Hơn 10 tỷ USD vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong một tháng qua. Trong ảnh: Dự án Laguna Lăng Cô của Tập đoàn Banyan Tree (Singapore) tại Thừa Thiên - Huế

Hơn 10 tỷ USD vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong một tháng qua. Trong ảnh: Dự án Laguna Lăng Cô của Tập đoàn Banyan Tree (Singapore) tại Thừa Thiên - Huế

Dự án tỷ USD đẩy luồng vốn đầu tư nước ngoài tăng vọt

Hàng loạt dự án tỷ USD liên tục “đổ bộ” vào Việt Nam trong những ngày gần đây đã đẩy vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng ngoạn mục.

Siêu dự án lần lượt xuất hiện

Cuối tháng 5/2018, trước những lo ngại về việc dòng vốn đầu tư nước ngoài đang có dấu hiệu chững lại, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) lý giải, nguyên nhân do sự thiếu vắng của các dự án tỷ USD và tình trạng này là không đáng ngại. Bước sang tháng 6, kết quả thu hút đầu tư đã minh chứng cho sự chính chính xác nhận định này.

Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt dự án tỷ USD liên tục được cấp phép. Cụ thể, có tới hơn 10 tỷ USD vốn ngoại đăng ký vào Việt Nam chỉ trong vòng một tháng qua và con số này thậm chí còn cao hơn 5 tháng đầu năm cộng lại.

Với kết quả đó, tính đến hết ngày 20/6/2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã lên tới 20,33 tỷ USD, đảo chiều tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2017. 

Để có được thành công chung này, không thể không nhắc tới những kết quả từ Hội nghị Xúc tiến đầu tư “Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển” được tổ chức hồi giữa tháng 6. Nổi bật nhất trong số các dự án được cấp phép tại hội nghị này là Dự án Thành phố thông minh của Liên doanh Sumimoto (Nhật Bản) và Tập đoàn BRG đầu tư tại xã Hải Bối và Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh, Hà Nội) với tổng vốn đầu tư lên tới 4,138 tỷ USD. 

Đây là một trong các dự án trọng điểm của Thủ đô, được nghiên cứu công phu với mục tiêu xây dựng một thành phố đẹp và hiện đại như Singapore. Dự kiến, giai đoạn I của Dự án sẽ được triển khai ngay từ tháng 10 năm nay.

Cùng với đó là Dự án Lotte Mall Hà Nội với tổng vốn đầu tư đăng ký 600 triệu USD, do nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư với mục tiêu xây dựng khu tổ hợp tiêu chuẩn quốc tế cao cấp bao gồm trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng, căn hộ du lịch kinh doanh lưu trú ngắn ngày.

Bên cạnh đó, còn có một số dự án đáng chú ý được cấp phép trên phạm vi cả nước như Dự án Laguna Lăng Cô của Tập đoàn Banyan Tree (Singapore) được cấp chứng nhận đăng ký tăng vốn từ 875 triệu USD lên 2 tỷ USD vào cuối tháng 5 vừa qua; Dự án Nhà máy sản xuất polypropylene và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,2 tỷ USD do Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) đầu tư tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Với việc các dự án tỷ USD dồn dập vào Việt Nam trong một thời gian ngắn, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam hứa hẹn sẽ có bước đột phá mới trong năm nay.

Lĩnh vực bất động sản hút vốn mạnh

Có thể thấy một khác biệt so với năm 2017 khi nhìn vào số liệu tổng hợp tình hình thu hút đầu tư nước ngoài vừa được công bố. Đó là bên cạnh sự dẫn đầu của lĩnh vực chế biến, chế tạo như thường thấy, bất động sản đã vươn lên đứng thứ hai trong các lĩnh vực hút vốn.

So với cùng kỳ năm trước,  vốn ngoại đổ vào bất động sản năm nay tăng gần 8 lần. Đặc biệt, hầu hết các dự án tỷ USD được cấp phép trong nửa đầu năm đều tập trung vào lĩnh vực bất động sản. Xu hướng này cũng đã được nhiều dự báo đưa ra từ đầu năm.

Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc Đầu tư Jones Lang Lasalle Việt Nam (JLL), vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản nhiều khả năng sẽ đạt kỷ lục trong năm 2018, bởi thị trường này được dự báo tiếp tục sôi động. Ngay từ đầu năm, đã có hàng tỷ USD chờ đợi để đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam ở hầu hết các phân khúc. 

Còn ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư của Công ty Savills Việt Nam nhìn nhận, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản một mặt đang đem lại nguồn lực phát triển bổ sung, đẩy nhanh quá trình minh bạch hóa và tăng trưởng bền vững của thị trường. Mặt khác, sự hiện diện của họ đi kèm với chuyên môn, kinh nghiệm, làm tăng tính cạnh tranh ở cả lĩnh vực phân phối và phát triển, đem lại nhiều lợi ích hơn cho người mua nhà, đưa thị trường Việt Nam đến gần hơn với các nước phát triển trong khu vực.

Bên cạnh đó, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam được dự báo đang bước vào thời kỳ tăng tốc, nhờ vào sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế, quá trình hội nhập toàn cầu, tình hình chính trị, xã hội ổn định, cũng như những chính sách tái cơ cấu đang có những tiến triển tốt. 

“Do vậy, trong nửa cuối năm 2018, khả năng dòng vốn từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore tiếp tục chọn thị trường bất động sản Việt Nam để đầu tư, hợp tác phát triển hoàn toàn có thể xảy ra”, ông Khương nhận định.

Dòng vốn FDI đang chảy mạnh vào Việt Nam là điều đáng mừng, chứng tỏ sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, kinh doanh. Song, khi nhiều dự án tỷ USD xuất hiện, thì đâu đó, nỗi quan ngại của dư luận cũng tăng thêm.

Dễ hiểu, bởi đã từng có thời điểm, như cách đây 10 năm, rất nhiều dự án tỷ USD đã được cấp chứng nhận đầu tư, song không ít trong số đó là những con số “ảo”. Hệ quả là, nhiều dự án tỷ USD “đứt gánh giữa đường”, bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. 

Vì vậy, để câu chuyện này không bị lặp lại, Việt Nam cần có động thái tích cực, thúc đẩy các dự án tỷ USD nhanh chóng triển khai để đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tin bài liên quan