Dự án xanh, xanh theo chuẩn nào?

Dự án xanh, xanh theo chuẩn nào?

(ĐTCK) Ngày càng nhiều tòa nhà cao tầng lớn xuất hiện và đi vào hoạt động cũng là lúc đô thị Việt Nam đối mặt với khủng hoảng môi trường sống khi khoảng không gian xanh ngày càng hiếm đi. Vì thế, nhu cầu phát triển công trình xanh là yêu cầu thiết yếu và cấp bách trong giai đoạn hiện tại.

"Xanh" vì xu thế hay vì lợi ích?

Ghi nhận thực tế cho thấy, khái niệm về công trình xanh mới chỉ thực sự được nhắc tới nhiều trong khoảng 2 - 3 năm vừa qua. Trước đó, phần do chưa có nhiều tòa nhà lớn, mật độ xây dựng ở đô thị còn thấp; phần do thu nhập người dân chưa thực sự cao, nên hầu như không ai nghĩ về khái niệm "xanh" trong một dự án, mà đơn thuần chỉ là chất lượng công trình tốt và giá tiền hợp lý.

Thế nhưng, sau những va vấp liên tục khi về sống tại các chung cư do thiếu thốn không gian sống trong lành, thoáng mát sau những ngày làm việc căng thẳng, đồng thời thu nhập người dân khá hơn, nhu cầu "xanh" trong một dự án bất động sản mới được đưa lên, trở thành yếu tố quan trọng hàng đầu. Việc lựa chọn một dự án bất động sản không đơn thuần là vị trí mà còn phải đảm bảo yếu tố môi trường sống, và đặc biệt là tiết kiệm và bảo vệ môi trường.

Việc thị trường thừa nhận khái niệm "xanh" trong các dự án bất động sản đang là xu thế đã tạo nên trào lưu quảng cáo "xanh" trên tất cả các dự án bất động sản. Hầu như trong bất kỳ quảng cáo nào, "xanh" là một tiêu chí được đưa lên nổi bật để thu hút khách hàng. Điều này dẫn đến hệ quả là sự ra đời của hàng loạt các dự án gắn mác “xanh” nhưng thực tế không đạt được như kỳ vọng.

Số liệu thống kê cho thấy, thực tế, việc triển khai các công trình “xanh” hầu như vẫn giậm chân tại chỗ với số lượng dự án được chứng thực đạt tiêu chuẩn công trình “xanh” rất ít. Hiện nay, cả nước mới có khoảng 60 công trình trong tổng số hàng nghìn công trình được chứng nhận là công trình xanh, chủ yếu tập trung vào những dự án cao cấp, do một số chủ đầu tư có uy tín thực hiện.

Ghi nhận thực tế, một số dự án có thể có cây xanh hay hồ nước và dùng các đặc điểm cảnh quan này làm minh họa cho tính xanh của dự án. Tuy nhiên, người mua nhà ít khi biết được thiết kế của các dự án này, cũng như thiết bị, vật liệu được sử dụng nên rất khó đánh giá được độ xanh của dự án.

Chẳng hạn, tại dự án Eco Nguyễn Xiển được rao bán và quảng cáo là dự án xanh một cách rất rầm rộ. Hiện mức giá căn hộ tại đây đang dao dộng trong khoảng 29 - 30 triệu đồng/m2. Dù nhân viên bán hàng của Sàn Ephatland quảng cáo rất nhiều về chữ xanh của dự án này, nhưng khi phóng viên hỏi về việc đơn vị áp dụng chuẩn xanh nào cho công trình hay các loại vật liệu, thiết bị hay giải pháp năng lượng, nước cho dự án, thì nhân viên này lại không rõ.

“Dự án được xây dựng theo thiết kế sẵn có chứ không có tiêu chuẩn nào”, nhân viên này cho biết.

Tương tự, Dự án Hồng Hà Eco City của chủ đầu tư Hồng Hà Tứ Hiệp Dầu khí cũng đang được quảng cáo rầm rộ về không gian xanh và vô số tiện ích, nhưng xanh theo chuẩn nào cũng vẫn là câu hỏi chưa có lời giải.

“Dự án bên em có đến 52 tiện ích, là cả một khu đô thị sinh thái, nhiều tiện ích hơn cả Times City hay, Park Hill. Bên em là khu đô thị xanh đã đăng ký bảo hộ, bản quyền bên Sở Công thương nên mới có chữ “Eco City”. Chuẩn này được Sở Công thương, Sở Xây dựng Hà Nội cấp phép”, một nhân viên kinh doanh dự án này cho biết.

Công trình xanh phải có chuẩn rõ ràng

Theo kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, chúng ta đang đứng trước rất nhiều thuật ngữ, bắt đầu là công trình xanh, kiến trúc xanh, đô thị bền vững, đô thị thông minh, đô thị 4.0... Chúng ta tiếp cận rất nhanh, tận dụng rất nhanh và thu lại lợi ích cho bản thân rất nhanh, nhưng thực tế lại không mang nhiều giá trị thực sự cho môi trường và xã hội.

"Rất nhiều người nói đến nhưng gần như ai cũng rất mơ hồ về thế nào là công trình xanh, giá trị công trình xanh mang lại là gì và liệu có nên theo đuổi công trình xanh hay không, dẫn đến việc công trình xanh thực sự xuất hiện khá manh mún tại Việt Nam. Cũng đã có nhiều chủ đầu tư hiểu được và theo đuổi, nhưng thực tế khi triển khai lại gặp không ít rào cản, dẫn đến việc áp dụng công thức thiết kế không theo chuẩn và không mang lại giá trị hiệu quả cao", ông Tùng nhấn mạnh và cho rằng, vì thế, cần nhìn nhận lại một cách đúng nghĩa thế nào là chuẩn xanh và có cần áp dụng một cách bắt buộc hay không.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, xu hướng phát triển công trình xanh tại Việt Nam không chỉ là tiềm năng, cơ hội mà để triển khai đang gặp những thách thức không nhỏ. Thách thức đầu tiên là rào cản nhận thức và hiểu biết thế nào là một công trình xanh đúng chuẩn.

Ngoài ra, Việt Nam cũng chưa có nhiều giải pháp kỹ thuật đồng bộ, còn hạn chế trong việc cung cấp sản phẩm vật liệu xanh, hệ thống công nghệ vận hành còn yếu. Đặc biệt, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phát triển công trình xanh của Việt Nam còn chưa đầy đủ; chưa có các cơ chế khuyến khích, ưu đãi thích đáng hoặc bắt buộc đối với việc phát triển công trình xanh.

Cũng theo ông Chiến, sự tham gia của các quỹ tài chính, quỹ tiết kiệm năng lượng nhằm khuyến khích phát triển công trình Xanh còn hạn chế.

“Xuất phát từ thực tiễn, câu hỏi của chúng ta không phải là có làm công trình xanh hay không mà nên làm như thế nào? Phát triển công trình xanh là xu thế tất yếu, là con đường chúng ta buộc phải đi dù không hề dễ dàng”, ông Chiến nói.

Ông Chiến chia sẻ, đô thị xanh có sự gắn bó mật thiết với bất động sản. Bản thân một doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản phải có sự liên kết nhiều công trình thành hệ thống: công trình xanh, hạ tầng xanh.

“Chúng ta rất nhạy với khái niệm mới, nhưng lại hiểu chưa đến đầu đến đũa, có cái mình chưa hiểu thì đã có khái niệm khác, như đô thị xanh, ngay sau đó lại có đô thị thông minh và giờ là đô thị hạnh phúc. Về sau chẳng hiểu đó là cái gì”, ông Chiến nói.

Trong khi đó, ông Tùng cho rằng, hiện rất nhiều chủ đầu tư đang cố gắng xây dựng những tòa nhà xanh mà ở đó con người được sống thoải mái, hạnh phúc. Nhưng nhà đầu tư khi bán hàng không thể quản lý được người mua là ai, công việc là gì. Thế nên, trong cùng một toà nhà đã có rất nhiều sự va đập xã hội, va đập văn hóa... Do đó, công trình xanh không chỉ là câu chuyện của riêng ai, mà là của mọi người. Tuy nhiên, cần có người cầm trịch - là chính quyền đô thị.

Từ thực tế trên, dưới góc độ nhà đầu tư phát triển những công trình xanh, ông Trần Như Trung, Phó chủ tịch Capital House chia sẻ: "Chúng tôi luôn mong muốn phát triển công trình xanh, mang đến lợi ích cho khách hàng của mình. Nhưng trong quá trình phát triển, nhiều khi thấy mình lầm lũi vì quá khó khăn và đơn độc".

Ông Trung cho biết thêm, không chỉ Capital House mà nhiều công ty ở phía Nam cũng gặp phải tình huống tương tự. Doanh nghiệp mong muốn làm công trình xanh trong một khu vực cũng phải được kết nối các yếu tố xanh, bởi một tòa nhà chưa thể làm xanh cả thành phố, cũng như một cánh én chưa thể làm nên mùa xuân. Tuy nhiên, để làm được điều này một cách tổng thể thì phải có bàn tay điều chỉnh hiệu quả của chính quyền đô thị.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan