Các nền kinh tế lớn đang hồi phục
Nhận định về các nền kinh tế trên thế giới như Mỹ, Nhật, châu Âu, MBS cho rằng, có sự phục hồi vượt kỳ vọng, hoặc đang bước vào giai đoạn phục hồi. Cụ thể, Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã có sự phục hồi mạnh mẽ nhờ gói kích thích kinh tế QE3. Tin tưởng vào sự phục hồi của nền kinh tế, FED đã quyết định từ tháng 2/2014, cắt giảm quy mô của gói QE3, bớt 10 tỷ USD, xuống còn 65 tỷ USD/tháng.
Kinh tế Nhật Bản cũng có sự chuyển biến tích cực, chính sách siêu nới lỏng làm đồng Yên yếu đi, nhưng đã thúc đẩy hoạt động sản xuất và xuất khẩu hồi phục mạnh mẽ. Đối với kinh tế châu Âu, GDP tăng trưởng 0,3% trong quý IV/2013, ghi nhận 3 quý đạt tỷ lệ tăng trưởng liên tiếp, thặng dư thương mại tăng gấp đôi trong năm 2013. Nền kinh tế Đức, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Pháp… đều có mức tăng trưởng khả quan trong nhiều tháng gần đây, cho thấy hoạt động sản xuất đang phục hồi vững chắc.
Riêng đối với khối các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam, khối này đang bị tác động tiêu cực do động thái thu hẹp gói kích thích kinh tế Mỹ của FED, chỉ số GDP đang tiếp tục cho thấy tín hiệu hồi phục chậm chạp và không ổn định. Theo đó, dòng vốn ngoại có xu hướng rút ra khỏi khối các nền kinh tế này.
Cổ phiếu triển vọng 2014
Đi ngược với xu hướng của khối thi trường mới nổi, nền kinh tế Việt Nam lại đang có những tín hiệu lạc quan như GDP tăng trưởng cao dần hàng quý, sức cầu cải thiện và hàng tồn kho giảm, chỉ số PMI cải thiện liên tục và vượt mức 50 điểm trong 5 tháng liên tiếp…
Trên TTCK, nếu so sánh với các nước trong khu vực, kỳ vọng tăng trưởng của thị trường không có nổi trội, tuy nhiên xét về giá, TTCK Việt Nam ở mặt bằng thấp, nhưng không phải là rẻ, bởi lợi suất yêu cầu từ TTCK Việt Nam cao hơn đáng kể so với các thị trường khác.
Bên cạnh đó, những DN đầu ngành trên TTCK đã công bố kết quả kinh doanh khả quan năm 2013. Thị trường cũng ghi nhận những chuyển biến tích cực trong quyết tâm giải quyết nợ xấu, phá băng thị trường bất động sản và cổ phần hóa DNNN. Những thông tin này đang tạo tâm lý hưng phấn với nhà đầu tư chứng khoán.
Nếu tăng trưởng lợi nhuận năm 2014 của các DN niêm yết là 16,5% và mức P/E giữ nguyên, MBS cho rằng, TTCK Việt Nam có thể tăng khoảng 23% năm nay. Một số cổ phiếu có triển vọng trong năm 2014 được MBS đề xuất theo các tiêu chí: cổ phiếu của DN vững mạnh (VNM, GAS); ổn định (PVB, GDT, HLD); tăng trưởng (HPG, HVT); có nhiều tài sản (DIG, TDH, SJS); có khả năng đột biến (MNC, TTF)… Tuy nhiên, nhà đầu tư không nên dàn trải danh mục đầu tư mà có thể nắm giữ số lượng vừa phải cổ phiếu trong một khoảng thời gian có thể là tháng, quý..
Nhận định sự chi phối của yếu tố tâm lý đến thị trường, ông Trịnh Xuân Sơn, Giám đốc chiến lược MBS cho rằng, trong năm 2013, tâm lý nghi ngờ và hi vọng liên tục diễn ra, nhưng đến đầu năm 2014, NĐT có tâm lý tin rằng, TTCK năm nay sẽ tốt hơn. Dựa vào phân tích kỹ thuật, TTCK 2013 được xác định ở vùng đáy. Cơ hội đầu tư tốt nhất chính là lúc thị trường chán nản nhất. Dù thời điểm này dường như đã qua, nhưng MBS cho rằng, cơ hội kiếm lời trên TTCK 2014 vẫn đang rộng mở, theo sự khởi sắc có thể dự báo trước của TTCK Việt Nam.