Chậm vì chờ duyệt quy hoạch
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư mới đây, ông K.P.Singh, CEO của Công ty TNHH Vietnam Sports Platform (VSP) cho biết, Dự án của nhà đầu tư này vẫn chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép, do quy hoạch chung của Khu liên hợp Thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc chưa được phê duyệt.
Cũng theo đại diện của VSP, thời gian gần đây, tiến độ chung của toàn khu đã có nhiều tiến triển, các ngành, các cấp ở TP.HCM cũng đang rất tích cực, nên những vướng mắc, khó khăn của các dự án thành phần sẽ sớm được giải quyết.
Được biết, tháng 8/2016, chính quyền TP.HCM đã đồng ý về chủ trương cho VSP đầu tư Dự án Sân đua xe đạp lòng chảo và Sân vận động tiêu chuẩn quốc tế, tích hợp đường đua mô tô tại Khu liên hợp Thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc, với tổng mức đầu tư 200 triệu USD.
Dự án gồm đường đua lòng chảo đạt tiêu chuẩn Olympic, dài 250 m và khán đài 9.000 chỗ ngồi. Phần mặt sân trung tâm đủ sức tổ chức các giải cầu lông, bóng bàn, bóng rổ...
Ban đầu, VSP dự định đầu tư sân đua xe đạp lòng chảo tại Khu liên hợp Thể thao quốc gia Mỹ Đình khi Việt Nam đang chuẩn bị xin đăng cai Asian Games 18.
Tuy nhiên, sau khi Việt Nam chính thức xin rút đăng cai Asian Games 18 thì dự án này dừng lại. Sau đó, VSP đã chọn TP.HCM để triển khai dự án này vì đây là trung tâmkinh tế của cả nước, nên việc đầu tư tại đây có nhiều thuận lợi.
Ngoài ra, một lý do quan trọng để VSP quyết định đầu tư là việc TP.HCM được chọn làm nơi đăng cai Đại hội Thể thao lần thứ 31 (SEA Games) và Đại hội Thể thao người khuyết tật lần thứ 11 - khu vực Đông Nam Á được tổ chức vào năm 2021.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư hồi tháng 9/2016, đại diện của VSP khẳng định rằng, các vấn đề về thu xếp vốn, thiết kế, nguồn nhân lực… đã chuẩn bị xong, chỉ đợi Dự án được cấp phép là có thể triển khai ngay.
Dự án dự kiến được khởi công vào đầu năm 2017, nhưng đến thời điểm này, mọi việc vẫn chưa mấy tiến triển.
Ông K.P.Singh cho biết, gần đây, đại diện của VSP đã tham gia nhiều cuộc họp tại Sở Quy hoạch - Kiến trúc để bàn về Quy hoạch tổng thể do Công ty tư vấn Sasaki (Nhật Bản) đệ trình.
Các ngành chức năng của TP.HCM đang làm việc rất tích cực để quy hoạch này có thể được thông qua sớm nhất có thể.
Dự án có thể khởi công trong năm 2018?
Trong một diễn biến liên quan, mới đây, UBND TP.HCM đã trình Thủ tướng và các cơ quan Trung ương Đề án đăng cai Đại hội Thể thao lần thứ 31 (SEA Games) và Đại hội Thể thao người khuyết tật lần thứ 11 - khu vực Đông Nam Á, năm 2021.
Theo đó, để phục vụ các sự kiện trên, ngoài các cơ sở vật chất hiện hữu, TP.HCM dự kiến đầu tư xây dựng 3 công trình trọng điểm với tổng mức đầu tư dự kiến là 15.600 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách và nguồn xã hội hóa.
Trong đó, 3 công trình mới gồm: Sân vận động chính tại Khu liên hợp Thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc, Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng và Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao.
Theo tìm hiểu, trong cuộc họp mới nhất của Ban Chỉ đạo Dự án Khu liên hợp Thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đã chỉ đạo khá quyết liệt việc đẩy nhanh tiến độ công việc, sớm lựa chọn nhà đầu tư các dự án thành phần để kịp xây dựng các công trình phục vụ SEA Games 31.
Cụ thể, Sở Quy hoạch - Kiến trúc hoàn thiện, trình UBND Thành phố phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chi tiết 1/2000 của Khu liên hợp Thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc trong tháng 1/2018.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, đề xuất lựa chọn nhà đầu tư các dự án thành phần trong Khu liên hợp Thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án phục vụ SEA Games 31.
Trở lại câu chuyện Dự án của VSP, một trong những vấn đề được quan tâm là lựa chọn hình thức đầu tư nào cho phù hợp, thì nay cũng đã có câu trả lời. Trước đó, đã có đề xuất đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Khi đó, nhiều người cho rằng, đầu tư theo hình thức này là không phù hợp, bởi dự án này được đầu tư cơ sở để tập luyện, tổ chức thi đấu các giải thể thao, song về bản chất, đây là dự án đầu tư kinh doanh.
Do đó, có ý kiến cho rằng, hình thức đầu tư thế nào nên để nhà đầu tư tự quyết định cho phù hợp, nhưng không nên đầu tư theo hình thức PPP.
“Đến thời điểm này, chúng tôi khẳng định, Dự án sẽ được đầu tư 100% bằng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chứ không đầu tư bằng hình thức PPP”, ông K.P.Singh.
Ông K.P.Singh cho biết thêm, tổng mức đầu tư cho Dự án đến nay chưa có thay đổi; nếu cần điều chỉnh, chủ đầu tư sẽ thực hiện sau khi khởi công.
Cũng theo đại diện của VSP, Công ty đang nhận được sự hỗ trợ rất tích cực từ chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện các thủ tục của Dự án. “Chúng tôi đã chủ động tất cả các nguồn lực cần thiết. Nếu được cấp phép sớm, Dự án của VSP có thể khởi công xây dựng trong năm nay”, ông K.P.Singh cam kết.