Với mục tiêu hàng đầu là chống lạm phát, theo tôi, thực trạng các kênh đầu tư hiện nay như sau:
- Sản xuất kinh doanh khó khăn khi phải hứng chịu lãi suất cao. Dư nợ cho vay chưa thể khởi sắc với mức lãi suất vay vốn cao như vậy, các doanh nghiệp hiện nay chỉ có thể mở rộng vay vốn với những dự án thực sự hiệu quả hoặc mang tính duy trì hoạt động tối thiếu.
- Bất động sản khó khăn khi vừa gặp lãi suất cao, vừa bị siết về các quy định đầu tư và quy định về tỷ lệ cho vay của ngân hàng. Cả phía chủ đầu tư lẫn người dân muốn vay vốn ngân hàng đều gặp khó khăn. Vì thế, thị trường bất động sản cũng chưa thể khởi sắc.
- Chứng khoán khó khăn vì dòng tiền chung vào chứng khoán vẫn đang yếu và tâm lý lo ngại kết quả kinh doanh không tốt của các doanh nghiệp, quy định về tỷ lệ cho vay đầu tư chứng khoán cũng bị hạn chế. Áp lực tăng vốn điều lệ của khối ngân hàng, các công ty và tập đoàn lớn vẫn đang còn trước mắt. Dòng vốn ngoại vẫn đang lo ngại vấn đề tỷ giá và các vấn đề vĩ mô. Nhiều vấn đề vĩ mô quốc tế như khủng hoảng nợ châu Âu, bất ổn Trung Đông, động đất Nhất Bản… cũng ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư. TTCK vì thế đang ở trạng thái lình xình, khó có điều kiện bất mạnh.
- Thị trường vàng miếng chuẩn bị lộ trình để đưa vào quản lý chặt chẽ, USD chợ đen cũng không được tự do như trước. Do vậy, nhà đầu tư cũng dè dặt khi bỏ tiền vào thị trường này.
Tuy nhiên trong tương lai khi vấn đề lạm phát bớt căng thẳng thì tiền sẽ chảy vào những kênh đầu tư mang lại hiệu quả cao hơn. Ngoài kênh tiền gửi tiết kiệm ngân hàng, vốn của các cá nhân và doanh nghiệp sẽ chảy vào các kênh đầu tư như thế nào?
- Sản xuất - kinh doanh những hàng hóa cơ bản phục vụ cuộc sống chiếm tỷ lệ không lớn trong tổng nguồn vốn xã hội và cần đầu tư lâu dài, tỷ suất sinh lời không cao, tính thanh khoản thấp. Dòng vốn của ngân hàng được khuyến khích cho vay vào kênh này nhưng việc các doanh nghiệp có mong muốn vay vốn để mở rộng sản xuất hay không lại phụ thuộc vào hiệu quả kinh doanh thực sự. Việc tái cơ cấu kinh tế cần phải một quá trình lâu dài, do vậy kênh đầu tư này khó có sự đột biến về dòng tiền vào đây.
- Chứng khoán là một kênh được ưu chuộng, tính thanh khoản cao, tuy nhiên những người dân đủ kiến thức và yêu thích chứng khoán không nhiều, nhất là số người thua lỗ từ TTCK do thiếu sự chuyện nghiệp khá nhiều. Để xây dựng một TTCK lành mạnh, minh bạch, thực sự hấp dẫn nhà đầu tư cũng là một quá trình lâu dài. Do vậy, số tiền đổ vào thị trường này cũng mang tính thời điểm và ngắn hạn, không hy vọng có nhiều đột biến.
- Bất động sản giá cao, tại các đô thị dường như đang trở nên kém hấp dẫn và chịu nhiều quy định ràng buộc tạo ra áp lực giảm giá, nhưng với phần đông người dân Việt nam vẫn có nhu cầu mua đầu tư và mua để ở còn lớn, nên bất động sản tại vùng ven, giá trung bình và thấp có quy hoạch tốt của nhà nước vẫn có xu hướng được ưa chuộng.
- Vàng miếng và USD sẽ tiếp tục bị quản lý ngày càng chặt và không được khuyến khích. Dù có thể biến tướng sang thị trường vàng trang sức hoặc vẫn tồn tại giao dịch ngầm, nhưng điều này không khuyến khích một lượng tiền lớn đổ vào kênh nêu trên.