Dự án Tokyo Tower bị ngân hàng bị siết nợ: Mong manh cổ phiếu SJC

Dự án Tokyo Tower bị ngân hàng bị siết nợ: Mong manh cổ phiếu SJC

Số phận của cổ phiếu SJC (sàn HNX) nói riêng và Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 nói chung đang là mối quan tâm của nhà đầu tư sau sự kiện Dự án Tokyo Tower bị Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) siết nợ.

Cổ phiếu trồi, sụt

Theo kế hoạch kinh doanh năm 2018 được Đại hội đồng cổ đông thông qua hồi tháng 8/2018, Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 đặt chỉ tiêu tổng giá trị sản xuất - kinh doanh 552,5 tỷ đồng, tổng doanh thu 7,7 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 450 triệu đồng, lợi nhuận sau thuế 250 triệu đồng. Trước đó, trong năm 2017, công ty này đạt lợi nhuận trước thuế 329 triệu đồng, lợi nhuận sau thuế 192 triệu đồng.

Dự án lớn nhất mà Công ty Sông Đà 1.01 theo đuổi nhiều năm qua là Tokyo Tower (các tên cũ là Vinafor hay Landmark 51), thông qua Liên danh với Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor). Đây là tòa nhà cao nhất quận Hà Đông (Hà Nội), với diện tích 4.557 m2. 

Ngân hàng tài trợ vốn là PVcomBank với hạn mức tín dụng 600 tỷ đồng, thế chấp bằng chính sản phẩm hình thành trong tương lai là Tòa nhà Tokyo Tower. Trong quá trình triển khai Dự án, Sông Đà 1.01 đã phát sinh nợ xấu và ngày 25/9/2018, PVcomBank đã thực hiện thu giữ tài sản đảm bảo.

Trong trường hợp này, doanh nghiệp phải công bố thông tin bất thường trong vòng 24 giờ theo quy định tại Điều 9, Thông tư 155/2015/TT-BTC hướng dẫn thực hiện công bố thông tin trên thị trường chứng khoán (khi xảy ra các sự kiện có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp). Tuy nhiên, đến nay đã qua 20 ngày, Công ty Sông Đà 1.01 vẫn chưa thực hiện công bố thông tin. 

Báo cáo tài chính quý II/2018, Sông Đà 1.01 có tổng tài sản 1.465 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả đã lên tới 1.366 tỷ đồng.   

Trong khi đó, giá cổ phiếu SJC vẫn đi ngang trong 4 phiên giao dịch kể từ ngày tài sản “khủng” bị siết nợ (các ngày 25, 26, 27 và 28/9). SJC bắt đầu “rơi tự do” trong 4 phiên liền từ phiên giao dịch ngày 1/10, nhưng sau đó lại có phiên tăng giá (ngày 5/10), thậm chí có phiên tăng trần (ngày 9/10).

Số phận mong manh

Đến thời điểm hiện tại, Công ty Sông Đà 1.01 vẫn chưa nộp báo cáo tài chính bán niên kiểm toán (dù đã quá hạn rất lâu) và đây cũng là lý do khiến cổ phiếu SJC của Sông Đà 1.01 bị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đưa vào diện cảnh báo từ ngày 20/9/2018. Các số liệu tài chính gần nhất có thể tham khảo được là Báo cáo tài chính quý II/2018 do Sông Đà 1.01 tự lập.

Theo báo cáo này, Sông Đà 1.01 có tổng tài sản 1.465 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả đã lên tới 1.366 tỷ đồng. Trong cơ cấu tài sản thì tài sản lớn nhất là khoản hàng tồn kho 1.235 tỷ đồng, chủ yếu trong đó là chi phí xây dựng dở dang. Trong báo cáo quý II/2018 không có giải trình gì về khoản chi phí xây dựng dở dang, trong khi tại Báo cáo tài chính năm 2017, phần lớn chi phí xây dựng dở dang thời điểm đó thuộc các dự án Tokyo Tower và Eco Green Tower. 

Ngoài hàng tồn kho, nhóm tài sản lớn thứ hai là các khoản phải thu ngắn hạn, với hơn 110 tỷ đồng. Công ty chưa công bố báo cáo kiểm toán, nên chưa có căn cứ rõ ràng về tính chất của các khoản phải thu này. Tuy nhiên, theo Báo cáo tài chính kiểm toán 2017 thì các khoản phải thu ngắn hạn thời điểm đó là 123 tỷ đồng, nhưng đây là khoản mục được kiểm toán viên nêu ý kiến ngoại trừ.

Cụ thể, kiểm toán viên cho biết, Công ty chưa đánh giá đầy đủ khả năng thu hồi công nợ phải thu đã tồn đọng lâu ngày để xem xét trích lập dự phòng phải thu nợ khó đòi. “Chúng tôi không thể thu thập đầy đủ bằng chứng thích hợp để đánh giá khả năng thu hồi, cũng như không thể thực hiện được thủ tục thay thế để đánh giá giá trị dự phòng cần trích lập”, kiểm toán nêu ý kiến.

Hiện nay, 2 khoản mục hàng tồn kho và các khoản phải thu ngắn hạn của Sông Đà 1.01 đã lên tới 1.345 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu của Công ty chưa tới 100 tỷ đồng. Trong khi đó, phần hàng tồn kho là tài sản tại Dự án Tokyo Tower (chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị hàng tồn kho) đã bị ngân hàng siết nợ, còn các khoản phải thu thì vẫn khá bấp bênh về khả năng thu hồi do nhiều khoản trong đó vẫn là những khoản tồn đọng lâu ngày. Trong bối cảnh này, số phận Sông Đà 1.01 nói chung và cổ phiếu SJC nói riêng đang trong tình trạng mong manh như ngọn đèn dầu trước gió.

Tin bài liên quan