Phối cảnh Dự án PPP Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng)
Thêm “phiếu thuận”
UBND tỉnh Cao Bằng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền Dự án PPP Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (Dự án) đã nhận được phiếu thuận quan trọng từ Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) liên quan đến đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư tuyến cao tốc vừa được đích thân Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công cách đây tròn 1 tháng.
Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Công văn số 10877/BKHĐT - GSTĐĐT gửi các bộ: GTVT, Tài chính, Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; UBND tỉnh Lạng Sơn, trong phạm vi quản lý của mình cho ý kiến thẩm định về hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án.
Trong công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào đầu tuần trước, Bộ GTVT đã góp ý khá chi tiết liên quan đề xuất hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án của UBND tỉnh Cao Bằng. Cụ thể, đối với về sự phù hợp của nội dung điều chỉnh, Bộ GTVT cho biết, theo quy định tại khoản 1, Điều 18, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), chủ trương đầu tư Dự án được điều chỉnh khi thay đổi mục tiêu, địa điểm, quy mô, loại hợp đồng dự án PPP, tăng tổng mức đầu tư từ 10% trở lên hoặc tăng giá trị vốn nhà nước trong dự án PPP trong các trường hợp như dự án bị ảnh hưởng bởi sự kiện bất khả kháng; quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan thay đổi; khi điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi.
Ngày 28/11/2023, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 106/2023/QH15 về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, trong đó cho phép điều chỉnh tỷ lệ vốn nhà nước tham gia trong tổng mức đầu tư Dự án. “Như vậy, UBND tỉnh Cao Bằng trình điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án PPP đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là có cơ sở”, ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ GTVT nêu quan điểm.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vẫn đề nghị UBND tỉnh Cao Bằng chỉ đạo các đơn vị liên quan tham khảo lãi suất của các dự án PPP tương tự đã đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, gồm 3 dự án PPP đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo) và các dự án đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi (Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội) để làm cơ sở xác định mức lãi suất vốn vay phù hợp.
Một điểm đồng thuận quan trọng khác được Bộ GTVT dành cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền Dự án PPP Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh của UBND tỉnh Cao Bằng là cơ cấu nguồn vốn sau điều chỉnh.
Theo đó, Bộ GTVT cho rằng, việc thay đổi phần vốn nhà nước tham gia Dự án (tăng từ 6.580 tỷ đồng lên 9.800 tỷ đồng) làm phần vốn Nhà đầu tư giảm (từ 7.751,618 tỷ đồng xuống 4.451,92 tỷ đồng), với giá trị phần vốn nhà nước sau điều chỉnh sẽ chiếm 68,76% trong tổng mức đầu tư là phù hợp với Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ.
Do tại khoản 5, Điều 1, Quyết định số 20/QĐ-TTg ngày 16/1/2023 về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, thời gian thực hiện Dự án giai đoạn I là từ năm 2020 đến 2025; thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn khoảng 23 năm (từ 2026 -2049).
“Vì vậy, việc tiến hành điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án là cần thiết”, lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá.
Gỡ vướng mắc tài chính
Trước đó, trong Tờ trình số 3348/TTr-UBND gửi Thủ tướng Chính phủ xin thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án vào giữa tháng 12/2023, UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, thời điểm bắt đầu thực hiện Dự án được tính từ ngày khởi công là không thay đổi, vẫn trong 36 tháng.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ kiến nghị điều chỉnh thời điểm thực hiện các công việc chuẩn bị do cần thời gian để thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư và dự án. Trong quá trình thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư và dự án, UBND tỉnh Cao Bằng sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện các nội dung không điều chỉnh để đảm bảo tiến độ thực hiện.
Cụ thể, thời điểm thực hiện Dự án đang đề nghị điều chỉnh như sau: điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án: từ tháng 12/2023 đến tháng 2/2024 (2 tháng); điều chỉnh Dự án: từ tháng 3/2024 đến tháng 5/2024 (2 tháng); thực hiện đàm phán, thương thảo ký kết hợp đồng từ tháng 12/2023 đến tháng 6/2024; thực hiện Dự án: từ tháng 6/2024 đến tháng 6/2027 (36 tháng).
Cần phải nói thêm, tại thời điểm phát hành Tờ trình số 3348, UBND tỉnh Cao Bằng đã phê duyệt xong kế hoạch lựa chọn nhà thầu tư vấn lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu lựa chọn nhà đầu tư; phê duyệt hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Đến cuối tháng 12/2023, UBND tỉnh Cao Bằng đã lựa chọn xong nhà đầu tư và ký kết hợp đồng thực hiện Dự án với liên danh Tập đoàn Đèo Cả - CTCP Đầu tư và xây dựng ICV Việt Nam, CTCP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả - CTCP Xây dựng Công trình 568. Theo ông Trần Hồng Minh, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng đã phát sinh một số yếu tố ảnh hưởng đến tính khả thi và tiến độ hoàn thành Dự án, trong đó chủ yếu là khó khăn về huy động tín dụng. Tuy nhiên, được chấp thuận của Quốc hội tại Nghị quyết số 106/2023/QH15, ngày 28/11/2023, phần vốn nhà nước tham gia trong Dự án được được điều chỉnh từ 6.580 tỷ đồng thành 9.800 tỷ đồng (chiếm 68,76 % tổng mức đầu tư của Dự án), qua đó góp phần đảm bảo tính khả thi tài chính cho công trình.
“Đây là động lực rất lớn để Dự án tháo gỡ các vướng mắc về tài chính, sớm trở thành đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần củng cố quốc phòng - an ninh quốc gia, kết nối Cao Bằng với các tỉnh biên giới, với các trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa và quốc tế”, ông Trần Hồng Minh đánh giá.
Một nội dung điều chỉnh quan trọng khác được đề cập tại Tờ trình số 3348 là phương án tài chính của Dự án PPP đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.
Theo UBND tỉnh Cao Bằng, do thay đổi về cơ cấu nguồn vốn, vốn ngân sách nhà nước trong dự án thay đổi, nên cần tính toán lại phương án tài chính Dự án. Ngoài ra, theo quy định của pháp luật về PPP, cần phải cập nhật lại thông số đầu vào của phương án tài chính về lãi suất của phần vốn huy động và lợi nhuận của vốn chủ sở hữu.
Bên cạnh đó, để xét đến tính thực tế về tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2023 không như dự báo trong báo cáo nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt tại Quyết định số 1199/QĐ-UBND ngày 15/9/2023 (dự báo lưu lượng xe tăng trưởng theo kịch bản tăng trưởng cao của kinh tế), nay cần bổ sung thêm kịch bản tăng trưởng trung bình và tăng trưởng thấp của lưu lượng xe tương ứng với các điều kiện về tăng trưởng kinh tế được dự báo theo kịch bản tương tự. Đây là căn cứ để lựa chọn kịch bản tăng trưởng lưu lượng xe phù hợp.
“Với kịch bản tăng trưởng kinh tế trung bình, để thu hút thêm phương tiện giao thông sử dụng dự án, điều chỉnh giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại dự án từ 2.100 đồng/xe/km xuống còn 2.000 đồng/xe/km”, lãnh đạo UBND tỉnh Cao Bằng thông tin.
Theo Bộ GTVT, kết quả dự báo nhu cầu vận tải tại hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư thấp hơn so với hồ sơ dự án đã được phê duyệt. Vì vậy, UBND tỉnh Cao Bằng cần chỉ đạo các đơn vị rà soát, làm rõ lý do, cơ sở lựa chọn điều chỉnh kết quả dự báo nhu cầu vận tải tại hồ sơ điều chỉnh chủ trương Dự án.
Về giá dịch vụ sử dụng đường bộ, theo quan điểm Bộ GTVT, việc điều chỉnh giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ từ 2.100 đồng/xe/km, xuống 2.000 đồng/xe/km có tác dụng giảm chi phí vận tải, sẽ thu hút thêm lượng phương tiện tham gia sử dụng đường cao tốc (từ Quốc lộ 4A song hành). Do vậy, UBND tỉnh Cao Bằng cần sớm chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu, cập nhật mức giá dịch vụ điều chỉnh để tính toán kết quả dự báo nhu cầu vận tải đảm bảo tính tin cậy cao (lưu ý đánh giá số liệu dự báo và thực tế của các tuyến cao tốc có tính chất tương tự đã đưa vào khai thác, đặc biệt lưu ý xe nhóm 4 và 5).
“Ngoài các nội dung nêu trên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Lễ khởi công Dự án ngày 1/1/2024, UBND tỉnh Cao Bằng khẩn trương chỉ đạo nhà đầu tư và các đơn vị liên quan nghiên cứu thêm phương án đầu tư với quy mô 4 làn xe (bề rộng nền đường 17 m) nhằm nâng cao năng lực khai thác, bảo đảm an toàn và hiệu quả đầu tư Dự án”, lãnh đạo Bộ GTVT khuyến nghị.