Dự báo tác động từ “maganomics”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Với chiến lược “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” (Make America great again - Maga), chính sách kinh tế “maganomics” trong nhiệm kỳ tới của ông Donald Trump nếu đắc cử có thể sẽ tác động mạnh hơn đến kinh tế toàn cầu.

Chủ trương bảo hộ sản xuất trong nước

Những tuyên bố trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ lần 2 cho thấy, đường lối kinh tế của ông Trump tiếp tục theo hướng cắt giảm thuế, tăng cường bảo hộ sản xuất trong nước, hạn chế người nhập cư và duy trì lập trường ngoại thương cứng rắn. Mục đích của chính sách này là tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động tại Mỹ và phát triển kinh tế, với trọng tâm là bảo hộ sản xuất trong nước và giảm thâm hụt thương mại.

Về vấn đề thuế quan, trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump đặt mục tiêu phục hồi sản xuất trong nước nên đã tăng đầu tư cho cơ sở hạ tầng, áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như thuế thu nhập cá nhân. Trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp giảm từ 35% xuống 21%. Nếu ông Trump tái đắc cử, thuế thu nhập doanh nghiệp được dự báo sẽ giảm còn 20%.

Ông Phạm Tiến Đạt, Viện Chiến lược và chính sách Tài chính, Bộ Tài chính

Ông Phạm Tiến Đạt, Viện Chiến lược và chính sách Tài chính, Bộ Tài chính

Đáng lưu ý, ở cương vị Tổng thống trước đó, ông Trump đã phá vỡ quan điểm ủng hộ thương mại tự do khi nâng mức thuế nhập khẩu. Do đó, nếu tái đắc cử, ông có thể mạnh tay hơn trong các quyết định của mình. Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ vẫn đang ở mức cao, thuế nhập khẩu có thể sẽ tăng từ mức bình quân 2,5% như hiện nay lên 4,3%, chứ khó có thể tăng vọt lên hơn 10% cho mọi hàng hóa và 60% cho hàng nhập từ Trung Quốc như ông Trump nhiều lần phát biểu. Bên cạnh đó, thuế sẽ được tăng cả với hàng hóa từ EU, chứ không chỉ riêng với Trung Quốc. Dù sao, ông Trump nhắm đến các loại hàng hóa nhập khẩu không thiết yếu với Mỹ, khoảng 55% hàng hóa từ Trung Quốc và 70% hàng hóa từ EU. Theo đó, ngành dệt may và thiết bị vận tải sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Việc ông Trump chọn thượng nghị sĩ bang Ohio JD Vance - người ủng hộ các đề xuất “thuế quan rộng rãi”, làm ứng cử viên vị trí phó tổng thống càng cho thấy rõ quan điểm của ông về vấn đề thuế quan.

Ông Trump chủ trương bảo hộ sản xuất trong nước, khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu, qua đó làm giảm thâm hụt ngân sách - chỉ tiêu mà ông rất coi trọng trong việc đánh giá hiệu quả vận hành nền kinh tế. Hồi còn làm Tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã nhiều lần bày tỏ quan điểm, đồng USD mạnh sẽ gây khó cho các nhà sản xuất Mỹ bán sản phẩm ra thế giới. Với chủ trương đồng USD nên yếu bớt để nâng tính cạnh tranh cho hàng hóa, chính quyền ông Trump (nếu đắc cử) có thể bán USD ra thị trường, hay yêu cầu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) in thêm tiền, thậm chí cử một Chủ tịch Fed mới sau khi nhiệm kỳ của ông Jerome Powell sẽ kết thúc vào năm 2026. Việc “đe dọa” tăng thuế nhập khẩu để buộc các nước phải nâng giá đồng nội tệ cũng được tính đến.

Hạn chế người nhập cư là một ưu tiên khác trong chính sách của ông Trump. Ông tin rằng, ngăn chặn nhập cư trái phép là chìa khóa để thúc đẩy tiền lương và việc làm trong nước. Các hạn chế nhập cư là yếu tố lớn nhất trong cách ông định hình lại nền kinh tế, với những lợi ích đặc biệt. Trong trường hợp tái đắc cử, ông Trump dự kiến siết lại chuyện nhập cư.

Thực tế, hàng triệu người nhập cư trong những năm vừa qua đã góp phần thúc đẩy kinh tế Mỹ phát triển, đồng thời giúp kiềm chế lạm phát. Việc chặn dòng cung ứng nhân lực cho thị trường Mỹ này có thể sẽ tạo ra một cú sốc cho nền kinh tế. Tuy nhiên, lực cản cho nỗ lực chặn dòng nhập cư vẫn còn lớn, nhất là khi các doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ vận động hành lang để duy trì nguồn nhân lực giá rẻ.

Ông Trump chủ trương bảo hộ sản xuất trong nước, khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu

Ông Trump chủ trương bảo hộ sản xuất trong nước, khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu

Dự báo tác động đến kinh tế Mỹ và toàn cầu

Bên cạnh việc dự báo các chính sách kinh tế mà ông Trump sẽ thực thi khi lên nắm quyền, các nhà kinh tế còn đưa ra các dự báo về tác động đến kinh tế Mỹ và toàn cầu.

Moody’s Analytics cho rằng, trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai (nếu đắc cử) của ông Trump với sự áp đảo của Đảng Cộng hòa tại Quốc hội sẽ dẫn đến lạm phát tăng nóng và tăng trưởng kinh tế yếu hơn.

Đối với chính sách thuế nhập khẩu trong giai đoạn mới, ở kịch bản lạc quan khi mức thuế tăng lên 4,3%, GDP của Mỹ và thế giới sẽ giảm lần lượt 0,5% và 0,2% trong năm áp dụng đầu tiên. Trong trường hợp ông Trump tăng thuế mạnh như cam kết lúc tranh cử, lên mức 12%, thì cái giá phải trả cho nền kinh tế Mỹ và thế giới là giảm lần lượt 1,4% và 0,6%. Tăng thuế nhập khẩu cũng sẽ làm cho cuộc sống của người dân Mỹ trở nên khó khăn hơn. Một báo cáo từ Viện Peterson ước tính, chế độ thuế quan của ông Trump sẽ làm tăng chi phí lên 1.700 USD cho một gia đình có thu nhập trung bình. Trong khi đó, Oxford Economics nhận định, sự kết hợp giữa thuế quan, hạn chế nhập cư và cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp của ông Trump có thể làm tăng lạm phát và làm chậm quá trình tăng trưởng kinh tế.

Với thuế thu nhập doanh nghiệp, ông Trump từng tuyên bố sẽ giảm xuống 20%, tức dư địa để giảm không còn nhiều, nhưng việc tiếp tục giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thể khiến ngân sách phải chịu một gánh nặng lên đến 4.500 tỷ USD trong thập niên tới. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, các khoản thu từ tăng thuế nhập khẩu dự kiến đem lại 3.000 tỷ USD và việc hủy bỏ chuyện miễn trả nợ vay cho sinh viên có thể thu lại khoảng 1.000 tỷ USD.

Ông Mark Sobel, một cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, hiện là Chủ tịch Diễn đàn Định chế tiền tệ và tài chính nhận định: “Làm đồng tiền mất giá sẽ gây thêm áp lực lạm phát. Tăng thuế cũng có tác dụng tương tự. Hơn nữa, một chính sách tài khóa mở rộng mạnh sẽ tăng thêm áp lực phía cầu”.

Nếu ông Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ, thuế nhập khẩu có thể sẽ tăng cả với hàng hóa từ EU, chứ không chỉ riêng với Trung Quốc.

Theo tờ Politico, Robert E. Lighthizer - cựu cố vấn thương mại của ông Trump, có thể là ứng viên cho chức vụ Bộ trưởng Bộ Thương mại nếu ông Trump đắc cử nhiệm kỳ hai, đang cân nhắc nhiều biện pháp để giảm giá đồng USD nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Mỹ.

Mâu thuẫn nảy sinh khi các đề xuất cắt giảm thuế cho doanh nghiệp Mỹ sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách, buộc phải nâng lãi suất - tức làm đồng USD mạnh lên, trong khi chính sách ngoại thương của ông Trump đi theo hướng khuyến khích các nước làm yếu đồng nội tệ trong tương quan với USD nhằm hóa giải việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu. Việc cùng lúc thực hiện hai chiến lược với tác động trái chiều lên giá trị đồng USD khiến giá trị đồng bạc xanh khó có thể dự đoán sẽ vận động theo hướng nào trong khoảng thời gian ông Trump lên nắm quyền.

Đối với Việt Nam, các chính sách kinh tế của ông Trump nếu được thực hiện khi tái đắc cử có thể mang lại những tác động trái chiều.

Việc duy trì, thậm chí gia tăng đánh thuế vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có thể góp phần làm dịch chuyển xu hướng đầu tư của các nhà đầu tư quốc tế sang Việt Nam. Thực tế, trong nhiệm kỳ đầu làm Tổng thống, ông Trump đã phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc khi tăng cường đánh thuế vào các hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ, để ngăn chặn những gì ông cho là hành vi thương mại không công bằng. Kế hoạch tăng thuế của ông Trump sau đó được Tổng thống Joe Biden tiếp tục thực hiện, dù không quyết liệt và diện bao phủ hẹp hơn khi tập trung vào các mặt hàng chiến lược như pin mặt trời, ô tô điện, thép.

Phản ứng sau các hoạt động tăng thuế là xu hướng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc bắt đầu diễn ra để tìm đến những nơi mà Mỹ áp thuế “nhẹ nhàng” hơn. Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này nhờ khoảng cách địa lý gần, chi phí nhân công cạnh tranh, không bị Mỹ áp dụng thuế chống cạnh tranh… Nhìn lại năm 2019, khi kim ngạch nhập khẩu Mỹ - Trung Quốc giảm mạnh thì kim ngạch nhập khẩu Mỹ - Việt Nam tăng mạnh; tốp các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ cũng tăng mạnh trong năm 2019 như đồ điện tử, thiết bị âm thanh, lò phản ứng hạt nhân, lò hơi, máy móc, đồ nội thất, giày dép, dệt may, cao su, nhựa, sắt thép.

Tuy nhiên, với việc coi trọng chỉ tiêu thâm hụt thương mại, nếu ông Trump tái đắc cử có thể gây ra rủi ro tăng trưởng kinh tế khi hoạt động thương mại giữa 2 nước rơi vào “tầm ngắm”, do Việt Nam đã gia tăng thặng dư thương mại với Mỹ kể từ năm 2020 - 2021.

Tin bài liên quan