Tài chính xanh phủ sóng hệ thống ngân hàng
Khi năm 2019 bắt đầu, các yếu tố rủi ro bao trùm đối với ngành ngân hàng toàn cầu, trong đó có xung đột thương mại Mỹ - Trung, sức ép cạnh tranh gia tăng tới từ các công ty công nghệ lớn, môi trường lãi suất siêu thấp và Brexit…
Tuy nhiên, hóa ra 2019 lại là một năm khá tốt đối với các nhà băng. Chỉ số Dow Jones US Bank tăng thêm 33%.
Ngay cả tại châu Âu, nơi lãi suất ở mức thấp bậc nhất toàn cầu, các ngân hàng vẫn có sự cải thiện hiệu quả hoạt động, giúp chỉ số Euro Stoxx Banks tăng thêm 8%.
Vậy năm 2020 thì sao? Trước tiên, bối cảnh kinh tế vĩ mô đã có sự cải thiện. Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vào đầu năm.
Brexit dù chưa hoàn thành, nhưng ít nhất đã có thêm bước tiến mới khi Đảng của Thủ tướng Anh Boris Johnson giành chiến thắng quan trọng, giúp ông Boris có thêm trợ lực trong quá trình đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu.
Bên cạnh đó, có 2 chủ đề chính sẽ “thống trị” lĩnh vực ngân hàng toàn cầu năm 2020, đó là tài chính xanh và công nghệ.
“Xanh hóa hệ thống tài chính sẽ trở thành vấn đề hàng đầu đối với các nhà băng năm 2020”, Huw van Steenis, cố vấn cấp cao tại UBS nói và cho biết, các ngân hàng sẽ đặt trọng tâm trong việc quản trị các rủi ro liên quan tới biến đổi khí hậu và nâng cao tính minh bạch.
Công nghệ, thế lực hùng hậu đã không ngừng phát triển, xâm nhập và tạo ra những đột phá trong hệ thống ngân hàng thế kỷ 21, sẽ tiếp tục đà tăng trưởng và tạo thêm những thay đổi.
Các nhà băng hiện tại đã xây dựng những nền tảng mới độc lập của riêng mình, bắt đầu quá trình khai thác mọi tiềm năng từ dữ liệu thu thập bấy lâu nay để không ngừng cải tiến chất lượng sản phẩm - dịch vụ, thu hút khách hàng, thu về lợi nhuận khả quan.
Mặc dù vậy, theo Moody’s, các nhà băng sẽ chịu đựng áp lực lớn hơn về lợi nhuận trong năm 2020, khi đầu tư công nghệ mạnh tay đòi hỏi chi phí lớn, trong khi môi trường lãi suất đang ở mức thấp và xung đột thương mại tạo nên bối cảnh hoạt động kém tích cực.
Công ty công nghệ lớn duy trì sức mạnh
Năm 2019, những gã khổng lồ công nghệ tiếp tục chứng tỏ sức mạnh, với giá cổ phiếu tăng trưởng ấn tượng.
Các công ty công nghệ lớn (Big tech), bao gồm nhóm FAANG (Facebook, Apple, Amazon, Netflix và Alphabet - công ty mẹ của Google) và Microsoft ghi nhận giá trị thị trường tăng 40% trong năm qua, so với mức tăng chỉ 25% của các chỉ số chứng khoán Mỹ.
Tính tới cuối tháng 12/2019, tổng giá trị thị trường của những gã khổng lồ này đã đạt 5.000 tỷ USD, tương đương gần 15% giá trị toàn thị trường chứng khoán Mỹ.
Giá trị thị trường của nhóm công ty công nghệ vượt trội so với các lĩnh vực khác.
Đà tăng của năm 2019 kéo giãn thêm khoảng cách giữa nhóm công ty công nghệ dẫn đầu và các doanh nghiệp phía sau.
Tính tới cuối tháng 12/2019, 10 công ty công nghệ lớn của Mỹ (chỉ xếp sau các công ty kể trên) có giá trị thị trường tổng cộng chỉ tương đương 31% nhóm Big tech, thậm chí còn giảm 36% so với đầu năm.
Việc chỉ có một nhóm doanh nghiệp lớn dẫn đầu trên thị trường thường là dấu hiệu gia tăng rủi ro, khiến nhóm cổ phiếu công nghệ dễ tổn thương hơn khi bước vào năm 2020.
Dù vậy, triển vọng tăng trưởng của nhóm các doanh nghiệp này được đánh giá vẫn ổn định, sau khi ghi nhận đà tăng mạnh năm 2019.
Nếu như năm 2018, tăng trưởng doanh thu của nhóm Big tech ở mức 23% thì đã chậm lại xuống 13% năm 2019.
Bước sang năm 2020, theo dự báo của Phố Wall, con số này là 14% - mức tăng trưởng ấn tượng đối với một nhóm doanh nghiệp lớn.
Một vấn đề nổi cộm đối với hoạt động của Big tech chính là những chỉ trích từ giới chức quản lý, chính trị gia, cũng như việc người tiêu dùng mất lòng tin vì những scandal về bảo mật thông tin cá nhân trong thời gian qua.
Đây vẫn sẽ là một trong những thách thức lớn nhất đối với sự phát triển của Big tech.
Năm 2020, thị trường dự kiến sẽ tiếp tục bận rộn với các thương vụ IPO của khối công ty công nghệ, trong đó cái tên đáng chú ý nhất là Airbnb, với giá trị thị trường khoảng 35 tỷ USD trong vòng gọi vốn gần nhất.
Nhà sản xuất ô tô tập trung vào xe điện
Các nhà sản xuất ô tô đối diện với con đường nhiều gập ghềnh năm 2020, khi các quy định về khí thải được thắt chặt, bóng mây chiến tranh thương mại bao phủ và những bất ổn từ tiến trình Brexit đe dọa tới lợi nhuận của ngành ô tô trên toàn cầu.
Sản lượng xe hơi trên toàn cầu dự kiến đi xuống.
Doanh số bán ô tô trên toàn cầu sẽ đi xuống, khi nền kinh tế Mỹ và châu Âu đang trong chu kỳ đi xuống, trong khi đà tăng của Trung Quốc phụ thuộc vào các chính sách nới lỏng của Chính phủ.
Đáng chú ý, các nhà sản xuất ô tô sẽ bước vào năm đầu tiên thực hiện các quy định mới về khí thải tại châu Âu, với đòi hỏi mức khi thải trung bình ở mức thấp hơn nữa.
Dù có khoảng 5% số phương tiện được loại trừ khỏi tiêu chuẩn mới, giúp các nhà sản xuất tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh các dòng sản phẩm này, nhưng đây không phải biện pháp dài hạn để tăng trưởng.
Đối với đa số các nhà sản xuất xe hơi, để đạt được mục tiêu phát triển, việc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh xe điện là bước đi bắt buộc.
Tại ngành công nghiệp ô tô, câu chuyện về các CEO ngày càng trở nên nóng bỏng và 2020 sẽ là thời gian thử thách khắc nghiệt.
Tương lai của liên minh Renault-Nissan đến nay vẫn chưa thể xác định, nhất là sau khi Carlos Ghosn, cựu CEO Nissan đã thực hiện cuộc đào tẩu bất ngờ khỏi Nhật Bản.
Jim Hackett, CEO Ford đã nắm quyền trong 3 năm qua, nhưng chưa thể chứng minh thực lực và sức mạnh đủ để thuyết phục các nhà đầu tư. Ola Kallenius, người dẫn dắt Daimler cần cố gắng hơn nữa để Mercedes-Benz cải thiện kết quả kinh doanh.
Tương lai của Ralf Speth, nhà lãnh đạo Jaguar Land Rover cũng còn nhiều “bí ẩn”, khi nhiệm kỳ của ông sắp kết thúc.
Thương mại điện tử hạ bệ bán lẻ truyền thống
Các chiến lược gia tại Moody’s dự báo, lợi nhuận và dòng tiền của các doanh nghiệp bán lẻ sẽ tiếp tục chịu áp lực khi ngành bán lẻ đối diện với đối thủ không thể đánh bại là thương mại điện tử. Hiện tại, hoạt động kinh doanh qua mạng trên toàn cầu đã chiếm tới 1/5 doanh số bán hàng.
Tỷ trọng doanh số bán hàng online tại một số nền kinh tế trên thế giới.
Ví dụ tại Anh, bước sang năm 2020, sẽ ngày càng nhiều cửa tiệm phải đóng cửa, mà những trường hợp điển hình nhất phải kể tới các nhà bán lẻ như Arcadia, Debenhams, House of Fraser, Marks and Spencer và Boots.
Trong bối cảnh này, các nhà bán lẻ truyền thống cần gia tăng sự hợp tác với các công ty công nghệ để nâng cao trải nghiệm mua sắm của khách hàng, giảm thiểu các chi phí bán hàng, vận chuyển…
Theo đó, yếu tố quản trị đối với lĩnh vực bán lẻ cũng có nhiều thay đổi. Không ít doanh nghiệp đã quyết định thay tướng để chuẩn bị cho những biến động sắp tới.
Chẳng hạn, Sharon White trở thành Chủ tịch của John Lewis Partnership, trong khi Ken Murphy thế chỗ Dave Lewis trở thành Chủ tịch Tesco.
Hàng không chao đảo
“Flygskam” - từ tiếng Thụy Điển mang ý nghĩa “Nỗi hổ thẹn của các chuyến bay” đã trở thành chủ đề của ngành công nghiệp hàng không trong năm 2019 và tiếp tục gia tăng áp lực trong năm 2020.
Theo đó, ngành hàng không đang bị chỉ trích bởi những tác động tiêu cực tới môi trường không khí, trong khi ít có hành động bậc nhất trong các ngành công nghiệp đối với vấn đề môi trường, khí hậu.
Thực tế, việc các hãng hàng không không thể có chuyển biến trong kế hoạch giảm thiểu mức khí thải carbon, hòa cùng làn sóng hành động vì môi trường trên toàn cầu, một phần xuất phát từ những khó khăn trong hoạt động kinh doanh hiện tại.
Tuy nhiên, sang năm 2020, khi các tiêu chuẩn khí thải mới được áp dụng, cũng như mức thuế môi trường đối với nguyên liệu hàng không gia tăng, các doanh nghiệp ngành này không thể chần chừ thêm.
Năm 2020, IAG, công ty sở hữu British Airway và hãng hàng không Australia Qantas đã công bố kế hoạch giảm mức khí thải carbon của các chuyến bay về mức 0 cho tới năm 2050, trong khi hãng hàng không giá rẻ easyJet trở thành hãng hàng không lớn đầu tiên tổ chức hoạt động các chuyến bay có khí thải carbon bằng 0 trong hệ thống của mình.
Cách đây 1 năm, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế dự báo, lợi nhuận của các hãng hàng không sẽ vào khoảng 35,5 tỷ USD năm 2019.
Trong tháng cuối cùng của năm 2019, cơ quan này đã hạ con số xuống còn 25,9 tỷ USD. Tuy nhiên, các hãng hàng không kỳ vọng lợi nhuận sẽ tăng nhẹ năm 2020, lên 29,3 tỷ USD, nhờ xung đột thương mại toàn cầu theo hướng giảm nhẹ.
Hơn bao giờ hết, sức ép cạnh tranh nóng bỏng của ngành hàng không đang khiến nhiều doanh nghiệp danh tiếng phải gục ngã.
Trong 2 năm qua, ngành hàng không chứng kiến nhiều tên tuổi phá sản, hoặc đang vật lộn để sinh tồn, trong đó có những trường hợp nổi bật như Thomas Cook, Hãng hàng không - dịch vụ du lịch 178 năm tuổi đã chính thức phá sản vào tháng 9/2019.
Trước đó, Hãng hàng không Monarch tại châu Âu và Air Berlin của Đức đã phải dừng cuộc chơi, chưa kể một số hãng hàng không nhỏ khác.
Bước sang năm 2020, các thành viên thị trường đang để mắt tới Norwegian Air Shuttle, hãng hàng không chi phí thấp đã có quãng thời gian khó khăn trong năm qua. Liệu 2020 có ghi nhận thêm các vụ phá sản mới?