Kỳ vọng lợi nhuận nối tiếp đà tăng
Dựa trên sự hồi phục của nền kinh tế và so với mức nền lợi nhuận thấp của cùng kỳ năm ngoái, phần lớn doanh nghiệp niêm yết được dự báo sẽ ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng trong quý II năm nay.
Theo ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VietinBank, nhà đầu tư có thể chia kỳ vọng về kết quả kinh doanh quý II/2024 của các doanh nghiệp niêm yết thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất bao gồm các ngành có mức nền so sánh thấp trong năm 2023 như bán lẻ, ô tô, bất động sản, xây dựng, thép, dệt may, thủy sản… Kết quả kinh doanh quý II năm nay dự kiến sẽ ghi nhận mức tăng trưởng mạnh, nhưng nhà đầu tư cần theo dõi chất lượng lợi nhuận từ các số liệu trong báo cáo tài chính để đánh giá khả năng phục hồi trong các khung thời gian dài hơn.
Ở nhóm thứ hai sẽ bao gồm các nhóm ngành đã phát đi các tín hiệu phục hồi sớm hơn như ngân hàng, chứng khoán, dầu khí… Đối với nhóm này, nhà đầu tư cần đánh giá triển vọng dài hạn của các doanh nghiệp và theo dõi mức định giá P/E để xem các yếu tố này đã được phản ánh đầy đủ vào giá cổ phiếu hay chưa, qua đó có hành động phù hợp khi số liệu kinh doanh quý II được công bố.
Nhìn lại quý I/2024, thống kê của FiinTrade cho biết, tổng lợi nhuận sau thuế của 1.036 doanh nghiệp tăng 21,5% so với quý I/2023. Trong đó, một số nhóm đạt mức tăng trưởng lợi nhuận đột biến như chứng khoán tăng 126,5%, bán lẻ tăng 227,5%, hàng không tăng 1.962,7%. Ngược lại, bất động sản nhà ở, vật liệu xây dựng, tiện ích (điện, khí đốt…), dệt may, hóa chất, khai khoáng ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý đầu năm nay giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Với chuyển động của thị trường và các doanh nghiệp trong quý II/2024, bức tranh lợi nhuận quý này được dự báo sẽ có nhiều điểm tương đồng so với quý I.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank cho rằng, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong quý II/2024 sẽ tiếp tục cải thiện, nhưng có sự phân hóa rõ nét hơn. Một số ngành dự kiến đạt kết quả kinh doanh cao là bán lẻ, thép, xuất khẩu, xây dựng, công nghệ thông tin, viễn thông, dầu khí.
Với ngành bán lẻ, dù đã tăng trưởng cao trong quý I/2024, nhưng lợi nhuận các doanh nghiệp trong ngành vẫn có dư địa tăng trưởng mạnh trong quý II/2024, dựa trên mức nền thấp của cùng kỳ năm ngoái - giai đoạn các doanh nghiệp bán lẻ tạo đáy về lợi nhuận, nhất là MWG, FRT.
Đối với ngành thép, khả năng lợi nhuận tăng trưởng cao trong quý II/2024 đến từ 3 yếu tố. Một là, sản lượng bán hàng thép tiếp tục phục hồi, ước tính tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 10,5 triệu tấn. Hai là, kênh xuất khẩu duy trì diễn biến khả quan. Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thép 4 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 3,2 tỷ USD, với 4,34 triệu tấn, tăng 28% về giá trị và tăng 33,7% về lượng so với cùng kỳ năm 2023. Ba là, biên lợi nhuận gộp được cải thiện so với cùng kỳ nhờ các doanh nghiệp duy trì chính sách hàng tồn kho thấp, giúp giá thành diễn biến sát với giá nguyên vật liệu (cùng kỳ năm ngoái, các doanh nghiệp phải chịu hàng tồn kho giá cao, trong khi giá bán giảm, khiến biên lợi nhuận gộp bị thu hẹp).
Kỳ vọng về kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp quay lại quỹ đạo tăng trưởng sẽ là một trong những yếu tố hỗ trợ chính cho thị trường chứng khoán tháng 6 và nửa cuối năm 2024.
Lọc cổ phiếu từ kỳ vọng ngành
Bức tranh lợi nhuận quý II/2024 được dự báo sẽ có nhiều điểm tương đồng so với quý I, tức nhiều nhóm ngành tiếp tục tăng trưởng.
Thực tế, triển vọng tăng giá cổ phiếu đến từ rất nhiều yếu tố, nhưng cơ bản nhất vẫn là lợi nhuận doanh nghiệp. Vì thế, việc chọn lọc cơ hội từ các nhóm ngành được dự báo lợi nhuận tăng trưởng trong quý II/2024 có tính khả thi cao.
Mặc dù vậy, không ít cổ phiếu đã tăng giá từ trước. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, VN-Index ghi nhận mức tăng khoảng 14%, trong đó nhóm công nghệ thông tin tăng 44%, bán lẻ tăng 40%, dầu khí tăng 23%… Do đó, kỳ vọng vào lợi nhuận, nhưng nhà đầu tư cũng cần nhìn vào định giá của cổ phiếu để đưa ra quyết định giao dịch hợp lý.
Ông Nguyễn Thành Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư KimGroup cho biết, một trong những nhóm ngành có định giá còn ở mức thấp so với thị trường là ngân hàng, với P/E 9,8 lần và P/B 1,5 lần. Đây là mức định giá tương đối hấp dẫn của nhóm ngân hàng so với thị trường chung và so với quá khứ nhiều năm gần đây của nhóm ngành này. Hơn nữa, đối với nhóm ngân hàng, tuy tín dụng vẫn tăng trưởng chậm nhưng xu hướng chung là sẽ tăng dần cùng với sự phục hồi kinh tế.
Theo ông Trung, các ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong quý I/2024 được kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trong quý II và nửa cuối năm 2024, khi kinh tế tốt dần lên, có thể kể đến ACB, HDB, TCB.
Ngành dầu khí được kỳ vọng vào sự tăng trưởng của các doanh nghiệp sản xuất ở thượng nguồn trong chuỗi giá trị của ngành này khi nhu cầu thăm dò, khai thác dầu khí đang tăng cao. Hiện tại, các doanh nghiệp như PVD, PVS có nhiều thuận lợi khi đơn hàng tăng mạnh và phía trước là những dự án lớn đang chờ đợi.
Nhóm xuất khẩu cũng có cơ hội tăng trưởng. Với việc đơn hàng ở các thị trường lớn đang có sự hồi phục thì kết quả kinh doanh các doanh nghiệp xuất khẩu như dệt may, thủy sản, gỗ bắt đầu được cải thiện.
“Với mức nền thấp ở năm trước, tôi cho rằng, nhóm xuất khẩu sẽ có sự tăng trưởng trong quý II/2024. Cổ phiếu tiêu biểu thuộc nhóm này là TNG, PTB”, ông Trung nói.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán VPS nhận định, bức tranh lợi nhuận quý II/2024 sẽ có sự phân hoá giữa các nhóm ngành. Nhà đầu tư có thể kỳ vọng tích cực ở nhóm xuất khẩu, bán lẻ trong bối cảnh nhu cầu nội địa và toàn cầu phục hồi. Khi kinh tế phục hồi, những nút thắt tín dụng, điểm nghẽn vốn được gỡ bỏ thì nhóm cổ phiếu tài chính sẽ được quan tâm hơn, bao gồm cổ phiếu chứng khoán và cổ phiếu bảo hiểm. Nhiều nhóm khác có triển vọng khả quan trong quý II và cả năm 2024 là hóa chất, thép, công nghệ, viễn thông, dầu khí.