõ” được các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước bởi có nhiều lợi thế”, vị tổng giám đốc nói.

Quả vậy, bà Hải Yến cho biết, đối với lãi suất cho vay, ngay từ đầu năm và đến thời điểm này cũng như trong thời gian tới, Vietcombank triển khai đồng loạt các giải pháp hỗ trợ cho việc bình ổn lãi suất cho vay như tăng cường các hoạt động dịch vụ, đẩy mạnh tiết giảm chi phí hoạt động, cơ cấu lại nguồn vốn để đảm bảo tối ưu nhất chi phí huy động vốn và giữ được mặt bằng ổn định, tập trung cho những lĩnh vực ưu tiên.

Thậm chí, đối với các nhu cầu vốn tăng cao vào dịp cuối năm, đây là xu hướng hàng năm của các ngân hàng thương mại nên Vietcombank đã có dự liệu ngay từ đầu năm. Đến thời điểm này, với chính sách của Ngân hàng Nhà nước về huy động vốn, về lãi suất và chính sách điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng thương mại, Vietcombank có đủ ngân sách để hỗ trợ cho các mục đích vay, đặc biệt đối với các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế cũng như sản xuất - kinh doanh nhằm ổn định đời sống kinh tế.

Nhưng diễn biến trên thị trường tài chính thể hiện sự kém lạc quan khi trong suốt 2 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước đã và đang phải sử dụng kết hợp nhiều công cụ cả tỷ giá và lãi suất nhằm đảm bảo các cân đối vĩ mô và thanh khoản trên thị trường tài chính. Sau khi Fed có những đánh giá lại về kỳ vọng lãi suất điều hành cho năm 2023, động thái hợp lý là Ngân hàng Nhà nước có những điều chỉnh linh hoạt hơn.

Cụ thể, tăng lãi suất điều hành để tránh tạo ra khoảng cách quá lớn trong điều hành so với mặt bằng chung của nhiều nước lớn trên thế giới. Điều này đã được hiện thực hóa ngày 22/9 khi Ngân hàng Nhà nước công bố tăng 1% các lãi suất điều hành, có hiệu lực từ ngày 23/9. Bên cạnh đó, cân nhắc tăng tỷ giá trung tâm và tăng giá bán ngoại tệ, với mức giảm giá của VND khoảng 3 - 4%, phù hợp diễn biến thị trường ngoại hối.

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện tại, mức giảm giá của VND so với đồng tiền nhiều quốc gia khác vẫn ở mức thấp. Giống như các ngân hàng trung ương trên thế giới, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ nhắm tới các mục tiêu, định hướng rõ ràng, tiến hành thay đổi lãi suất, tỷ giá theo từng bước, tránh giật cục, gây sốc trên thị trường. Đồng thời, các bước điều chỉnh cũng sẽ được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng nhằm tránh có khoảng cách khác biệt quá lớn đối với phần lớn các ngân hàng trung ương khác.

Lãi suất tiếp tục tăng khiến dư địa điều hành mang tính chất định hướng giảm, trong khi nguồn lực của Ngân hàng Nhà nước còn hạn chế. Cùng với đó, trên thế giới, Fed và nhiều ngân hàng trung ương khác quyết liệt tăng lãi suất nhằm tránh khỏi vòng xoáy tiền lương - giá cả.

“Dự báo, mặt bằng lãi suất huy động tăng 1,5 - 2%/năm và lãi suất cho vay sẽ tăng tương ứng. Về cơ bản, lãi suất liên ngân hàng sẽ cao hơn đáng kể các năm trước và khó có khả năng thấp hơn ngưỡng 4%/năm”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nói.

“Dư địa để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng lãi suất điều hành là có, bởi lạm phát có thể sẽ cao hơn giai đoạn trước Covid, trong khi mặt bằng lãi suất vẫn thấp hơn mức trước Covid”, vị tổng giám đốc trên nhận định.

Tin bài liên quan