2018, chỉ 3 ngân hàng niêm yết thành công cổ phiếu
Cụ thể, ngày 5/1/2018, gần 981 triệu cổ phiếu HDB của HDBank chính thức được giao dịch trên sàn Sở GDCK TP. HCM (HOSE), mở màn cho làn sóng niêm yết ngân hàng trong năm 2018. Giá tham chiếu của cổ phiếu HDB trong ngày giao dịch đầu tiên là 33.000 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị vốn hóa gần 32.400 tỷ đồng (khoảng 1,4 tỷ USD) và lọt vào TOP 20 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất HOSE.
Tiếp theo, vào tháng 4/2018, TPBank niêm yết 555 triệu cổ phiếu TPB trên HOSE. Với giá chào sàn là 32.000 đồng/cổ phiếu, vốn hóa thị trường của TPBank đạt 17,760 tỷ đồng (gần 800 triệu USD). Đầu tháng 6/2018, cũng tại HOSE, Techcombank niêm yết hơn 1,16 tỷ cổ phiếu TCB, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 128.000 đồng/cổ phiếu, mức vốn hóa tương ứng là 6,5 tỷ USD.
Các chuyên gia phân tính nhận định, cùng với báo cáo tài chính “đẹp” của năm 2017 vừa kết thúc, 2 quý đầu năm 2018 là thời điểm thuận lợi để các ngân hàng lên sàn. Tuy nhiên, điều kiện thị trường thuận lợi đã không còn được duy trì tiếp trong 2 quý cuối năm. Việc TTCK điều chỉnh và lùi về dưới mốc 1.000 điểm đã tác động lên nhóm cổ phiếu ngân hàng, khiến lãnh đạo các nhà băng có kế hoạch niêm yết trong năm 2018 phải “chùng tay”.
Thực tế, chốt phiên giao dịch cuối cùng của năm 2018, VN-Index giảm 8,27 điểm (tức giảm 0,92% giá trị), lùi về ngưỡng 892,54 điểm. VN30-Index - chỉ số đại diện cho nhóm 30 cổ phiếu có vốn hoá và thanh khoản hàng đầu trên HOSE - cũng giảm 10,46 điểm (tức giảm 1,21% giá trị) về 854,99 điểm.
Tính đến cuối năm 2018, nhiều ngân hàng lỡ hẹn đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán như OCB, SeA Bank, BaoVietBank, Viet A Bank, MSB, Nam A Bank, ABBank…
Ngân hàng lại “rục rịch” kế hoạch lên sàn trong 2019
Nam A Bank đã được cổ đông thông qua đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM và dự kiến tiến hành các thủ tục để lên sàn này trong năm 2018. Nhưng đến hiện tại, kế hoạch lên sàn vẫn... nằm trên giấy.
Tương tự, cổ đông ABBank và SeA Bank cũng đã thông qua việc đưa cổ phiếu niêm yết trên TTCK ngay trong năm 2018, thậm chí VietBank đã chốt danh sách cổ đông để dự kiến lên UPCoM trong năm 2018 và đến năm 2020 sẽ chuyển sang niêm yết trên HOSE…, song rốt cuộc cũng không có thông tin nào mới từ các ngân hàng này.
Một ngân hàng được thị trường chờ đợi bởi từng rốt ráo trong việc đưa cổ phiếu lên sàn vào cuối năm 2018 là OCB khi ngân hàng này đã mua lại toàn bộ trái phiếu VAMC với quyết tâm xóa hết các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC từ những năm trước còn tồn đọng để làm sạch nợ ngoại bảng.
Cùng với đó, kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2018 ấn tượng tạo nền tảng cho OCB tự tin sẽ vượt mức kế hoạch lợi nhuận 2.000 tỷ đồng đề ra trong năm 2018. Nhưng, cuối cùng OCB cũng trễ hẹn.
BaoVietBank đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 3.150 tỷ đồng lên 5.200 tỷ đồng vào ngày 20/6/2014, nhưng đến cuối năm 2018, việc tăng vốn vẫn chưa được thực hiện. Được biết, trong năm 2019, BaoVietBank dự kiến tăng vốn điều lệ thông qua chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ 2.050 tỷ đồng trái phiếu kèm chứng quyền thành cổ phiếu, nâng vốn điều lệ từ 3.150 tỷ đồng lên 5.200 tỷ đồng.
Và tiếp đó, đến năm 2020, ngân hàng này tiếp tục tăng vốn điều lệ, vốn tự có... để phần vốn của Tập đoàn Bảo Việt giảm về 15% theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng. Việc niêm yết trên sàn chứng khoán được kỳ vọng sẽ hỗ trợ BaoVietBank tăng vốn điều lệ, đồng thời giảm bớt những “bí ẩn” về hoạt động kinh doanh trên thị trường.
Thông tin từ MSB cho biết, năm 2019 dự kiến sẽ là dấu mốc quan trọng trong hành trình phát triển khi MSB chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán vào quý III/2019... Các chuyên gia phân tích đánh giá, với những cổ phiếu dự kiến lên sàn trong thời gian tới, không phải mã nào cũng có tiềm năng tăng trưởng, mà sẽ phân hóa mạnh mẽ.
Xác định thời điểm thuận lợi lên sàn: Khó có lời giải
Với các ngân hàng, việc xác định thời điểm thuận lợi để đưa cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán là vô cùng quan trọng. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, thời điểm thuận lợi ở đây là giá cổ phiếu tốt và báo cáo tài chính đẹp, nhưng không phải ngân hàng nào cũng dễ dàng hội đủ 2 điều kiện này. Lý do bởi giá cổ phiếu phụ thuộc vào diễn biến thị trường nên khó đạt kỳ vọng của ngân hàng, trong khi những vấn đề về nợ xấu, về các bên liên quan... sẽ tác động tới báo cáo tài chính, khiến cho ngân hàng ngần ngại phải lên sàn.
Ở góc độ nhà đầu tư, TS. Hiếu cho rằng, bên cạnh diễn biến của TTCK, các yếu tố thường được xem xét khi đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng là định giá cổ phiếu có đang ở mức hợp lý, ngân hàng hoạt động hiệu quả hay không, tình hình nợ xấu ra sao...
“Nếu nhìn thấy 'đích' hấp dẫn, nhà đầu tư sẽ mua cổ phiếu hoặc ngược lại”, TS. Hiếu nói.
Theo TS. Hiếu, rất khó xác định thời điểm thuận lợi trong năm 2019 để các ngân hàng có thể đưa cổ phiếu lên sàn, bởi TTCK Việt Nam đang trong giai đoạn diễn biến khó lường, gây ảnh hưởng đến thị giá cổ phiếu. Đó là chưa kể tình hình tài chính và lợi nhuận của nhiều ngân hàng Việt chưa thực sự ổn định, chưa tạo sự yên tâm đối với nhà đầu tư.
“Trong năm nay, khó khăn sẽ nhiều hơn đối với các ngân hàng dự tính đưa cổ phiếu giao dịch trên TTCK và không loại trừ có ngân hàng sẽ tiếp tục lỡ hẹn”, TS. Hiếu nhìn nhận.