Cấp bách, nhưng chậm rề rề
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Kết luận thanh tra về công tác quản lý và thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tuyến tránh đô thị Pleiku, tỉnh Gia Lai (Dự án Tuyến tránh Pleiku) do Sở Giao thông - Vận tải Gia Lai là chủ đầu tư.
Dự án Tuyến tránh Pleiku là một trong những dự án thành phần thuộc đoạn Ngọc Hồi - Buôn Ma Thuột - Đồng Xoài - Chơn Thành, có tổng mức đầu tư 844 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Dự án có mục tiêu xây dựng 30,327 km tuyến tránh qua TP. Pleiku đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, 2 làn xe cơ giới, vận tốc thiết kế 60 - 80 km/h.
Dự án được Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 23/2/2016 và quyết định đầu tư ngày 28/4/2016. Theo đó, Dự án phải hoàn thành trong năm 2017 vì lý do dự án cấp bách, nhưng việc triển khai thực hiện còn rất chậm.
Tính đến tháng 10/2017 (tức là gần hết thời gian thực hiện), công trình này mới đạt tổng giá trị xây lắp khoảng 7%, trong khi đó, vốn đầu tư đã được các cơ quan chức năng bố trí đủ tổng mức đầu tư.
“Việc sử dụng vốn như vậy làm giảm hiệu quả đầu tư, bởi vốn trái phiếu chính phủ là vốn vay và phải trả lãi”, Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.
Qua khảo sát thực tế và xem xét hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc Sở GTVT Gia Lai báo cáo việc cấp bách đầu tư dự án này là rất thiếu cơ sở.
Theo đó, tại thời điểm xin duyệt Dự án, các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh Gia Lai đã được mở rộng, cải tạo, đang đáp ứng yêu cầu về lưu lượng xe.
Cụ thể, Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh qua khu vực Tây Nguyên) được nâng cấp, mở rộng hoàn thành năm 2015 với quy mô 4 làn xe, các đoạn tiếp giáp từ Km1576+470 - ngã ba Hàm Rồng quy mô 2 - 4 làn xe; Quốc lộ 19 có quy mô đường cấp IV, 2 làn xe hiện đang khai thác sử dụng bình thường.
Thuyết minh về sự cần thiết để được đầu tư Dự án mà địa phương nêu ra là do phương tiện giao thông trên Quốc lộ 14 tăng nhanh, gây ùn tắc vào giờ cao điểm, điều kiện địa hình nhiều đồi dốc tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Tại Công văn số 01/UBND - LT ngày 25/11/2015 của liên tỉnh Gia Lai - Đắk Lắk, 2 địa phương cho rằng, việc đầu tư tuyến đường này là cần thiết và cấp bách, xin cơ chế được thực hiện chỉ định thầu.
“Tuy nhiên, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan không có hồ sơ, tài liệu chứng minh cho việc cấp bách phải đầu tư ngay tuyến đường”, Kết luận Thanh tra nêu rõ.
Chỉ định thầu chưa chuẩn
Theo ghi nhận của Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù luôn được chủ đầu tư khẳng định là cấp bách, cấp thiết, nhưng quá trình lựa chọn nhà đầu tư Dự án lại diễn ra rất đủng đỉnh.
Theo đó, công trình được Bộ GTVT phê duyệt Dự án đầu tư vào ngày 28/4/2016, nhưng sau đó hơn 5 tháng (4/11/2016), kế hoạch lựa chọn nhà thầu mới được Sở GTVT Gia Lai triển khai.
Trong công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp, Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát hiện việc tổ chuyên gia đấu thầu đánh giá Liên danh nhà thầu gồm Công ty Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức (Gia Lai) - Công ty TNHH Xây dựng cầu đường Hoàng Nam (Đắk Lắk) - Công ty TNHH An Nguyên (Đắk Lắk) - Công ty cổ phần Đầu tư và XNK 168 Việt Nam đạt yêu cầu và trúng thầu, trong khi chưa làm rõ việc đáp ứng về hợp đồng tương tự.
Sai sót trong chỉ định thầu tại Dự án Tuyến tránh Pleiku còn xuất hiện ngay tại gói thầu quản lý dự án, khi Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Gia Lai (đơn vị trực thuộc UBND tỉnh Gia Lai) không đáp ứng được các tiêu chí trong hồ sơ yêu cầu.
Trong công tác quản lý Dự án, những vấp váp xuất hiện khá nhiều bởi cả lỗi của đại diện chủ đầu tư, nhà thầu. Theo điều khoản hợp đồng xây lắp, tháng 7/2017, gói thầu xây lắp phải hoàn thành 10% khối lượng; tháng 8/2017 phải hoàn thành thêm 10% giá trị hợp đồng nữa, đồng thời chủ đầu tư tạm ứng lần 2 cho nhà thầu 151,4 tỷ đồng.
Trên thực tế, đến ngày 30/8/2017, khối lượng xây lắp mới đạt khoảng 31 tỷ đồng, bằng 5,5% giá trị, nhưng chủ đầu tư vẫn phóng tay tạm ứng đợt 2 là 168,1 tỷ đồng, nâng tổng giá trị tạm ứng qua 2 đợt là 224 tỷ đồng.
Tổng giá trị sai sót được phát hiện qua thanh tra tại Dự án này là 6,56 tỷ đồng, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu chủ đầu tư thu hồi về ngân sách nhà nước là 351 triệu đồng; giảm trừ giá trị dự toán là 6,235 tỷ đồng.