Chia sẻ tại buổi Họp báo Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2020 do NHNN tổ chức, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết, 2 tháng đầu năm 2020 tín dụng tăng chậm với mức tăng 0,01% vào cuối tháng 1 và tăng 0,2% vào cuối tháng 2.
Tuy nhiên, nhờ việc triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp hỗ trợ khách hàng, từ tháng 3 đã xuất hiện phục hồi khi cầu tín dụng bắt đầu tăng. Đến cuối tháng 8/2020, tăng trưởng tín dụng đạt 4,75% và đến ngày 16/9/2020 tín dụng đã tăng 4,81%.
“Tín dụng vẫn tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên như: tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 4%; tín dụng lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng 3,29%; tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 3%...”, ông Tuấn Anh cho biết.
Báo cáo ngành Ngân hàng do CTCP Chứng khoán VNDirect vừa công bố nhận định, hoạt động cho vay được cải thiện trong quý II/2020 nhờ việc kiểm soát tốt sự bùng phát Covid-19.
Bên cạnh đó, niềm tin của các doanh nghiệp vào triển vọng phục hồi của nền kinh tế khi đại dịch được kiềm chế cũng khiến số doanh nghiệp thành lập mới tăng trở lại.
Cụ thể, trong quý II/2020, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp hoạt động tăng lên 46.202 doanh nghiệp (tăng 2,1% so với quý I/2020); số doanh nghiệp thành lập mới tăng 8,8% so với quý I/2020, trong khi số doanh nghiệp hoạt động trở lại giảm 10,7% so với quý I/2020 do tỷ lệ các doanh nghiệp hoạt động trở lại cao vào tháng 1 hàng năm.
Một điểm đáng chú ý khác cũng được Báo cáo đề cập đó là câu chuyện hai lần NHNN cắt giảm các lãi suất điều hành (vào tháng 3 và tháng 5 năm 2020), dẫn đến lãi suất tái cấp vốn/tái chiết khấu giảm xuống 4,5%/3% từ mức 6%/4% vào tháng 3/2020, lãi suất tiền gửi tài khoản vãng lai/tiền gửi huy động dưới 6 tháng giảm xuống mức 0,2%/4,25% từ 0,8%/5% vào tháng 3/2020 và trần lãi suất cho vay ngắn hạn giảm xuống mức 5% từ mức 6%.
Ngoài ra, Thông tư 01 của NHNN đã hướng dẫn các ngân hàng cơ cấu lại các khoản cho vay với thời hạn đến 12 tháng và việc miễn/giảm lãi cho khách hàng giúp làm giảm áp lực chi phí dự phòng cho ngân hàng và chi phí lãi vay cho khách hàng.
Song song với đó, các ngân hàng cũng đưa ra các gói kích thích, chẳng hạn như miễn/giảm lãi và giảm lãi suất cho vay, để hỗ trợ các công ty bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Gói kích cầu tín dụng trị giá 300 nghìn tỷ đồng vào tháng 4/2020 với lãi suất cho vay giảm đến 2,5%, đã có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Đến ngày 29/6/2020, các khoản vay mới, được hưởng lãi suất thấp hơn từ 0,5% - 2,5% điểm, chiếm 13% dư nợ cho vay toàn ngành.
VNDirect dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ đạt mức 9% năm 2020 và phục hồi ở mức 13% vào năm 2021. Theo giả định cơ sở hy vọng đại dịch sẽ được kiềm chế vào cuối quý III/2020, với kỳ vọng việc sản xuất vắc xin sẽ thành công và nỗ lực trong việc giảm lây nhiễm cộng đồng, giữ cho hoạt động kinh doanh không bị gián đoạn, điều này sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong quý IV/2020 và 2021.
“Chúng tôi dự báo tăng trưởng tín dụng cho năm 2020/2021 là 9%/13%. Với kỳ vọng GDP 2020/2021 tăng 3,5%/7,1%, tỷ lệ tín dụng/GDP sẽ tăng lên 116%/123% năm 2020/2021 (từ 110% năm 2019)”, bà Trần Thị Khánh Hiền, quyền Giám đốc khối phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định.
Báo cáo kỳ vọng hoạt động cho vay sẽ được thúc đẩy bởi các yếu tố như tác động của đợt bùng phát Covid-19 thứ hai ít nghiêm trọng hơn đợt đầu tiên. Hơn nữa, vắc-xin đang được thử nghiệm ở các quốc gia khác, nếu thành công, sẽ cho phép các chính phủ tự tin mở lại biên giới, thúc đẩy hoạt động sản xuất và kinh doanh, cải thiện hoạt động thương mại và sản xuất, thúc đẩy các ngành dịch vụ, ví dụ như du lịch.
Bên cạnh đó, việc cắt giảm lãi suất điều hành giúp các ngân hàng giảm áp lực về chi phí vốn, từ đó giảm lãi suất cho vay thúc đẩy các doanh nghiệp vay mới phục hồi sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, thúc đẩy đầu tư công sẽ tạo ra việc làm, gián tiếp thúc đẩy nhu cầu tín dụng.
“Chúng tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy đầu tư công trong năm 2021 để hỗ trợ tăng trưởng. Theo khảo sát mới nhất của NHNN, nhu cầu tín dụng sẽ cải thiện đáng kể trong nửa cuối năm, nhờ một số biện pháp chủ động của Chính phủ nhằm vực dậy nền kinh tế. Thống kê cũng cho thấy xuất khẩu, bán lẻ và dệt may sẽ là động lực chính”, bà Hiền nói.
Một trong những biện pháp chủ động của NHNN được biết đó là khẩn trương đôn đốc Bộ Tài chính để có ý kiến thống nhất về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 cho phù hợp với thực tế của dịch bệnh, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Theo đó, ở phương án thận trọng, con số tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 8% và ở phương án lạc quan hơn, con số đó sẽ có thể đạt khoảng 10%.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết thêm: “Đầu năm, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% nhưng do tác động của đại dịch Covid-19 nên nhu cầu vốn rất thấp. Tính đến giữa tháng 9/2020, tăng trưởng tín dụng chỉ vào khoảng 4,8%. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm NHNN sẽ cân nhắc điều chỉnh đối với từng tổ chức tín dụng”.
Đối với các lĩnh vực nhiều rủi ro như bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, Phó Thống đốc khẳng định, NHNN luôn theo sát để đảm bảo tín dụng không lâm vào rủi ro và hạn chế thấp nhất gia tăng của nợ xấu.
"Hệ thống ngân hàng luôn bảo đảm cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hiệu quả", bà Hồng nhấn mạnh.