Nhộm nhoạm như mua nhà ở xã hội IEC

Nhộm nhoạm như mua nhà ở xã hội IEC

Dự án nhà ở xã hội IEC Thanh Trì được rao bán như nhà ở thương mại

(ĐTCK) Là dự án nhà ở xã hội, nhưng quanh công trình dự án IEC Thanh Trì, các môi giới công khai ngồi rao bán với tiền chênh lên tới hàng chục triệu đồng.

Bát nháo như mua nhà dự án IEC

Theo phản ánh của độc giả tới Báo Đầu tư Bất động sản, khi tìm hiểu mua nhà tại dự án nhà ở xã hội IEC Thanh Trì do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Cơ điện IEC làm chủ đầu tư, thì được các môi giới tư vấn, muốn mua được nhà, họ phải mất phí 50 - 80 triệu đồng.

Để xác định thông tin trên, phóng viên đã đến công trình dự án nhà ở xã hội IEC Thanh Trì. 

Có mặt tại công trình dự án nhà ở xã hội IEC Thanh Trì đầu tháng 1/2019, theo ghi nhận của phóng viên, công trình đang thi công, còn đối diện với công trình là các bàn nhựa, từng nhóm khoảng 3 đến 5 người ngồi. Tìm hiểu ra mới biết, đây là các môi giới ở các sàn giao dịch bất động sản đang môi giới bán nhà ở xã hội cho khách.

Trong vai người có nhu cầu mua nhà ở xã hội, phóng viên tìm đến một bàn thì được các môi giới mời chào mua hàng một cách nhiệt tình. 

Một môi giớ tự giới thiệu tên là Trần Văn Anh, ở Sàn bất động sản MB Housing giới thiệu, dự án này có 3 tòa, tòa CT1 có 27 tầng, CT2 có 23 tầng, CT3 có 21 tầng. Đa số là căn 70 m2, có căn 53,5 m2 và căn 64 m2, giá khoảng từ 15 - 18 triệu đồng/m2 bao gồm VAT, bảo hành, hoàn thiện cơ bản, trát, trần thạch cao, gạch, vệ sinh, điện…

Dự án nhà ở xã hội IEC Thanh Trì được rao bán như nhà ở thương mại ảnh 1

Các môi giới bán hàng ngay tại dự án nhà ở xã hội IEC.

Khi phóng viên thắc mắc về tính pháp lý, chính danh của đơn vị phân phối, một môi giới trong nhóm này cho biết: “Nếu anh có lên gặp chủ đầu tư thì họ cũng đẩy về cho bọn em làm. Về bản chất, bọn em là người của chủ đầu tư, không phải chủ đầu tư sao được ngồi ở đây”.

“Thực ra, khi mua nhà ở xã hội, quyền mua của mọi người là như nhau, khách cứ làm hồ sơ đăng ký mua. Tuy nhiên, điều quan trọng là duyệt hồ sơ và bốc thăm. Ví dụ, anh muốn mua căn 53 m2, hoặc 64 m2, nhưng ở dự án chỉ có 60 căn loại diện tích đó, trong khi nhu cầu lớn, nên phải bốc thăm. 

Em nói với anh luôn, bản chất tại dự án là 2 loại căn trên (53 m2 và 64 m2) không có bốc thăm. Vì chỉ có 60 căn, nên gần như vào tay các đơn vị làm dịch vụ hết. Bên em có hai phương án cho khách lựa chọn. Một là cứ làm hồ sơ rồi bốc thăm bình thường, phương án này vì bọn em làm ở đây nên khẳng định là không bốc được. Thứ hai là anh muốn chắc chắn lấy được căn 53 hoặc 64 m2 nhưng không chọn tầng, chọn tòa thì đặt 50 triệu đồng gọi là phí bên ngoài để bọn em đảm bảo cho bọn anh không phải bốc thăm nhưng vẫn được nhà. Trong trường hợp cần chọn tòa, chọn tầng là 80 triệu đồng. Cái này là ngoài giá chủ đầu tư”, môi giới Trần Văn Anh cho hay.

Khi phóng viên thắc mắc về việc ký chính danh chủ đầu tư và nếu không nhận được nhà, thì số tiền đặt cọc sẽ như thế nào? Một môi giới trong nhóm Trần Văn Anh cho biết: “Về bản chất, chủ đầu tư đã đẩy cho bọn em để nhận các khoản phí dịch vụ ấy. Nếu anh lo lắng về khoản tiền đặt cọc, bọn em sẽ đưa anh đến gặp chủ đầu tư. Bọn em sẽ ký hợp đồng tư vấn hồ sơ với anh và có phiếu thu tiền. Bọn em sẽ ký thưởng phạt với anh, nếu không được, bọn em sẽ mất gấp đôi số tiền anh bỏ ra”.

Sàn bất động sản là sân sau của chủ đầu tư?

Như để khẳng định thêm sự tin tưởng và thuyết phục khách hàng xuống tiền đặt cọc, môi giới Trần Văn Anh khẳng định: “Sàn bên em lập ra gần như chỉ là sân sau của họ (chủ đầu tư - PV) thôi. Chứ còn chủ đầu tư chỉ có 4 người ngồi ở phòng kinh doanh làm sao mà hướng dẫn được. Sàn bên em là sàn bất động sản MB Housing là sân sau của chủ đầu tư”.

Để tác động thêm cho khách đặt hàng nhanh,một môi giới trong nhóm này cho biết: “Nếu anh lấy căn cứ đặt cọc cho bọn em 20 triệu đồng để giữ căn, sau đó anh làm hoàn thiện hồ sơ, chứ chờ hoàn thiện hồ sơ thì lấy đâu ra căn nữa. Bọn em đang có thông báo tăng phí dịch vụ lên 120 triệu đồng. Tức là mua chọn căn không chọn tầng, chọn tòa là 80 triệu đồng, còn chọn tầng, chọn tòa là 120 triệu đồng. Đây là tăng tiền phí chọn căn thôi, còn giá gốc thì vẫn thế, đến cả lúc cất nóc luôn. Nhưng tiền phí có thể chênh lên 200 - 300 triệu đồng. Nói cho anh biết đây là giai đoạn đầu nên mới có giá dịch vụ rẻ như thế này”.

Dự án nhà ở xã hội IEC Thanh Trì được rao bán như nhà ở thương mại ảnh 2

Các môi giới cho biết là "sân sau" của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và cơ điện IEC

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, dự án nhà ở xã hội không được phép bán theo kiểu nhà ở thương mại. Việc mở bán như nhà ở thương mại là vi phạm pháp luật.

Liên hệ đến Phòng Quản lý đô thị huyện Thanh Trì để phản ánh sự việc tại dự án nhà ở xã hội IEC, phóng viên được đại diện phòng này cho biết: “Nhờ anh cung cấp thông tin để báo cáo lãnh đạo huyện phân công công an để có hướng xử lý. Nếu ai sai sẽ phải chịu trách nhiệm”.

Để có thông tin 2 chiều, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản liên hệ với ông Trần Công Hoành, Phó giám đốc phụ trách Dự án nhà ở xã hội IEC qua điện thoại (số máy 097726….) để tìm hiểu thông tin. Ông Hoành cho biết, hiện dự án đã đủ điều kiện mở bán, nhưng Công ty chưa bán, mới tư vấn hồ sơ theo Nghị định 100.

Khi được hỏi việc các môi giới bán hàng ngay tại dự án, ông Hoành cho hay: “Chúng tôi chưa hợp tác với ai cả. Tôi không biết các sàn môi giới này, hiện công an đang hỗ trợ chủ đầu tư dẹp đi”.

Liên quan đến việc rao bán dự án nhà ở xa hội IEC Thanh Trì như dự án nhà ở thương mại, Báo Đầu tư Bất động sản sẽ tiếp tục cung cấp thông tin đến bạn đọc.

Tin bài liên quan