Chỉ định đầu tư
Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II là một trong 4 nhà máy thuộc Trung tâm Điện lực Ô Môn (Cần Thơ) có công suất 750 MW, tổng mức đầu tư dự kiến là 26.310 tỷ đồng, dự kiến vận hành năm 2026. Dự án cũng thuộc Quy hoạch Phát triển điện VII hiệu chỉnh, nhưng chưa xác định nhà đầu tư.
Bộ Công thương nhận được 2 đề xuất thực hiện đầu tư từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2) và Tổng công ty cổ phần Thương mại Xây dựng (Vietracimex) với Liên danh Vietracimex - Tập đoàn Marubeni. Cả hai đều đề xuất Dự án có công suất 1.050 MW, tiến độ vận hành năm 2023, giá điện là 2.884 đồng/kWh, trên cơ sở Dự án Nhiệt điện Ô Môn IV đã được phê duyệt chủ trương đầu tư.
Kiến nghị giao Dự án Nhiệt điện Ô Môn II cho Liên danh Vietracimex - Marubeni là chủ đầu tư theo hình thức IPP (nhà máy điện độc lập), Bộ Công thương đã đưa ra nhiều lập luận. Theo đó, dù EVNGENCO2 có năng lực, kinh nghiệm để quản lý Dự án, nhưng phương án thu xếp vốn có rủi ro khi tăng vốn điều lệ phát hành từ cổ phiếu hoặc từ lợi nhuận để lại hàng năm không như dự kiến và việc vay vốn thương mại trong nước gặp khó khăn do phải vay vượt hạn mức vốn tự có của ngân hàng theo quy định.
EVNGENCO2 đề nghị EVN hỗ trợ trong thu xếp vốn đối ứng và vay vốn thương mại cho Dự án, nhưng Bộ Công thương cho rằng, chính EVN đang gặp nhiều khó khăn trong thu xếp vốn cho các dự án nguồn điện như Ô Môn III, Ô Môn IV, Quảng Trạch I, Dung Quất I - III…, do đã vượt hạn mức vốn tự có, tỷ lệ đảm bảo an toàn cho vay của tổ chức tín dụng với EVN.
Ngoài ra, do EVN không khẳng định việc hỗ trợ EVNGENCO2 để đảm bảo thu xếp vốn cho Dự án theo kiến nghị của đơn vị cấp dưới, nên việc EVNGENCO2 tự thu xếp vốn chủ sở hữu và vốn vay cho Dự án được Bộ Công thương cho là khó thực hiện.
Mặc dù có 2 nhà đầu tư quan tâm tới Dự án này với các điều kiện và thông số tài chính không khác biệt là mấy nhưng Bộ Công thương cũng không lựa chọn hình thức đấu thầu để chọn nhà đầu tư mà đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Liên danh Vietracimex - Marubeni làm chủ đầu tư Dự án Nhiệt điện Ô Môn II theo hình thức IPP, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư phải có cam kết ký quỹ và thực hiện Dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ theo quy định và lập Báo cáo nghiên cứu khả thi luôn, bỏ qua bước lập Báo cáo tiền khả thi.
Với Vietracimex, Bộ Công thương cho rằng, với kinh nghiệm của các bên tham gia liên danh, nhất là Marubeni, nhà đầu tư này sẽ có đủ năng lực để đầu tư, quản lý vận hành Dự án. Đặc biệt, Liên danh Vietracimex - Marubeni, với khả năng tài chính của mình, sẽ đảm bảo thu xếp đủ vốn cho Dự án mà không cần bảo lãnh của Chính phủ.
Tại Văn bản 1200/TTg-CN ngày 25/9/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến rằng, Bộ Công thương chịu trách nhiệm về việc giao Liên danh Vietracimex - Marubeni làm chủ đầu tư Nhiệt điện Ô Môn II theo hình thức đầu tư thông thường, nghĩa là chủ đầu tư tự đầu tư xây dựng, sở hữu, vận hành (tương tự BOO), thay vì mô hình IPP như đề xuất, với yêu cầu đảm bảo nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và hiệu quả theo quy định.
Tại văn bản này, Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn chủ đầu tư triển khai các bước chuẩn bị đầu tư Dự án đúng quy định. Trên cơ sở này, Bộ Công thương, cuối tháng 12/2019, đã yêu cầu liên danh chuẩn bị hồ sơ dự án trình cơ quan có thẩm quyền xem xét.
Dự án 50 năm, giá điện 11,02 UScent/kwh
Sở Kế hoạch và Đầu tư Cần Thơ mới đây đã gửi văn bản tới các bộ để lấy ý kiến thẩm định chủ trương đầu tư Nhiệt điện Ô Môn II sau khi nhận được hồ sơ đề nghị thực hiện từ Vietracimex - Marubeni.
Theo đề xuất từ nhà đầu tư, Dự án có quy mô 1.050 MW, với vốn đầu tư dự kiến là 30.560 tỷ đồng (tăng khoảng 4.000 tỷ đồng so với đề xuất ban đầu), diện tích đất cần là gần 20 ha, sẽ sử dụng nguồn nhiên liệu khí từ Lô B với nhu cầu tiêu thụ khoảng 1,25-1,4 tỷ m3/năm và thời gian hoạt động 6.000 giờ/năm.
Do sử dụng khí Lô B làm nhiên liệu đầu vào, nên các thông số tính toán phụ thuộc vào giá khí khai thác tại mỏ và cước phí vận chuyển đến hàng rào nhà máy. Từ giá khí miệng giếng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016 cộng với trượt giá 2,5%/năm, giá khí năm 2020 được nhà đầu tư tính là 10,33 USD/triệu BTU và cước vận chuyển là 1,656 USD/triệu BTU.
Đặt mức vốn huy động là 24.443 tỷ đồng, chiếm 80% tổng vốn đầu tư, Liên danh Vietracimex - Marubeni cho biết, sẽ phát triển Dự án trên cơ sở dự án hạn chế truy đòi hoặc không truy đòi thông qua sự hỗ trợ của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản, Nippon Export và Investment Insurance, Ngân hàng châu Á lẫn các ngân hàng thương mại khác. 20% vốn còn lại sẽ là tự có và được đóng góp đều giữa 2 đối tác.
Trước đó, khi đề xuất dự án này, Vietracimex nhắc tới việc Ngân hàng ING (Hà Lan) đã đồng ý thu xếp hơn 21.000 tỷ đồng để triển khai Dự án.
Điểm đáng chú ý là, Liên danh Vietracimex - Marubeni muốn thời gian thực hiện Dự án lên tới 50 năm và giá bán điện là 11,02 UScent/kWh. Cạnh đó, để đảm bảo cho hợp đồng này, Liên danh nhắc tới các tài liệu sẽ được bổ sung là các bảo lãnh/cam kết hỗ trợ phù hợp của Chính phủ với nghĩa vụ thanh toán của các bên bao tiêu và các vấn đề liên quan tới đồng tiền thanh toán.
Nhìn nhận đề nghị này của nhà đầu tư, các chuyên gia cho rằng, mọi chuyện sẽ không dễ dàng để duyệt. Cụ thể, các dự án điện được đầu tư theo hình thức BOT hiện nay chỉ có thời hạn 25 năm và sau đó phải chuyển giao không hoàn lại cho phía Nhà nước Việt Nam kèm điều kiện “trạng thái vận hành tốt”. Với hình thức này, Nhà nước Việt Nam sẽ cấp một số bảo lãnh chính phủ nhất định.
Còn với hình thức IPP, nhà đầu tư được giao dự án sẽ chủ động đầu tư xong bán điện lên thị trường cạnh tranh. "Trước đó nhà đầu tư đã đề xuất hình thức IPP và được hiểu là sẽ tự chủ động để đầu tư ra nhà máy điện, nay lại muốn có những bảo lãnh của Chsinh phủ là khác biệt với các đề xuất ban đầu để nhận được việc chỉ định đầu tư", một chuyên gia cho hay.
Chiếu theo các loại hình hiện nay, dường như Liên danh Vietracimex - Marubeni đang “giành hết phần khôn về mình” khi muốn Dự án được đầu tư theo hình thức BOO, nhưng lại phải được bảo lãnh theo BOT với thời gian bán điện “khác người”.
Lẽ dĩ nhiên, Dự án Nhiệt điện Ô Môn II còn tốn thời gian thẩm định, nghiên cứu của các cơ quan hữu trách và chưa biết bao giờ mới về đích. Điều này sẽ khiến chuỗi dự án khí Lô B - Ô Môn - Trung tâm Điện lực Ô Môn gặp nhiều thách thức trong việc đồng bộ phát triển để có gần 4.000 MW nguồn điện mới từ năng lượng sạch.