Sức hút lớn
Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) không giấu được sự hài lòng khi chứng kiến gần 200 đại diện của các quỹ đầu tư, định chế tài chínhlớn; các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham dự Hội nghị kêu gọi đầu tư Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, được tổ chức tại Hà Nội cuối tuần qua.
Đây là bước đi đầu tiên của kế hoạch được Bộ GTVT đặt nhiều kỳ vọng để có thể “chọn mặt gửi vàng” với 8 phân đoạn cao tốc Bắc - Nam dự kiến triển khai theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Trước đó, hồ sơ mời sơ tuyển 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam đã được Bộ GTVT giao đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hành tới các nhà đầu tư quan tâm. Theo thông tin từ Vụ PPP (Bộ GTVT), tính đến sáng ngày 17/5, đã có 85 bộ hồ sơ mời sơ tuyển được bán cho các nhà đầu tư quan tâm với giá 10 triệu đồng/bộ. Việc này cho thấy sức hấp dẫn rất lớn của Dự án.
Ngay tại Hội nghị, cùng với việc đặt các câu hỏi tới Ban Tổ chức để làm rõ một số vấn đề liên quan tới Dự án, các nhà đầu tư đã tranh thủ trực tiếp kết nối với nhau với hy vọng có thể thành lập các liên danh để tham gia dự thầu.
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, trong lần đầu tiên tham dự một hội nghị xúc tiến đầu tư vào hạ tầng giao thông, đã có nhiều cuộc trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài như Taisei (Nhật Bản), GS (Hàn Quốc).
“Với những yêu cầu cao về năng lực tài chính, kinh nghiệm thi công, đầu tư các công trình tương tự, việc liên danh với các nhà đầu tư lớn nước ngoài là cơ hội duy nhất để doanh nghiệp trong nước có thể chen chân vào các dự án cao tốc Bắc - Nam”, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tasco, nhà đầu tư tham gia khá nhiều dự án BOT giao thông thời gian qua đánh giá.
Hiện còn quá sớm để đưa ra nhận định về khả năng thành công của kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư cho 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam, nhưng nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đánh giá cao cách thức tổ chức và sự công khai, minh bạch của Bộ GTVT. Để đảm bảo tính khách quan, Bộ GTVT đã chủ động thuê 2 tư vấn giao dịch quốc tế là Deloitte và Ernst & Young hỗ trợ rà soát cấu trúc tài chính của dự án, xây dựng hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu và dự thảo hợp đồng...
Chuẩn bị đủ nguồn lực
Theo ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT, việc lựa chọn nhà đầu tư 8 dự án thành phần theo hình thức PPP sẽ thông qua đấu thầu rộng rãi quốc tế theo 2 giai đoạn: sơ tuyển quốc tế và đấu thầu.
Cụ thể, trong giai đoạn sơ tuyển quốc tế (thực hiện trên cơ sở báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt) sẽ đánh giá năng lực, kinh nghiệm để lựa chọn tối đa 5 nhà đầu tư đủ điều kiện và có điểm đánh giá cao nhất vào vòng đấu thầu; giai đoạn đấu thầu (thực hiện trên cơ trên cơ sở kết quả bước thiết kế kỹ thuật, dự toán theo Nghị quyết số 20/NQ-CP về dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020) sẽ lựa chọn một nhà đầu tư đạt điểm kỹ thuật và giá gói thầu tốt nhất để thực hiện dự án.
“Bên cạnh việc công khai, minh bạch toàn bộ thông tin liên quan tới Dự án, tất cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước được bảo đảm quyền bình đẳng theo quy định pháp luật Việt Nam; có thể đăng ký tham gia đầu tư dự án nếu có đủ năng lực và kinh nghiệm. Công tác sơ tuyển, đấu thầu nhà đầu tư sẽ được bên mời thầu thực hiện theo đúng luật định trên nguyên tắc công bằng, minh bạch, cạnh tranh”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật khẳng định.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, tính đến thời điểm này, Chính phủ Việt Nam đã cân đối đủ 55.000 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước để tham gia thực hiện Dự án, bao gồm chi phí đầu tư xây dựng 3 phân đoạn sử dụng hoàn toàn vốn nhà nước cũng như phần vốn tham gia 8 dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP.
“Bộ GTVT đang chỉ đạo các đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền phối hợp chặt chẽ với 11 tỉnh, thành phố có tuyến đường đi qua để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Phấn đấu bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho nhà đầu tư trước khi bắt tay khởi công công trình”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin.
Người đứng đầu Bộ GTVT khẳng định, Chính phủ Việt Nam mong muốn lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực và kinh nghiệm để trao 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam thông qua đấu thầu cạnh tranh, bình đẳng và minh bạch. Ông cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục giải đáp mọi thắc mắc của nhà đầu tư, ghi nhận các kiến nghị để hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến các dự án PPP giao thông.