Thủy điện Hòa Bình - nguồn cung cấp điện chủ lực của toàn bộ hệ thống điện Việt Nam. Ảnh: Việt Trung
Đi thực tế rồi sẽ xin ý kiến Chính phủ
Ngay sau khi có báo cáo tại thực địa với Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên vào ngày 28/7, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục có kiến nghị khẩn thiết đề nghị Bộ Công thương quyết định cho phép thi công trở lại công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng.
Cho đến thời điểm này, công tác thi công xử lý khối sạt đợt 1, 2, 3 giai đoạn I đã được EVN tổ chức thực hiện cơ bản hoàn thành, tuân thủ phương án thiết kế đã được Bộ Công thương thẩm định, thông qua. Toàn bộ khối sạt cơ bản đã được xử lý triệt để, đảm bảo an toàn cho khu vực hố móng nhà máy và khu vực bãi quay xe chân Tượng đài Bác Hồ.
Số liệu quan trắc dịch chuyển tại các hạng mục công trình và công trình hiện hữu từ thời điểm chu kỳ 0 vào tháng 11/2021 đến nay cho thấy, hố móng của công trình, phạm vi Tượng đài Bác Hồ và các công trình hiện hữu xung quanh ổn định, không có sự chuyển dịch bất thường.
Báo cáo Đánh giá tổng thể Dự án đã được Tư vấn thiết kế (Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1 - PECC1) lập trên cơ sở cập nhật kết quả khảo sát bổ sung, rà soát lại các tính toán trong quá trình lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật công trình, tính toán kiểm tra lại kết cấu các hạng mục công trình căn cứ vào hồ sơ mô tả địa chất sau mở móng.
Sau khi đã thu thập đầy đủ tài liệu và rà soát lại các tính toán trước đây, Tư vấn thiết kế khẳng định, Hồ sơ thiết kế xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng đảm bảo an toàn trong quá trình thi công cũng như vận hành lâu dài, không ảnh hưởng đến các công trình hiện hữu.
Sau khi nghiên cứu, tính toán, thẩm tra hồ sơ Báo cáo đánh giá tổng thể Dự án do PECC1 lập, Tư vấn thẩm tra độc lập (Liên danh Viện Kỹ thuật công trình và Viện Thủy điện và Năng lượng tái tạo) đã có Văn bản số 170/VKTCT-TTR ngày 29/4/2022, khẳng định: Hồ sơ thiết kế kỹ thuật của công trình phù hợp với điều kiện thực tế sau khi mở móng; các giải pháp thiết kế mà Tư vấn thiết kế đưa ra là phù hợp với thực tế thi công, đảm bảo an toàn ổn định theo yêu cầu, không ảnh hưởng đến các công trình lân cận.
Xem xét hồ sơ Báo cáo đánh giá tổng thể Dự án của Tư vấn thiết kế lập, tất cả 14 thành viên Hội đồng Tư vấn thẩm định Hồ sơ báo cáo đánh giá tổng thể Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng đều có ý kiến “đồng ý cho công trình thi công trở lại” bằng văn bản.
Các bộ Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Hòa Bình cũng đã có văn bản thống nhất nội dung Báo cáo đánh giá tổng thể và thống nhất ý kiến cho phép thi công trở lại công trình.
Trên cơ sở Báo cáo đánh giá tổng thể Dự án của Tư vấn thiết kế lập, ý kiến của Tư vấn thẩm tra độc lập, ý kiến đồng thuận của các bộ, UBND tỉnh Hòa Bình và các chuyên gia Hội đồng Tư vấn thẩm định, EVN đã có Văn bản số 2400/BC-EVN ngày 6/5/2022 báo cáo Bộ Công thương, khẳng định Hồ sơ thiết kế Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng phù hợp với thực tế, đảm bảo an toàn trong quá trình thi công cũng như vận hành lâu dài.
Đáng nói là, ngày 26/7, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện các dự án trọng điểm của EVN, Bộ Công thương cho hay, Bộ đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng để sớm có ý kiến về Hồ sơ đánh giá an toàn tổng thể để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép sớm thi công trở lại với công trường Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng. Tuy nhiên, tới ngày 1/8/2022, bộ này vẫn chưa có ý kiến và rất có thể sẽ lại là báo cáo tình hình và xin ý kiến Chính phủ về vấn đề thi công trở lại hay không.
Cẩn thận hay lo trách nhiệm
Trên thực tế, việc đầu tư xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện quốc gia trong những năm sau 2025, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt là trong tình hình thay đổi cơ cấu nguồn điện hiện nay.
Dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng được đầu tư xây dựng với mục tiêu tăng cường công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, cải thiện chế độ làm việc của hệ thống điện, từ đó góp phần trực tiếp giảm chi phí sản xuất điện, cung cấp thêm cho hệ thống điện quốc gia khoảng 495 triệu kWh/năm.
Mặt khác, Dự án giảm cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa. Đặc biệt, Dự án tận dụng tối đa nguồn nước xả thừa hàng năm vào mùa lũ của Thủy điện Hoà Bình hiện hữu để phát điện.
Bởi vậy, tại Văn bản số 302/TB-VPCP ngày 5/11/2021, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã giao Bộ Công thương, Bộ Xây dựng quyết định việc thi công trở lại trên cơ sở bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, nhất là đập Thủy điện Hòa Bình và Tượng đài Bác Hồ.
Còn kết luận tại Thông báo 200/TB-VPCP ngày 9/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương, Bộ Xây dựng và các bộ, cơ quan liên quan tập trung khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng tại Văn bản 302/TB-VPCP để xem xét, quyết định việc thi công trở lại hay không đối với Dự án trong tháng 7/2022.
Trên thực tế, Dự án đã phải dừng thi công hơn 8 tháng, gây khó khăn rất lớn cho chủ đầu tư, các nhà thầu thi công, nhà thầu cung cấp vật tư thiết bị và ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ, hiệu quả đầu tư.
Việc chỉ còn duy nhất Bộ Công thương là cơ quan quản lý nhà nước liên quan vẫn chần chừ đưa ra ý kiến chính thức của mình có thể không khó hiểu nếu xét dưới góc độ hiểu biết về kỹ thuật hay câu chuyện chịu trách nhiệm của người đứng đầu trong bối cảnh thực tế gần đây.
Tuy nhiên, với tư cách là bộ lo điện cho nền kinh tế, nhất là khi miền Bắc nhìn rõ câu chuyện thiếu điện vì thiếu nguồn mới như vài năm qua, thì sự chùng chình này cần có lời giải thích rõ ràng, đặc biệt khi các bộ, ngành liên quan khác, cũng như UBND tỉnh nơi có công trình và toàn bộ thành viên Hội đồng Tư vấn đều đã đồng ý cho thi công trở lại.
Theo số liệu của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hiện hữu, trong giai đoạn 1999 - 2018, tổng lượng nước xả thừa (không qua phát điện) là 175 tỷ mét khối, chiếm 19% lượng nước về hồ. Riêng từ đầu mùa lũ năm 2022 đến nay, Thủy điện Hòa Bình đã phải xả nước qua tràn để chống lũ 3 đợt, với tổng cộng 7,18 tỷ mét khối, tương đương 1,6 tỷ kWh.