Những thành tích nổi bật nhất, tạo nền tảng cho ổn định kinh tế vĩ mô bao gồm tỷ giá đồng nội tệ so với USD được giữ ổn định. Đồng Việt Nam là một trong những đồng tiền ổn định nhất trong khu vực trong bối cảnh nhiều đồng tiền trong khu vực mất giá mạnh so với USD.
Trong năm 2014, tỷ giá USD/VND luôn được giữ trong biên độ cho phép của NHNN, nhu cầu mua bán cân bằng, thanh khoản được duy trì khá tốt. Việc tỷ giá được giữ ổn định giúp tạo niềm tin rất lớn của người dân và doanh nghiệp vào VND.
Thứ hai là thị trường vàng đã được kiểm soát và vàng không còn gây tác động lớn lên tỷ giá. Tình trạng người dân xếp hàng để mua hoặc bán vàng mỗi khi thị trường vàng biến động hầu như không còn xuất hiện.
Chính sách kiểm soát thị trường vàng của NHNN đã gặp rất nhiều luồng ý kiến trái chiều một vài năm trước, nay đã tạo sự đồng thuận rất lớn trên thị trường. Thị trường đã nhận ra lợi ích của việc kiểm soát thị trường vàng và đưa vốn nhàn rỗi từ thị trường vàng vào nền kinh tế.
Thứ ba là lãi suất giảm cả về mặt huy động lẫn cho vay…
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH Một thành viên HSBC (Việt Nam)
Việc giảm trần lãi suất huy động xuống 5,5%/năm cho kỳ hạn dưới 6 tháng và trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên góp phần hạ mặt bằng lãi suất cho vay, tháo gỡ bớt khó khăn cho sản xuất - kinh doanh.
Bên cạnh đó, dự trữ ngoại tệ tăng mạnh giúp tạo tính ổn định trong hệ thống. Cán cân thanh toán thặng dư cao cũng là sự khác biệt của Việt Nam so với một số nước trong khu vực và giúp tạo sự ổn định của VND trong khi nhiều đồng tiền trong khu vực đã bị mất giá mạnh so với USD.
Công tác truyền thông được đưa lên một tầm cao mới với sự tham gia của các ngân hàng thương mại cùng với NHNN nhằm thông tin minh bạch và chính xác về chính sách điều hành với thị trường. Niềm tin của thị trường vào các chính sách của NHNN đã được cải thiện rõ rệt.
Xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam được cải thiện tích cực hơn có phần đóng góp rất nhiều từ điều hành chính sách tiền tệ của NHNN nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh xuất khẩu và tạo môi trường kinh tế vĩ mô lành mạnh hơn.
Chính những thành công trong việc điều hành chính sách tiền tệ đã tạo điều kiện thuận lợi để xử lý nợ xấu và cải cách hệ thống ngân hàng - một nhiệm vụ hết sức khó khăn và phức tạp.
Các nước thường phải sử dụng nguồn lực ngân sách lớn để xử lý nợ xấu và cải cách hệ thống ngân hàng trong khi Việt Nam không muốn sử dụng ngân sách cho mục tiêu này. Đây là một mục tiêu hoàn toàn không dễ dàng.
Tuy nhiên, với nguồn lực tài chính không nhiều và sức ép từ rất nhiều các nhóm lợi ích, NHNN đã rất khéo léo trong việc giải quyết bài toán hiện nay bằng nhiều phương án rất sáng tạo như VAMC mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt…
Với thanh khoản dồi dào tại các ngân hàng và niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng, NHNN có điều kiện thuận lợi hơn khi tái cơ cấu hoặc sáp nhập các ngân hàng. Thông điệp của NHNN hết sức rõ ràng trong việc giảm số lượng các ngân hàng thông qua việc sát nhập và tập trung phát triển các ngân hàng có đủ tầm cạnh tranh trong nước và khu vực.
Việc NHNN mua lại Ngân hàng Xây dựng giá 0 đồng và thông tin về các ngân hàng sáp nhập với nhau như Maritime Bank & MDB, VietinBank và PG Bank, BIDV và MHB… trong quý I/2015 đã thể hiện quyết tâm của NHNN trong việc cải tổ và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu.
NHNN cũng ban hành hàng loạt các Thông tư (như Thông tư 36, 02 và 09… ) nhằm nâng chuẩn mực hoạt động của các ngân hàng lên một mặt bằng mới. Bản thân các ngân hàng cũng xác định phải cải tổ, làm sạch sổ sách, giải quyết nợ xấu để tồn tại. Chính sức ép của NHNN và sự tự thân vận động của một số ngân hàng thương mại đã từng bước lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng.
Dù có rất nhiều thành công, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn còn những hạn chế. Việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng chưa tiến triển nhanh như kỳ vọng. Hiện nay, việc sáp nhập các ngân hàng thường là phép cộng số học giữa hai ngân hàng yếu kém hoặc giữa một ngân hàng mạnh và một ngân hàng yếu kém.
Sự kết hợp này tạo ra một ngân hàng lớn hơn nhưng chưa chắc tốt hơn. Ngoài ra, việc đưa ra nhiều mục tiêu trong việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cũng làm chậm lại tiến trình cải cách.
Chúng ta không thể mãi tăng trưởng dựa vào chiến lược giá nhân công thấp - Ảnh: Lê Toàn
Thứ hai là cầu tín dụng và cầu của nền kinh tế còn rất yếu trong năm 2014. Giải pháp hạ mặt bằng lãi suất tạo một số tác động tích cực và tới đầu năm 2015, nhu cầu trong nước đang có dấu hiệu hồi phục. Tuy nhiên, dư địa của chính sách tiền tệ còn rất ít trong việc kích cầu. Chúng ta cần các giải pháp căn cơ hơn như cải cách các doanh nghiệp quốc doanh, cải cách hành chính và cuối cùng là cải cách đầu tư công.
Khi thị trường nhận thấy bước tiến rõ rệt của các chương trình cải cách, tâm lý thị trường sẽ chuyển biến tích cực và tạo lực thúc đẩy cầu của nền kinh tế một cách bền vững.
Nhìn chung, chính sách tiền tệ 2015 không có gì thay đổi nhiều so với năm 2014 và sẽ tập trung vào một số mục tiêu như kiểm soát nợ xấu và tăng trưởng tín dụng bền vững, thay vì chạy theo mục tiêu số lượng. Đảm bảo phục vụ tăng trưởng kinh tế, tiếp tục ổn định VND và kiểm soát lạm phát, tín dụng và lãi suất.
Điều này đòi hỏi phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa khi chi tiêu công ngày càng tăng và nguồn thu tăng chậm, đặc biệt ảnh hưởng từ giá dầu thế giới giảm làm ảnh hưởng nguồn thu ngoại tệ. Bên cạnh đó, chính sách về lãi suất và tỷ giá nên linh hoạt để đảm bảo kiềm chế lạm phát nhưng vẫn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Trong những tháng đầu năm 2015, tăng trưởng xuất khẩu đã giảm xuống mức 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái (quý I/2014 tăng 12,7%). Ngành du lịch cũng đang suy yếu, khi quý I/2015, lượng khách du lịch đến Việt Nam giảm 13,7% so với năm ngoái chỉ đạt mức 2 triệu khách. Năng lực cạnh tranh suy yếu do đồng nội tệ tăng giá so với nhiều đồng tiền khác là một phần nguyên nhân.
Xét về mặt tỷ giá hối đoái thực hữu dụng, tiền đồng Việt Nam đang tăng giá khoảng 8% kể từ cuối năm 2014. Đã có những kỳ vọng về việc điều chỉnh tỷ giá trong thời gian gần đây nhằm hỗ trợ xuất khẩu. Tuy nhiên, NHNN cũng đã khẳng định sẽ điều chỉnh tỷ giá một cách ổn định và linh hoạt, tùy theo tình hình cụ thể ở từng giai đoạn.
Tâm lý kỳ vọng VND sẽ điều chỉnh khi đồng USD mạnh lên tương đối so với các đồng tiền khác sẽ gây một số khó khăn nhất định trong việc điều hành tỷ giá và lãi suất, nhằm giữ chênh lệch giữa lãi suất tiền USD và VND ở một mức độ hấp dẫn nhất định để hỗ trợ cho sự ổn định của tỷ giá.
Kinh tế Việt Nam đã bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi tuy còn chậm. Tuy nhiên, chúng ta không thể chủ quan vì kinh tế thế giới được dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp trong các năm tới. Việc kiên định cải cách 3 khu vực (hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp quốc doanh và đầu tư công) hết sức quan trọng sẽ tạo tính cạnh tranh lâu dài cho Việt Nam.
Ngoài ra, chúng ta cần tranh thủ giai đoạn hiện nay nâng cao giá trị gia tăng tại Việt Nam, tích cực tham gia các chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam và nâng cao năng suất lao động khi Việt Nam vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài do chi phí nhân công thấp. Chúng ta không thể tăng trưởng dựa vào chiến lược giá nhân công thấp mãi được do trong tương lai, sẽ có các quốc gia khác rẻ hơn Việt Nam.
Trong bối cảnh hiện nay, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt vừa hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế vừa thận trọng trong việc tránh các cú sốc cho nền kinh tế nếu có bất ổn trên thị trường thế giới hết sức quan trọng.