Nhùng nhằng chuyển nhượng vốn
Mặc dù đã góp vốn được 3 lần với số tiền tổng cộng là 49,2 triệu USD, nhưng trong năm 2013 vừa qua, các bên đối tác trong dự án Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam đã không tiến hành góp thêm vốn.
Ngoài ra, sau hơn 1 năm tuyên bố rút lui khỏi dự án, tới nay, Vinachem vẫn chưa bán được phần vốn góp của mình tại dự án này.
Góp vốn 11% trong Dự án Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam khi dự án này được hình thành hồi năm 2007, nhưng năm 2012, Vinachem đã tuyên bố muốn rút lui khỏi dự án này. Nguồn tin của Vinachem cho phóng viên Báo Đầu tư hay, ngay trong năm 2012, sau khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN - chiếm 18% vốn góp tại Dự án) từ chối quyền mua lại hồi năm 2012, nhà đầu tư Thái Lan là Tập đoàn Siam Cement - SCG (chiếm 46% vốn góp) cũng không mặn mà mua lại phần của Vinachem.
Sau đó, mặc dù Công ty QPI thuộc Tập đoàn Dầu khí Qatar (chiếm 25% vốn góp) đã bày tỏ sự quan tâm muốn mua lại số cổ phần nói trên, nhưng cuối cùng, QPI lại giới thiệu QAPCO – một công ty con của Tập đoàn Dầu khí Qatar - tìm hiểu để mua lại phần góp vốn này.
Sau tất cả những động thái trên, mới đây nhất, PVN lại bày tỏ ý định mua lại một phần phần vốn góp của Vinachem và đề nghị của PVN đã được Chính phủ Việt Nam chấp nhận về chủ trương tại Thông báo số 44/TB-VPCP ban hành cuối tháng 1/2014.
“Vinachem không có lực để tiếp tục tham gia Dự án. Hiện tại, PVN và SCG sẽ mua lại phần góp vốn của Vinachem. Trong đó, PVN sẽ mua 7,5%”, nguồn tin trên cho hay. Nguyên do mà SCG, một đại gia, nhưng chỉ mua thêm 3,5% - ngoài 46% vốn hiện có tại Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn, được cho là bởi “cam kết không nắm quá 50% vốn tại Tổ hợp này của các nhà đầu tư nước ngoài”.
Như vậy, nếu PVN mua thêm 7,5% vốn trong dự án Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam, thì tỷ lệ góp vốn của PVN tại đây sẽ tăng lên là 25,5%. Con số này ngang với mức góp vốn của PVN tại Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Tuy nhiên, dù đã có định hướng rõ hơn trong việc xử lý phần vốn góp của Vinachem, nhưng việc hoàn tất các thủ tục liên quan đối với doanh nghiệp 100% nhà nước như PVN, chắc chắn sẽ mất một khoảng thời gian đáng kể.
Nhùng nhằng chuyện mặt bằng
Được biết, vào tháng 9/2013, phía nhà đầu tư đã tạm ứng cho tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu 100 tỷ đồng để tiến hành giải phóng mặt bằng, giao đất sạch cho nhà đầu tư. Theo kế hoạch, trong tháng 12/2014, 466 ha mặt bằng phục vụ cho dự án sẽ được giao cho nhà đầu tư.
“Hiện tại các mốc tiến độ khác của dự án đều được đề ra trên cơ sở bàn giao đất sạch từ địa phương vào cuối năm 2014 này. Vì vậy, nếu chậm trễ trong giải phóng mặt bằng sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới tiến độ của các bước tiếp theo”, đại diện của Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (doanh nghiệp được các nhà đầu tư thành lập để thực hiện Dự án) cho hay.
Báo cáo của PVN mới đây cũng cho biết, công tác đền bù giải phóng mặt bằng vào cuối năm 2013 đã bị chậm so với kế hoạch khoảng 2 tháng. Nguyên do là, cùng với việc một số hộ dân chưa đồng ý mức giá đền bù, thì tỉnh cũng chậm hoàn thành các văn bản, thủ tục để chi trả tiền đền bù.
Cho tới nay, tổng vốn đầu tư của dự án vẫn được ước tính là 4,5 tỷ USD. Được biết, tổng mức đầu tư của Dự án phụ thuộc vào kết quả đấu thầu các gói thầu liên quan. Hiện tại, tất cả các gói thầu đều đã được phát hành với mục tiêu cuối năm 2014 sẽ có toàn bộ các kết quả.
Trong kế hoạch trước đây, kế hoạch thu xếp tài chính cho Dự án được dự kiến xây dựng xong trong quý IV/2013. Tuy nhiên, với thực tế chưa xác định được chính xác tổng mức đầu tư và việc chuyển nhượng vốn của Vinachem vẫn chưa hoàn tất, nên phương án thu xếp tài chính cũng bị ảnh hưởng theo và có thể tới cuối năm 2014 mới hoàn thành.