Xây dựng xanh và phát triển bền vững đã trở thành một tiêu chí để xây dựng các dự án bất động sản ở Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về xu hướng này?
Đây là một xu hướng đúng, đã được chứng minh trên toàn thế giới với rất nhiều lợi ích. Tại Việt Nam, theo tôi được biết, đã có khá nhiều chủ đầu tư hướng tới việc phát triển các dự án bất động sản của mình theo các tiêu chí "xanh" và đón nhận sự quan tâm khá lớn của người mua nhà. Tuy nhiên, phát triển xanh theo các tiêu chí chuẩn quốc tế thì tôi chưa thấy nhiều.
Thống kê của CBRE cho thấy, hiện tại chỉ có 22 dự án được chứng nhận LEED và 22 dự án được chứng nhận LOTUS ở Việt Nam. Đây là một số lượng tương đối ít so với tổng số lượng dự án đang triển khai hiện tại. Thực tế, cũng không phủ nhận nhiều dự án bất động sản sử dụng mác “xanh”, “sinh thái” như một cách để tạo sự quan tâm của khách hàng mua nhà, nhưng phần nhiều trong số này lại không đạt, hoặc mỗi dự án lại tự đặt ra một tiêu chuẩn riêng. Điều này khiến cho khách hàng có băn khoăn.
Thế nhưng, tin tốt là gần đây, số lượng dự án làm hồ sơ xin cấp các chứng chỉ đã tăng lên rõ hơn, với con số lên tới hơn 100 trong cả hai hệ thống. Dù kết quả việc cấp chứng chỉ chưa cụ thể, nhưng đây là một tín hiệu cho thấy dự án xanh của Việt Nam sẽ phát triển nhanh trong thời gian sắp tới.
Để được cấp các chứng chỉ xanh theo các tiêu chuẩn quốc tế, theo ông, các tòa nhà tại Việt Nam cần phải đạt được các tiêu chí nào?
Cái này sẽ phụ thuộc vào mỗi tòa nhà khác nhau, mỗi phân khúc khác nhau và đương nhiên mỗi chứng chỉ sẽ đưa ra các điều kiện khác nhau. Phải đáp ứng các điều kiện cơ bản đó, thì công chứng mới được công nhận.
Ông Richard Colville
Tuy nhiên, đặc điểm chung của các bộ chứng chỉ công trình xanh mà CBRE đang phối hợp triển khai nhấn mạnh vào các yếu tố giảm tiêu thụ năng lượng (dẫn đến chi phí dịch vụ thấp hơn), điều hòa không khí hiệu quả hơn (tạo ra môi trường bên trong thoải mái hơn và có thể sử dụng được), đặc điểm kỹ thuật xây dựng và lắp đặt an toàn hơn (giảm nguy cơ tiếp xúc với vật liệu nguy hiểm), quản lý thông minh hơn về nước, nước thải và xử lý chất thải/tái chế (giảm sử dụng nước và tạo ra chất thải).
Khi đạt được các tiêu chí này, ngoài việc được các tổ chức quốc tế công nhận một cách chính danh, thì còn có một lợi ích nữa là công trình đó thực sự có lợi ích đối với người sử dụng. Cụ thể, các nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, động lực và năng suất của nhân viên làm việc tại tòa nhà xanh thường cao hơn so với các tòa nhà thông thường, nhờ đó chất lượng hiệu quả công việc cao hơn rõ rệt.
Do đó, việc tiếp cận tiêu chuẩn theo các bộ chứng chỉ không chỉ vì lợi ích của tấm giấy chứng nhận, mà thực tế lợi ích có được nhiều hơn thế.
Công trình xanh mang lại nhiều lợi ích, nhưng nhiều chủ đầu tư cho rằng, để làm công trình xanh khá tốn chi phí. Ông nghĩ sao về điều này?
Thực tế, cần hiểu rằng, một dự án xanh không phải ta cứ thích xanh lúc nào cũng được, mà nó là cả một quá trình từ việc lên ý tưởng, lập kế hoạch, làm thiết kế và triển khai thì kết quả cuối cùng mới ra một công trình.
Ở đây, có nghĩa là bạn cần phải có tư tưởng làm công trình xanh ngay từ đầu, sau đó phải nghiên cứu rất rõ về các tiêu chí xanh và từ đó lập thiết kế theo các tiêu chí xanh. Đến lúc triển khai có thể thay đổi, nhưng sẽ không quá nhiều và yếu tố xanh vẫn được đảm bảo từ đầu đến cuối. Nếu làm đúng, thì mức chi phí mà chủ đầu tư bỏ ra sẽ không khác quá nhiều so với dự án không xanh. Điều này đã được chứng minh tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, hoặc tại một số quốc gia tại Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan hay Malaysia…
Còn vấn đề vì sao làm công trình xanh tại Việt Nam chi phí lại cao hơn, theo tôi, có thể do việc làm công trình xanh của các bạn vào lúc dự án đang triển khai rồi. Việc thay đổi các thiết kế kỹ thuật vào thời điểm này là không dễ. Vì vậy, nếu muốn triển khai công trình xanh sẽ mất thêm nhiều chi phí để thay đổi hay cải tạo.
Do đó, lời khuyên của tôi dành cho các nhà phát triển quan tâm đến xây dựng bền vững là đưa ra quyết định "xanh" sớm trong quá trình thực hiện dự án. Họ nên thuê chuyên gia tư vấn xác nhận trước khi thiết kế hoàn thành. Nhiều yêu cầu của tòa nhà xanh không phải trả thêm chi phí, nhưng phải được đưa vào thiết kế ngay từ đầu (nếu không thì sẽ tốn kém thêm chi phí khi xây dựng đã bắt đầu).
Để đạt được mức chứng nhận cao hơn (ví dụ LEED Gold hoặc Platinum), sẽ có một số chi phí bổ sung, nhưng hầu hết các nhà phát triển đều hiểu được bức tranh lớn hơn, vì vậy có thể nhận ra rằng, chi phí thiết bị chỉ là một tỷ lệ nhỏ các chi phí suốt đời.
Ngay cả các tòa nhà hiện tại cũng có thể trở nên xanh, vì vậy những gì cần thiết đầu tiên là kiểm toán hoạt động hiện tại (do chuyên gia tư vấn xác nhận) để xác định khoảng trống và cơ hội cải tiến. Kiểm toán này sẽ tạo ra một phân tích chi phí - lợi ích cho phép nhà phát triển quyết định đầu tư và thay đổi nào để thực hiện để tối đa hoá lợi ích.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com