Diễn biến thị trường tiến triển tốt, dự báo ngành nông nghiệp vẫn có thể đạt được kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 41 tỷ USD cả năm.
Năm 2020, ngành nông nghiệp triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện hết sức khó khăn và nhiều thách thức, như: Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến đời sống, kinh tế, xã hội nói chung, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng - tiêu thụ nông sản toàn cầu và sản xuất, xuất khẩu nông sản của nước ta nói riêng.
Chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, các nước gia tăng áp dụng các biện pháp bảo hộ, hàng rào kỹ thuật… gây khó khăn cho sản xuất, xuất nhập khẩu nông sản.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu dẫn đến các hình thái thời tiết cực đoan, bất thường chưa từng có. Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi có nguy cơ tái diễn, xuất hiện rất cao: Bệnh dịch tả lợn châu Phi, bệnh cúm gia cầm, châu chấu sa mạc đe dọa…
Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Công Tuấn nhận định, năm nay xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khá khó khăn. Do dịch Covid-19 nên có thời gian xuất khẩu các mặt hàng sang Trung Quốc, thị trường lớn nhất của nông sản Việt Nam phải tạm dừng giao thương biên mậu. Ngoài ra, tại các thị trường xuất khẩu lớn là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng đối mặt thách thức không nhỏ.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn , không phải hoàn toàn chỉ có khó khăn mà cũng có những thuận lợi. Thứ nhất là xuất khẩu gạo năm nay được mùa và được giá. Nhu cầu thế giới tăng cao, nhiều hợp đồng lớn những năm trước không ký được thì năm nay Việt Nam đã ký được. Các thị trường như Philippines và Trung Quốc có nhu cầu tăng khá mạnh về lương thực…
Với một ngành có kim ngạch xuất khẩu khá lớn là gỗ dù có khó khăn về logistics, đơn hàng gặp khó song vẫn duy trì được đà tăng trưởng. Riêng trong tháng 6, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt gần 1 tỷ USD, trong khi ban đầu dự đoán chỉ đạt gần 700 triệu USD.
Với mặt hàng hoa quả, tuy lượng xuất sang thị trường chất lượng cao như Nhật Bản, Mỹ, Australia… chưa nhiều nhưng mở ra tiềm năng lớn. Đáng chú ý, uy tín của hoa quả Việt trên thị trường Australia đang rất cao, tiềm năng phát triển không chỉ năm nay mà trong những năm tới khá tốt…
Riêng mặt hàng thủy sản, dù ngành hàng thủy sản đang gặp khó khăn tại thị trường EU do bị áp dụng “thẻ vàng” với hải sản song cơ bản vẫn duy trì được các hoạt động xuất khẩu .
Từ các yếu tố trên, tính tới hết tháng 6, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt được cơ bản tương đương so với năm 2019.
Dự báo tình hình xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nửa cuối Thứ trưởng Hà Công Tuấn đánh giá, tình hình thời gian tới khá khó lường bởi diễn biến dịch Covid-19 vẫn tương đối phức tạp. Tại Trung Quốc dịch Covid-19 lại tiếp tục bùng phát, có thể có nguy cơ Trung Quốc tiếp tục áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ giao thương biên mậu. Tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng khó tránh khỏi nguy cơ dịch bùng phát lần 2; ở châu Âu dịch cũng vẫn diễn biến phức tạp…
“Dù vậy, nếu tình hình diễn biến thị trường tiến triển tốt, vẫn như thời điểm nửa cuối tháng 6 đến nay thì dự báo ngành nông nghiệp vẫn có thể đạt được kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 41 tỷ USD cả năm. Ngược lại, nếu xảy ra tình trạng dịch Covid-19 bùng phát trở lại nghiêm trọng, các thị trường đóng cửa thì rất khó đoán định”, Thứ trưởng cho hay.
Để đạt được mục tiêu 41 tỷ USD, theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, Bộ NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản . Ngoài ra, Bộ xác định đẩy mạnh phát triển thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng, hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định.
Bên cạnh đó, giải pháp qkhai thác hiệu quả cơ hội của các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đem lại, đặc biệt là chuẩn bị tốt các điều kiện để đẩy mạnh xuất khẩu khi FTA Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực…