Phân khúc nhà ở giá mềm sẽ sớm trở lại do đáp ứng nhu cầu ở thực của người dân. Ảnh: Thành Nguyễn

Phân khúc nhà ở giá mềm sẽ sớm trở lại do đáp ứng nhu cầu ở thực của người dân. Ảnh: Thành Nguyễn

Dự báo những phân khúc bất động sản sớm quay lại thị trường sau dịch bệnh

(ĐTCK) Dù cũng là ngành chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19, nhưng nhiều phân khúc bất động sản được dự báo có thể sớm quay lại cuộc chơi khi dịch được khống chế.

Cần phản ứng nhanh

“Chúng tôi cho rằng, các doanh nghiệp nên có kế hoạch tiếp cận tình hình theo từng giai đoạn, từ giai đoạn khởi xướng đến quá trình phục hồi”.

Đó là đánh giá của ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam khi nhìn nhận về việc các doanh nghiệp địa ốc cần đưa ra kế hoạch phản ứng với dịch Covid-19.

Theo đại diện JLL, kế hoạch phản ứng của doanh nghiệp đối với Covid-19 cần được triển khai ngay lập tức. Và đây sẽ là một quá trình liên tục, các ưu tiên sẽ thay đổi theo thời gian khi các doanh nghiệp xem xét tình hình để đưa ra chiến lược dài hạn.

“Với tình hình thay đổi liên tục, các doanh nghiệp cần phải nhanh nhẹn và linh hoạt, tập trung 4 yếu tố: Chuẩn bị, Bảo vệ, Giám sát và Thông tin. Khả năng phục hồi kinh doanh sẽ là trọng tâm lâu dài cho những nhà đầu tư bất động sản, cũng như xây dựng khả năng đáp ứng nhanh chóng nếu phải đối mặt với một sự kiện tương tự khác trong tương lai”, đại diện JLL nhấn mạnh.

Câu chuyện ở thời điểm hiện tại với các doanh nghiệp địa ốc có lẽ chính ở chỗ ứng phó ra sao với dịch (trong hiện tại), kế hoạch triển khai công việc (thời hậu Covid-19, khi dịch đã được khống chế).

Báo cáo của các đơn vị nghiên cứu đều cho thấy, các phân khúc của thị trường bất động sản đều chịu những tác động nhất định, nhưng cường độ có sự khác nhau.

Theo JLL, các nhà bán lẻ phải chuẩn bị để bước vào giai đoạn rủi ro cao đối với dòng tiền và tăng chi phí vận hành phát sinh do sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng và gián đoạn chuỗi cung ứng. Với thị trường văn phòng cho thuê, số người làm việc từ xa tăng có khả năng làm giảm tỷ lệ sử dụng văn phòng, do đó các chủ nhà với hợp đồng thuê ngắn hạn sẽ là đối tượng dễ bị thiệt hại nhất.

Với thị trường công nghiệp và hậu cần, theo JLL, tình hình dịch bệnh có thể đẩy nhanh ứng dụng tự động hóa và robot trong các hoạt động và làm giảm sự phụ thuộc vào con người. Người tiêu dùng ưa chuộng mua sắm trực tuyến cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu về không gian hậu cần.

Còn theo Savills Việt Nam, trong nhiều lĩnh vực thì du lịch và bất động sản du lịch đang chịu tác động tiêu cực nhất. Công suất phòng khách sạn tại Việt Nam đã giảm 26% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm trước.

Trong số các điểm đến ven biển, Đà Nẵng và Hội An đang chịu sự ảnh hưởng nặng nề nhất do những nơi này có sự phụ thuộc lớn vào nguồn khách nước ngoài, cùng với lượng lớn nguồn cung gia nhập thị trường, dẫn tới tình trạng hiện nay nhiều dự án chỉ đạt mức công suất dưới 10%. Thậm chí, ở một số dự án, chủ đầu tư còn đang xem xét việc tạm ngưng hoạt động trong thời gian tới.

Với những khó khăn trước mắt, để có thể ứng phó hiệu quả, theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), hiện tại các doanh nghiệp cần tập trung phối hợp với các cơ quan quản lý để hoàn thiện thủ tục cho các dự án đang ách tắc, đảm bảo ngay khi dịch được khống chế sẽ quay lại thị trường, có dự án, có sản phẩm.

“Tuy nhiên, trước mắt, các doanh nghiệp cần tuân thủ tốt các yêu cầu của Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch, phải coi an toàn là trên hết. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần quán triệt nâng cao chất lượng quản lý, vận hành và tiết kiệm, thể hiện tinh thần đồng lòng cùng Chính phủ để vượt qua khó khăn giai đoạn trước mắt”, ông Đính nhấn mạnh.

Căn hộ giá mềm sẽ sớm quay lại

Theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương, dù đang phải chịu nhiều thiệt hại do lượng khách du lịch giảm, nhất là khách quốc tế từ các thị trường chủ lực như Trung Quốc, Hàn Quốc và châu Mỹ, châu Âu, nhưng với việc có tới 82,5% tổng lượng khách là nguồn cung nội địa, ngành du lịch nói chung, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng Việt Nam nói riêng vẫn đứng trước nhiều cơ hội hồi phục nhanh, mạnh mẽ ngay khi dịch được khống chế.

Việt Nam có tỷ trọng lớn về nguồn khách nội địa. Đây được xem là những yếu tố có lợi cho Việt Nam, bởi sau đại dịch, đây có thể sẽ là những nhóm khách đầu tiên phục hồi trở lại. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần giữ thái độ lạc quan cùng với tầm nhìn dài hạn trong thời gian tới.

Dự báo những phân khúc bất động sản sớm quay lại thị trường sau dịch bệnh ảnh 1

Bị tác động mạnh nhất, nhưng du lịch và bất động sản du lịch cũng được dự báo sẽ nhanh chóng trở lại sau dịch nhờ lượng khách nội địa lớn

“Ở một góc nhìn khác, đầu tư vào các dự án thương mại và du lịch, đặc biệt là khách sạn và khu nghỉ dưỡng thường mang tầm nhìn dài hạn. Do vậy, có thể nói, những khó khăn hay biến động thị trường trong ngắn hạn chính là những thử thách giúp sàng lọc, tìm kiếm nhà đầu tư thật sự có năng lực quản trị và tài chính cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam, vốn là thị trường được đánh giá có nhiều tiềm năng và thu hút được sự quan tâm cả trong và ngoài nước”, ông Mauro Gasparotti nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm, ông Stephen Wyatt cho rằng, dù trong ngắn hạn, tỷ lệ lấp đầy các khách sạn của ngành du lịch sẽ giảm, nhưng thị trường khách sạn và du lịch có khả năng phục hồi nhanh chóng nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát trong thời gian ngắn.

Riêng với phân khúc nhà ở, đại diện JLL đánh giá, bất động sản nhà ở vẫn là tài sản đầu tư tốt, hưởng lợi từ thu nhập tiền thuê ổn định và khả năng linh hoạt giá thuê để đảm bảo tỷ lệ lấp đầy. Nhu cầu nhà ở vốn ổn định, tương đối ít bị ảnh hưởng bởi các tác động từ thị trường.

Dự báo về khả năng hồi phục thời hậu Covid-19, ông Đính cho rằng, phân khúc căn hộ giá rẻ, bình dân, nhà ở xã hội ở đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM sẽ nhanh chóng trở lại thị trường. Ngoài ra, đất nền các dự án có quy hoạch tốt, pháp lý tốt cũng sẽ được ưu tiên lựa chọn.

Phân tích kỹ hơn về câu chuyện này, ông Đính cho biết, sở dĩ căn hộ giá mềm sẽ có sự sôi động trở lại nhanh hơn là bởi nó gắn với nhu cầu thực. Người dân có nhu cầu về nhà ở vẫn sẽ tìm cách tiếp cận và sở hữu ngay khi dịch được khống chế.

Còn các sản phẩm căn hộ cao cấp sẽ có độ trễ hơn, bởi với sản phẩm loại này, chủ yếu khách hàng là người đã có nhà ở, có chăng chỉ là chuyển đổi sang căn hộ tốt hơn. Tuy nhiên, đó không phải là nhu cầu bức thiết và nhóm khách hàng này cũng cần thời gian để hồi phục sau dịch, dòng tiền dùng nhiều hơn cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh. Phân khúc căn hộ cáo cấp cũng không hấp dẫn các nhà đầu tư lắm, bởi ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM thì triển vọng tăng giá là không cao, trong khi suất đầu tư lại lớn.

“Riêng đất nền, các dự án có pháp lý tốt, quy hoạch đồng bộ có thể sẽ là đích ngắm của nhiều nhà đầu tư do triển vọng tăng giá cao, suất đầu tư thấp”, ông Đính nhấn mạnh.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan