Vinaconex từng phải khắc phục sự cố vỡ đường ống nước

Vinaconex từng phải khắc phục sự cố vỡ đường ống nước

Dự án nước Sông Đà sẽ không ký hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc

(ĐTCK) Theo nguồn tin của ĐTCK, CTCP Nước sạch Vinaconex (Viwasupco), chủ đầu tư Dự án nước sông Đà sẽ không ký hợp đồng gói thầu cung cấp ống gang dẻo với Công ty TNHH Sản xuất ống gang dẻo Xinxing của Trung Quốc cho giai đoạn 2 dự án này.

Hiện 2 bên đang tiến hành thương thảo. Có 2 kịch bản mà các bên đang tính đến, thứ nhất, phía nhà thầu Trung Quốc rút lui khỏi dự án và chủ đầu tư trả lại tiền bảo lãnh dự thầu cho phía nhà thầu, đồng thời có thể phải chấp nhận bồi thường thiện chí.

Thứ hai, trong trường hợp xấu hơn, chủ đầu tư sẽ phải đối mặt với vụ kiện từ phía nhà thầu Trung Quốc. Một nguồn tin cho biết, ban đầu phía nhà thầu Trung Quốc (đại diện tại Việt Nam) đã đồng ý rút lui, nhưng sau đó, công ty mẹ tại Trung Quốc đã không đồng ý.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với kiến nghị của UBND TP. Hà Nội về việc yêu cầu chủ đầu tư Dự án nước sông Đà giai đoạn 2 tạm dừng việc ký hợp đồng với nhà thầu để nghiên cứu, đánh giá kỹ các vấn đề liên quan đến Dự án, như xem xét kỹ ý kiến của tư vấn xét thầu và dư luận liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu của gói thầu cung cấp ống gang dẻo và phụ kiện; thuê đơn vị tư vấn quốc tế có đủ năng lực thực hiện kiểm định, đánh giá chất lượng toàn diện đoạn đường ống mẫu do nhà thầu cung cấp, bảo đảm các tiêu chí kỹ thuật của hồ sơ mời thầu; lập quy trình kiểm định, nghiệm thu chất lượng vật tư từ giai đoạn sản xuất, thi công, đưa vào sử dụng lâu dài kèm theo các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, đánh giá.

Sau khi bên tư vấn thực hiện đánh giá đạt kết quả, chủ đầu tư phải thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân, các nhà chuyên môn và các nhà khoa học biết và ủng hộ; trường hợp kết quả không đạt yêu cầu về kỹ thuật, chủ đầu tư phải thông báo hủy ngay kết quả đấu thầu.

Theo luật sư Hồ Anh Khoa (Công ty Luật BASICO), Điều 17 Luật Đấu thầu đã quy định rõ các trường hợp hủy thầu gồm: (i) Tất cả hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; (ii) Thay đổi mục tiêu, phạm vi đầu tư đã ghi trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; (iii) Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện gói thầu, dự án; (iv) Có bằng chứng về việc đưa, nhận, môi giới hối lộ, thông thầu, gian lận, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

Trong trường hợp hủy thầu, trước đó đều sẽ trải qua những giai đoạn pháp lý nhất định. Ví dụ, với việc hủy thầu do tất cả hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; trong một số trường hợp, nếu đàm phán sơ bộ hợp đồng không thành công thì có thể căn cứ vào quy định để xem xét hủy thầu.

Trường hợp nhà thầu (hoặc nhà đầu tư trong trường hợp lựa chọn nhà đầu tư) bị hủy thầu do vi phạm pháp luật về đấu thầu thì phần bảo đảm dự thầu sẽ không được hoàn trả lại, đây là quy định tại khoản 8, Điều 11 về “Bảo đảm dự thầu”, Luật Đấu thầu năm 2013.

Hay như trường hợp nhà thầu (hoặc nhà đầu tư trong trường hợp lựa chọn nhà đầu tư) bị hủy thầu do hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu, thì sẽ phải đền bù chi phí cho các bên liên quan và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

“Nếu bị hủy thầu, tùy thực tế mà nhà thầu, chủ đầu tư có thể đưa ra kiến nghị với bên mời thầu, chủ đầu tư… hay khởi kiện ra tòa án”, luật sư Hồ Anh Khoa cho biết.

Trong trường hợp có bên tham gia là doanh nghiệp nước ngoài, nếu đã ký hợp đồng, thông thường sẽ có điều khoản về giải quyết tranh chấp tại tòa án Việt Nam, hay tòa án Trung Quốc, hoặc trọng tài thương mại quốc tế. Tuy nhiên, trong trường hợp này, do chưa có hợp đồng, tùy vào tình hình thực tế, việc xác định tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp sẽ cần xem xét thấu đáo nhiều yếu tố. Trong đó, cần đối chiếu các điều ước quốc tế (song phương, đa phương) mà Việt Nam và quốc gia nơi doanh nghiệp đó đăng ký ký kết, hoặc là thành viên, để điều chỉnh vấn đề tranh chấp.          

Tin bài liên quan