Các đại biểu trao đổi tại Diễn đàn

Các đại biểu trao đổi tại Diễn đàn

Dư địa đầu tư bất động sản du lịch còn rất lớn

(ĐTCK) Trái ngược với nhiều ý kiến cho rằng bất động sản nghỉ dưỡng đang dư thừa nguồn cung, theo nhiều chuyên gia, thị trường vẫn còn dư địa phát triển rất lớn nhờ hưởng lợi từ tăng trưởng du lịch.

Du lịch Việt Nam đang có những bước phát triển nhảy vọt trong những năm gần đây với tốc độ tăng trưởng 20 - 30%/năm và lọt vào danh sách các quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới

Năm ngoái Việt Nam đón 15,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 2,7 triệu lượt khách so với năm 2017. Lượng khách nội địa đạt 80 triệu lượt, tăng hơn 6,8 triệu lượt khách so với trước. Tổng cục Du lịch dự báo năm nay du lịch Việt Nam sẽ đón khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế.

Tuy nhiên, tại "Diễn đàn Bất động sản du lịch 2019: Triển vọng thị trường và thách thức nguồn nhân lực" do TheLEADER tổ chức cuối tuần qua, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippinnes, du lịch Việt Nam vẫn còn khoảng cách xa.

Số liệu từ Bộ Du lịch Thái Lan cho biết, trong năm 2018 đã có 38,27 triệu khách du lịch tới nước này, tăng 7,5% so với năm 2017. Như vậy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa bằng một nửa so với Thái Lan.

Đòn bẩy cho du lịch tăng tốc

Để đuổi kịp Thái Lan, theo ông Nam, bất động sản nghỉ dưỡng của Việt Nam phải phát triển hơn nữa để đáp ứng đủ nhu cầu về cơ sở lưu trú cho khách du lịch. Trong ngắn hạn, với từ 18 - 20 triệu khách quốc tế tới Việt Nam mỗi năm có thời gian nghỉ trung bình từ 5 - 7 ngày cho mỗi kỳ nghỉ và khách du lịch trong nước khoảng 85 triệu người có thời gian nghỉ từ 3 - 4 ngày, Việt Nam cần thêm hàng chục ngàn phòng khách sạn cao cấp.

Cùng với đó là đòi hỏi của khách du lịch về chất lượng dịch vụ lưu trú, cơ sở vật chất ngày càng cao, việc đầu bất động sản nghỉ dưỡng cần được chú trọng, chạy đua nước rút nhằm đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết 08 của Bộ chính trị ban hành đầu năm 2017.

Đồng quan điểm, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng cho rằng, sự tăng trưởng lượng khách du lịch quốc tế và nội địa thời gian qua đã tạo ra làn sóng đầu tư ồ ạt vào các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, biệt thự, căn hộ du lịch tại các trung tâm du lịch lớn.

Chỉ trong thời gian ngắn số lượng cơ sở lưu trú chủ yếu là khách sạn, khu nghỉ dưỡng, biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ khách sạn, nhà phố thương mại du lịch tăng lên nhanh chóng. Năm 2011 cả nước có 13.756 cơ sở lưu trú du lịch với trên 256.000 buồng thì tới 2018 con số đã đạt 28.000 cơ sở với 550.000 buồng lưu trú, tốc độ tăng trưởng về quy mô buồng bình quân 12%/năm.

Dự báo đến năm 2020, Việt Nam đón 21 triệu lượt khách quốc tế, đến 2025 đón 32 triệu lượt và đến 2030 sẽ đón 47 triệu lượt, tăng trưởng bình quân cả giai đoạn 9 - 11%/năm.   

Thực tế từ năm 2014 đến nay, trên phạm vi cả nước đã xuất hiện cơn sốt đầu tư phát triển bất động sản du lịch khi du lịch tăng trưởng mạnh, đặc biệt là các thị trường du lịch ven biển. Trong đó, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc là ba địa bàn đang phát triển rất mạnh. Điều này khẳng định rõ sự tăng trưởng khách du lịch tạo sức hấp dẫn cho kênh đầu tư vào bất động sản du lịch và chính yếu tố hấp dẫn du lịch là cội nguồn gia tăng giá trị cho bất động sản tại điểm du lịch.

Ông Siêu dự báo đến năm 2020, Việt Nam đón 21 triệu lượt khách quốc tế, đến 2025 đón 32 triệu lượt và đến 2030 sẽ đón 47 triệu lượt, tăng trưởng bình quân cả giai đoạn 9 - 11%/năm. Nhu cầu đầu tư vào cơ sở lưu trú du lịch cũng vì thế tăng lên. Tuy nhiên tính chất, loại hình và địa bàn sẽ thay đổi theo xu hướng nhu cầu của khách du lịch thế hệ mới. Bất động sản du lịch vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn hứa hẹn hiệu quả cao nếu lựa chọn đúng địa bàn, đúng loại hình phù hợp với xu hướng nhu cầu của thế hệ khách du lịch mới, thời kỳ gắn với cách mạng công nghiệp 4.0, ông Siêu nhấn mạnh.

Nhiều nhà đầu tư lớn ra nhập thị trường

Theo ông Nguyễn Trần Nam, thời gian gần đây, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã chứng kiến sự tham gia của hàng loạt các chủ đầu tư lớn trong nước và quốc tế gia nhập thị trường.

Đáng chú ý, không ít doanh nghiệp trước đây chỉ đầu tư bất động sản nhà ở hoặc kinh doanh lĩnh vực khác cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào bất động sản du lịch, tạo nên một làn sóng phát triển rất sôi động của thị trường bất động sản du lịch ở hầu khắp các địa phương đang có nhiều tiềm năng phát triển du lịch và nghỉ dưỡng.

Cùng với đó là sự tham gia của các ông lớn và xuất hiện nhiều cơ sở nghỉ dưỡng tầm vóc quốc tế của các chủ đầu tư lớn như Vingroup, Sungroup, BIM, CEO, FLC có quy mô rất lớn hoặc rất sang trọng.

Ngay cả những doanh nghiệp rất xa lạ với thị trường bất động sản nghỉ dưỡng như Alphanam mới đây cũng trình làng một dự án khách sạn lớn tại Đà Nẵng và tiếp tục triển khai thêm.

Có thể thấy, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang quy tụ nhiều nhà đầu tư lớn có tiềm lực, tâm huyết triển khai những dự án đẳng cấp, chất lượng phục vụ du lịch, ông Nam nhận định.

Là doanh nghiệp đang phát triển hơn 40 dự án nhà ở tại TP. HCM, Novaland cũng bắt đầu chuyển hướng đầu tư lớn vào bất động sản du lịch. Ông Nguyễn Thái Phiên, Giám đốc cấp cao Tập đoàn Novaland chia sẻ, tận dụng những thế mạnh sẵn có trên thị trường bất động sản cũng như nhìn thấy rõ tiềm năng của bất động sản nghỉ dưỡng, trong năm năm tới, Novaland tập trung xây dựng trụ cột kinh doanh mới là phát triển đô thị sinh thái và bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.

Tổng quỹ đất của Novaland hiện lên đến 3.650 ha, trong đó 45% phát triển bất động sản nhà ở tại TP. HCM và lân cận, 55% phát triển bất động sản du lịch.

Trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, Novaland hướng tới thị trường từ Đà Nẵng trở vào TP. HCM, sâu hơn về miền Tây và Phú Quốc do đây là những địa bàn phù hợp về mặt thời tiết, hạ tầng và con người để phát triển du lịch.

Novaland hiện đang phát triển ba thương hiệu bất động sản du lịch là NovaHills, NovaBeach và NovaWorld. Từ nay đến năm 2023, doanh nghiệp này sẽ phát triển hơn 10.000 phòng khách sạn.

Ông Phiên cho biết, Novaland mời các nhà tư vấn quốc tế cùng hoạch định chiến lược cho các địa phương như BCG tư vấn cho Cần Thơ phát triển du lịch toàn diện; Baker McKenzie tư vấn cho phát triển du lịch Bình Thuận.  Bên cạnh đó, Novaland bắt tay với các đối tác chiến lược danh tiếng quốc tế như đã ký kết với Greg Norman về thiết kế triển khai bốn dự án sân golf và hợp tác với Minor để quản lý các khách sạn.

“Mục tiêu của tập đoàn là phối hợp với các nhà tư vấn, các nhà quản lý, vận hành bất động sản nghỉ dưỡng nhằm tạo ra những điểm đến tuyệt hảo cho khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy dự phát triển của du lịch Việt Nam”, ông Phiên nhấn mạnh.

Tin bài liên quan