Hủy kết quả sơ tuyển
Đúng 3 tháng sau khi công bố kết quả sơ tuyển quốc tế lựa chọn nhà đầu tư cho Dự án Xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam, đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ theo hình thức PPP, Ban quản lý dự án (PMU) Thăng Long vừa phải đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) hủy kết quả sơ tuyển để có thể thông báo đến các nhà đầu tư.
Theo PMU Thăng Long, do việc phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án có thay đổi về cơ cấu nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước cùng với một số nội dung trong phương án đầu tư được Bộ GTVT phê duyệt vào năm 2017 đang được xem xét, cập nhật, nên công tác sơ tuyển nhà đầu tư cần được thực hiện lại để đảm bảo công khai, minh bạch.
“Do trong hồ sơ mời sơ tuyển được phát hành vào tháng 4/2018 có điều khoản miễn trừ trách nhiệm, nên cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền tuyên bố hủy kết quả sơ tuyển mà không phải chịu ràng buộc các nghĩa vụ pháp lý, tài chính”, đại diện PMU Thăng Long cho biết.
Trước đó, sau gần 1 năm từ khi phát hành hồ sơ mời sơ tuyển (tháng 4/2018), tháng 2/2019, Bộ GTVT yêu cầu PMU Thăng Long trong vai trò đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo cho các nhà đầu tư không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời sơ tuyển Dự án Xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, gồm liên danh Idico - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1); Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng cầu đường Sài Gòn (SBRC) - Tập đoàn Cienco4 - Hà Thanh; Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) - Công ty Xây dựng công trình giao thông Trung Quốc (CCCC) - Horizon Invest.
Liên danh nhà đầu tư duy nhất được Bộ GTVT đánh giá là đáp ứng yêu cầu hồ sơ mời sơ tuyển là liên danh Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620 - Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng 194 - Công ty Thi Sơn - Công ty Bắc Nam - CONICO 703.
Được biết, tại thời điểm mở hồ sơ dự sơ tuyển (9h ngày 16/5/2018), PMU Thăng Long đã nhận được hồ sơ dự sơ tuyển của 4 liên danh nhà đầu tư đăng ký tham gia. PMU Thăng Long đã tổ chức đánh giá, lập báo cáo đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển và trình Bộ GTVT kết quả danh sách rút ngắn.
Quá trình sơ tuyển nhà đầu tư tại Dự án Xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ kéo dài và phức tạp hơn dự kiến, do đây là lần đầu tiên, Bộ GTVT tiến hành lựa chọn nhà đầu tư PPP thông qua đấu thầu rộng rãi. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thậm chí đã phải tham vấn ý kiến của Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và 2 lần gia hạn hiệu lực hồ sơ dự sơ tuyển để có thể lựa chọn được liên danh nhà đầu tư có năng lực, đáp ứng các tiêu chí của hồ sơ mời sơ tuyển Dự án.
Đi trước, về sau
Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn I theo hình thức PPP được Bộ GTVT phê duyệt năm 2017, công trình có tổng chiều dài 23,6 km, giai đoạn I đầu tư mặt cắt ngang 4 làn xe, rộng 17 m, tổng mức đầu tư 5.408 tỷ đồng. Thời gian thu phí hoàn vốn công trình khoảng 18 năm 2 tháng (bắt đầu thu dự kiến từ năm 2021) và hỗ trợ bằng quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương là 4 năm 2 tháng (dự kiến từ tháng 4/2028 đến tháng 6/2032).
Tuy nhiên, theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14, Nhà nước không trực tiếp hỗ trợ nhà đầu tư bằng quyền thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, mà phải thực hiện qua đấu giá. Số tiền thu được sẽ nộp vào ngân sách nhà nước sau khi trừ đi các chi phí có liên quan đến việc khai thác tài sản, nguồn thu này được ưu tiên bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công và ưu tiên bố trí dự toán chi ngân sách nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng.
Do việc triển khai thủ tục đấu giá quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương và thủ tục bố trí nguồn vốn sau đấu giá cho Dự án Xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ có những vướng mắc nhất định, không khả thi để thực hiện trong giai đoạn hiện nay, nên Bộ GTVT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ bố trí vốn ngân sách nhà nước (khoảng 932 tỷ đồng) hỗ trợ trực tiếp cho Dự án để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.
Ông Dương Viết Roãn, Giám đốc PMU Thăng Long cho biết, trong khi chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khoản hỗ trợ, đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã tính toán sơ bộ phương án tài chính của Dự án. Theo đó, nếu không bổ sung nút giao Quốc lộ 80 vào công trình, tổng mức đầu tư Dự án là 5.135 tỷ đồng, ngân sách nhà nước hỗ trợ 932 tỷ đồng (tương đương 19,9%), thời gian hoàn vốn sẽ kéo dài 21,7 năm. Trong trường hợp bổ sung nút giao Quốc lộ 80, tổng mức đầu tư Dự án sẽ đội lên 5.503 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn cũng vọt lên tới 29,04 năm.
Về tiến độ triển khai Dự án, PMU Thăng Long cho biết, trong trường hợp được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ vào đầu tháng 6/2019, Báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ được Bộ GTVT thông qua vào cuối tháng 6/2019 để có thể bắt tay lập hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư. Như vậy, mặc dù khởi động sớm hơn 7 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP gần 1 năm, nhưng hiện việc triển khai Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đang bị bỏ lại khá xa.
“Nếu mọi việc thuận lợi, hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư cho Dự án Xây dựng cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ được phát hành vào cuối tháng 7/2019”, đại diện PMU Thăng Long nói.
Mốc tiến độ mới của Dự án xây dựng cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ
- Phê duyệt Dự án: tháng 6/2019
- Phát hành hồ sơ mời sơ tuyển: tháng 7/2019
- Công bố kết quả sơ tuyển: tháng 9/2019
- Phát hành hồ sơ mời thầu tới các nhà đầu tư lọt qua sơ tuyển: tháng 10/2019
- Thông báo kết quả lựa chọn nhà đầu tư: tháng 3/2020
- Hoàn tất đàm phán, ký hợp đồng: cuối tháng 3/2020
- Khởi công Dự án: tháng 4/2020
- Hoàn thành Dự án: tháng 2/2022