Thương vụ sáp nhập của Sacombank hoặc Maritime Bank được dự đoán sẽ mở đầu năm 2015. Ảnh: Lê Toàn
Thông tin Nam A Bank không xác thực tin đồn sáp nhập với OceanBank là tín hiệu mở màn. Tuy nhiên, những thương vụ tương đối chắc chắn hơn đang được khởi động rốt ráo.
Theo dự báo của các chuyên gia, năm 2015, sẽ có ít nhất 6-8 thương vụ M&A diễn ra trong lĩnh vực ngân hàng. Thị trường đang ngóng thương vụ nổ phát súng mở màn.
Vietcombank chỉ có bán hoặc nhận sáp nhập?
Từ những ngày cuối năm 2014, thị trường ngân hàng đã bắt đầu được hâm nóng bởi một số tên tuổi “lạ”, hứa hẹn một mùa M&A sôi động và đầy kịch tính trong năm 2015.
Những cái tên mới đã bắt đầu lộ diện. Cụ thể, theo nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư, tới đây, Vietcombank sẽ tiến hành sáp nhập Saigonbank. Hiện thông tin này chưa được hai bên xác nhận, song nguồn tin cho biết, thương vụ này đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bật đèn xanh.
Vietcombank đang sở hữu cổ phần lớn tại 4 ngân hàng và một công ty tài chính, bao gồm: MB, OCB, Eximbank, Saigonbank và Công ty cổ phần Tài chính Xi măng. Theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 1/2/2015, ngân hàng chỉ được sở hữu cổ phần tại tối đa 2 ngân hàng, mức sở hữu tại mỗi ngân hàng không quá 5%.
Như vậy, dù muốn hay không, Vietcombank cũng sẽ phải nhanh chóng thoái vốn, hoặc mua lại các tổ chức tín dụng trên để hợp thức hóa quy định về sỡ hữu.
Trong đó, khả năng mua lại Saigonbank là khả dĩ nhất, tỷ lệ nắm giữ của Vietcombank tại Saigonbank hiện là 8,2%. Dĩ nhiên, trước khi trình xin ý kiến NHNN, 2 ngân hàng phải xin ý kiến cổ đông.
Một trường hợp khác là VietinBank và PGBank. Năm 2014, PGBank đã để lộ phương án sáp nhập với VietinBank. Trả lời phóng viên Báo Đầu tư thời điểm đó, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT PGBank khẳng định, phương án sáp nhập với VietinBank chưa được chốt. Tuy nhiên, nhiều thông tin cho biết, hai bên đã tiến hành khảo sát và nhiều khả năng, PGBank vẫn sẽ “về một nhà” với VietinBank.
Một loạt ngân hàng khác cũng đang nằm trong đồn đoán sẽ sáp nhập ngân hàng khác là BIDV, DongABank, Vietcapital Bank. Cả 3 ngân hàng này đều được đồn đoán sẽ sáp nhập với một ngân hàng tại phía Nam. Ở phía Bắc, một ngân hàng sau hơn 2 năm chật vật tự tái cơ cấu nay cũng đứng trước áp lực tìm đối tác để sáp nhập.
Ngoài ra, 3 thương vụ cũ đã được trông đợi rất nhiều từ năm 2014 là Sacombank -SouthernBank, Maritime Bank - MDB và thương vụ bán 100% GPBank cho ngân hàng ngoại cũng có khả năng sẽ diễn ra ngay trong năm 2015.
Năm 2015 cũng là hạn chót thoái vốn của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, đồng nghĩa hàng loạt công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính sẽ về tay các ngân hàng bằng con đường M&A.
Thương vụ sáp nhập của Sacombank hoặc Maritime Bank được dự đoán sẽ mở đầu năm 2015. Tại buổi họp tổng kết ngành ngân hàng TP.HCM cuối năm diễn ra mới đây, ông Nguyễn Phước Thanh, Phó thống đốc NHNN khẳng định, năm 2015, việc tái cơ cấu sẽ là bắt buộc.
Bắt đầu là công cuộc sáp nhập Ngân hàng Phương Nam vào Sacombank và tiếp tục đến các ngân hàng khác với chủ trương các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước sẽ “kèm” các ngân hàng cổ phần yếu, kém.
Hết cơ hội để chần chừ
“Hiện vẫn còn 4-5 tổ chức tín dụng yếu kém đang được xử lý, các trường hợp này đã có đề án tái cơ cấu, song thời điểm NHNN thông qua phương án còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Một số trường hợp tái cơ cấu ngân hàng thời gian qua diễn ra chậm, một phần là do sở hữu chéo, do nhận thức của lãnh đạo ngân hàng chưa thật thông suốt. Vì vậy, năm 2015, nếu bộ máy quản trị, điều hành của các ngân hàng này vẫn còn lưỡng lự, thì NHNN cũng phải quyết, bởi càng chần chừ, càng tốn kém”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng nói.
Cơ hội để ngân hàng chần chừ càng ít, bởi năm 2015, NHNN quyết tâm dọn sạch ngân hàng yếu kém. Phó thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh khẳng định, năm 2015, NHNN sẽ xử lý dứt điểm những ngân hàng yếu kém, kể cả giải thể, phá sản, can thiệp bắt buộc.
Không chỉ M&A để giải quyết ngân hàng yếu kém, áp lực M&A để xử lý sở hữu chéo và hình thành những ngân hàng quy mô lớn, đủ sức cạnh tranh khi nền kinh tế hội nhập sâu vào năm 2015 cũng rất nặng nề.