Dù biết khó, HoREA vẫn kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tăng trần dư nợ tín dụng năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
HoREA kiến nghị NHNN xem xét tăng trần dư nợ tín dụng năm 2022 thêm 1-2% so với mục tiêu tăng trưởng 14% đã xác định đầu năm, trong đó tăng trần dư nợ tín dụng cho nhóm "Big 4".
Dù biết khó, HoREA vẫn kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tăng trần dư nợ tín dụng năm 2022

Kiến nghị NHNN nới room tín dụng thêm 1-2%

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, chính sách tín dụng là một công cụ rất hiệu quả để điều tiết nền kinh tế và thị trường bất động sản, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay Nhà nước đang thực hiện nhiều chính sách để phục hồi và tái phát triển nền kinh tế sau dịch Covid-19.

Cụ thể, HoREA kiến nghị NHNN xem xét tăng trần dư nợ tín dụng năm 2022 thêm 1-2% so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% đã xác định trước đây, trong đó xem xét tăng trần dư nợ tín dụng cho 4 ngân hàng quốc doanh và các ngân hàng thương mại đạt chuẩn Basel 2.

Báo cáo 6 tháng đầu năm 2022 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tổng dư nợ tín dụng bất động sản tại ngày 31/5 là 2,33 triệu tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 12,31% so với cuối năm ngoái và cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân của nền kinh tế là 9,35%.

Nhưng thực chất, tín dụng kinh doanh bất động sản là 786.000 tỷ đồng, chỉ đạt mức tăng trưởng 8,4%, thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân của nền kinh tế 9,35%. Con số này đã cho thấy rõ, trong 6 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp, nhà đầu tư và người mua nhà khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng hơn so với trước đây.

Do vậy, HoREA đề nghị NNHH thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng hợp lý để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bất động sản có dự án khả thi, có uy tín thương hiệu, là khách hàng tin cậy, có tài sản bảo đảm được tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng.

Theo đó, HoREA đề nghị NHNN cho phép ngân hàng thương mại được cho khách hàng vay “để chứng minh khả năng tài chính của khách hàng vay trong các quan hệ giao dịch dân sự với bên thứ ba”, hoặc cho vay “để góp vốn, hợp tác đầu tư”, hoặc “cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống, trong đó có xây nhà, sửa chữa nhà, mua nhà” trong trường hợp “khách hàng có tài sản bảo đảm cho khoản vay”.

Vì vậy, HoREA đề nghị NHNN xem xét tăng trần dư nợ tín dụng năm 2022 thêm 1-2% so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% đã xác định trước đây, trong đó xem xét tăng trần dư nợ tín dụng cho 4 ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất (Big 4) và các ngân hàng thương mại đạt chuẩn Basel 2.

Có dễ được nới trước áp lực lạm phát tăng?

Trước đó, chia sẻ tại Hội Nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2022, NHNN định hướng tín dụng tăng khoảng 14%, cao hơn mức tăng 13,61% trong năm 2021 và 12,17% năm 2020.

Tính đến 30/6/2022, tín dụng đã tăng 9,35%, là mức cao hơn so với mức tăng của 6 tháng đầu năm của cả những năm trước đại dịch COVID-19.

Lạm phát đang chịu sức ép gia tăng trong thời gian tới, NHNN vẫn giữ chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 là 14%.

Theo Thống đốc, nhu cầu tín dụng bất động sản thường là với thời hạn trung và dài hạn (hiện nay khoảng 94% dư nợ có thời gian 10 - 25 năm), trong khi đó nguồn vốn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn với mức lãi suất thay đổi theo thị trường (khoảng 80% là tiền gửi ngắn hạn).

Đáng chú ý, đầu tháng 10/2022 tới các ngân hàng phải giảm tỳ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 40% xuống 37% theo quy định tại Thông tư 08/2021/TT-NHNN.

NHNN cho biết, không "siết" tín dụng đối với các lĩnh vực này, song cần kiểm soát rủi ro để đảm bảo an toàn hệ thống. Riêng đối với các dự án BOT, BT giao thông, mặc dù tỷ lệ nợ xấu các dự án hiện hữu có xu hướng gia tăng trong bối cảnh doanh thu, lộ trình tăng phí không như dự kiến, song các TCTD vẫn cần quan tâm và đầu tư vào các dự án hiệu quả, có khả năng trả nợ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Thông điệp của NHNN luôn nhất quán và rõ ràng từ đầu năm đến nay đó là, cơ quan quản lý đã định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 14%, có điều chỉnh linh hoạt phù hợp diễn biến, tình hình thực tế.

Còn theo phó thống đốc thường trực NHNN ông Đào Minh Tú, trong 2 năm gần đây nền kinh tế của Việt Nam có sự tác động rất lớn từ nền kinh tế thế giới và sự phục hồi của kinh tế Việt Nam cũng rất nhanh.

Vì thế, ngay từ đầu năm khi xây dựng mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 14%, nhưng cũng có thể điều chỉnh một cách linh hoạt, phù hợp, có thể tăng lên 15-16%, song cũng có thể giảm xuống 12 - 13%.

Bởi lẽ, trước hết là phải phục vụ mục tiêu kiểm soát lạm phát, vì một khi tín dụng tăng lên cũng đồng nghĩa với việc kiểm soát lạm phát. Nhưng một nhiệm vụ nữa là phải đảm bảo cung ứng đủ nguồn vốn để tăng trưởng kinh tế, song vẫn kiểm soát lạm phát.

Vì vậy, NHNN vẫn phải đảm bảo vốn phục vụ cho nền kinh tế mà vẫn phải thực hiện được mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Hiện các ý kiến cho rằng, một số ngân hàng thương mại hết room nên không thể đẩy vốn cho vay. Nhưng theo Phó thống đốc Tú, trong bối cảnh hiện nay cũng là cơ hội để các ngân hàng cơ cấu lại nguồn vốn tín dụng.

Mục tiêu của NHNN là hướng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt lĩnh vực rủi ro cũng như điều tiết dòng tiền để kiểm soát được mục tiêu lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô...

Tin bài liên quan