Hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc
Trong Báo cáo Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch năm 2022, dự kiến năm 2023 mà Bộ Công thương gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều chỉ tiêu sản xuất, xuất khẩu đã được nêu khá cụ thể.
Dựa trên kết quả 6 tháng đầu năm 2022 (kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng cao với tổng kim ngạch đạt hơn 371,3 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 186 tỷ USD), Bộ Công thương cho biết, năm 2002, cả nước sẽ tiếp tục xuất siêu.
Những tháng cuối năm 2022, nhu cầu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục tăng theo chu kỳ xuất nhập khẩu hàng hóa và hiệu quả từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Theo đó, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc.
Năm 2021, có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong 8 tháng của 2022, đã có 30 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm gần 92% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
“Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm 2022 ước đạt khoảng 368 tỷ USD, tăng khoảng 9,46% so với năm 2021, vượt mục tiêu Chính phủ giao (khoảng 8%); nhập khẩu đạt khoảng 367 tỷ USD. Dự kiến năm 2022, cán cân thương mại xuất siêu khoảng 1 tỷ USD, đạt mục tiêu kế hoạch”, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhận định.
Những kết quả đạt được cũng là cơ sở để ngành công thương tự tin đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2023 tăng khoảng 8% so với năm 2022, cán cân thương mại duy trì xuất siêu; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 6.178 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2022.
Tiến sâu vào các thị trường có FTA
Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 8 tháng của năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 497,64 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 13,6%; cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu khoảng 3,96 tỷ USD.
Trong những tháng còn lại của năm 2022, dự báo kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thậm chí, một số nền kinh tế lớn có thể suy thoái. Lạm phát tiếp tục tăng cao ở nhiều quốc gia, khu vực, ảnh hưởng tới tiêu dùng hàng hóa không thiết yếu, làm giảm cầu hàng hóa nhập khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam. Bởi vậy, để đạt được mục tiêu xuất khẩu của cả năm 2022, các doanh nghiệp, ngành hàng cần tiếp tục nỗ lực.
Đánh giá về khả năng tận dụng các FTA để mở rộng xuất khẩu, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, 15 FTA đang thực thi trở thành động lực, giúp thương mại quốc tế của Việt Nam tăng trưởng mạnh trong thời gian qua.
Đơn cử, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã bước sang năm thứ tư thực thi, tiếp tục tạo động lực giúp các doanh nghiệp tăng tốc xuất khẩu. Số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu vào các nước thành viên CPTPP trong 7 tháng của năm 2022 đạt gần 31,5 tỷ USD, tăng 21,43% so cùng kỳ năm 2021, vượt mức tăng xuất khẩu chung của cả nước (16,6%).
Những con số này phần nào cho thấy, doanh nghiệp đã thể hiện khả năng thích ứng, bắt nhịp nhanh, linh hoạt với các thị trường CPTPP.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 7 tháng của năm 2022, thị trường CPTPP tiêu thụ hơn 13% tổng lượng cá tra xuất khẩu của Việt Nam với giá trị 211,4 triệu USD, tăng 73% so với cùng kỳ năm 2021.
Cùng với CPTPP, việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng đạt kết quả tích cực. Xuất khẩu sang EU năm 2021 đạt 40,1 tỷ USD, tăng 14,2% so với năm 2021. Qua 8 tháng của năm 2022, xuất siêu sang EU ước đạt 21,6 tỷ USD, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm 2021 - mức tăng kỷ lục sang thị trường này.
Dẫu vậy, về tổng thể, khả năng tận dụng tốt nhất cơ hội từ các FTA chủ yếu thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong 8 tháng đầu năm, tỷ trọng xuất khẩu của nhóm doanh nghiệp này chiếm tới 70,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.