Nhà đầu tư Dự án Nhà máy Điện khí LNG Quảng Ninh sẽ được lựa chọn theo hình thức đấu thầu quốc tế rộng rãi.
Đã có phương án lựa chọn nhà đầu tư
Dự án Nhà máy Điện khí LNG Quảng Ninh vừa có thêm bước tiến mới trong quá trình thực hiện các thủ tục pháp lý để tiến gần đến việc lựa chọn nhà đầu tư.
Cụ thể, tại kỳ họp đầu tiên của HĐND tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2021-2026 mới diễn ra, danh mục các dự án, công trình thu hồi đất và quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất và quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác - đợt 2 của năm 2021 đã được thông qua.
Theo đó, Dự án Nhà máy Điện khí LNG Quảng Ninh có diện tích theo quy hoạch được phê duyệt là 105,74 ha. Trong đó, trong giai đoạn I, diện tích đất thực hiện là 55,88 ha, diện tích đất phải thu hồi là 42,51 ha.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Chủ tịch UBND TP. Cẩm Phả cho biết: “Để nhà đầu tư có thể bắt tay sớm vào việc thực hiện dự án quan trọng này, Thành phố đã và đang tiến hành kiểm đếm, lên phương án đền bù, kế hoạch giải phóng mặt bằng, cũng như tính toán chi phí giải phóng mặt bằng mà nhà đầu tư sẽ phải chi trả. Như vậy, khi nhà đầu tư được phép thực hiện dự án sẽ rút ngắn được rất nhiều thời gian trong khâu giải phóng mặt bằng”.
Liên quan việc lựa chọn nhà đầu tư, theo ông Nguyễn Hồng Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh, sau khi được HĐND thông qua việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, Sở sẽ tiến hành các bước tiếp theo để trình UBND tỉnh phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án. “Sau đó, Dự án sẽ được đấu thầu quốc tế rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư đủ tiềm lực tài chính và năng lực thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư”, ông Dương cho hay.
Trước đó, theo tờ trình bổ sung Dự án vào Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia của tỉnh Quảng Ninh, tỉnh này đề nghị giao Liên danh Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) - Công ty cổ phần Cơ khí và Lắp máy Việt Nam (Colavi) làm nhà đầu tư Dự án Nhà máy Điện khí LNG Quảng Ninh. Đây cũng 2 trong 4 nhà đầu tư đã cùng liên kết để nghiên cứu và đề xuất thực hiện dự án này với chính quyền tỉnh Quảng Ninh.
Ngày 17/10/2020, Dự án Nhà máy Điện khí LNG Quảng Ninh đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 điều chỉnh (Quy hoạch điện VII điều chỉnh).
Đến ngày 19/10/2020, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) và ngài Suga Yoshihide, Thủ tướng Nhật Bản, Tổ hợp nhà đầu tư gồm PV Power, Colavi, Tập đoàn Tokyo Gas và Tập đoàn Marubeni đã ký Biên bản ghi nhớ về việc phát triển Dự án.
Tuy nhiên, khi góp ý cho Dự án Nhà máy Điện khí LNG Quảng Ninh để trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung quy hoạch, Bộ Tài chính cho rằng, việc đánh giá năng lực tài chính và kinh nghiệm, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án nên tuân thủ các quy định của pháp luật đấu thầu. Với thực tế Dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ lên tới 44.000 tỷ đồng và vốn đối ứng của chủ đầu tư chiếm 20%, tương đương 8.800 tỷ đồng, thì việc xem xét, đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư cần tiến hành thận trọng, đảm bảo nhà đầu tư có đủ năng lực và khả năng huy động vốn thực hiện Dự án theo tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, PV Power đang gặp khó khăn trong huy động vốn khi tham gia nhiều dự án điện. Còn Colavi, với vốn chủ sở hữu năm 2017 là 750 tỷ đồng, tổng tài sản 1.754 tỷ đồng, cũng cần bổ sung báo cáo tài chính các năm tiếp theo và phương án huy động vốn để tăng nguồn vốn chủ sở hữu, tổng tài sản nhằm đảm bảo đủ vốn tham gia góp 20% khi xây dựng dự án này.
Dự án trọng điểm của Quảng Ninh
Nhà máy Điện khí LNG Quảng Ninh sẽ là dự án nhà máy điện sử dụng khí LNG nhập khẩu đầu tiên của miền Bắc. Với công suất dự kiến là 1.500 MW, dự án này sẽ tiếp tục khẳng định, Quảng Ninh là một trung tâm sản xuất điện lớn của cả nước.
Dự án sẽ được đấu thầu quốc tế rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư đủ tiềm lực tài chính và năng lực thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư.
Ông Nguyễn Hồng Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh
Theo tính toán của Bộ Công thương, giai đoạn 2021-2030, hệ thống điện miền Bắc sẽ bị thiếu khoảng 6.000 MW. Nguyên nhân là Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả 3 công suất 440 MW và Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 3 công suất 600 MW do TKV làm chủ đầu tư dự kiến sau năm 2029 mới đưa vào vận hành; các nhà máy điện mặt trời được bổ sung quy hoạch rất ít, công suất nhỏ, khó có khả năng phát triển; với điện gió thì chưa có nhà máy nào được đưa vào vận hành…
Từ thực trạng trên, việc đưa vào vận hành Nhà máy Điện khí LNG trong giai đoạn này sẽ tăng cường đáng kể khả năng cung cấp điện cho miền Bắc nói riêng và hệ thống điện quốc gia nói chung. Xuất phát từ thực tiễn nhu cầu điện của quốc gia, việc xây dựng một nhà máy điện khí được cho là phù hợp với sự phát triển chung của các địa phương.
Các tính toán, nghiên cứu cho thấy, trong bối cảnh nhiên liệu than gần cạn kiệt, việc sử dụng LNG sẽ là xu hướng tất yếu trong tương lai. Mặt khác, LNG là dạng năng lượng có phát thải thấp, nên khi đi vào vận hành, dự án này không chỉ đáp ứng nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, mà còn đáp ứng các tiêu chí về môi trường, góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính theo đúng chủ trương mà tỉnh Quảng Ninh đã đặt ra. Đặc biệt, trong 25 năm vận hành, Dự án sẽ đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 58.000 tỷ đồng.
Ông Bùi Quang Sơn, Trưởng phòng Quản lý năng lượng thuộc Sở Công thương Quảng Ninh cho biết, sau khi Nhà máy Điện khí LNG Quảng Ninh vận hành đầy đủ 2 tổ máy vào năm 2026-2027, tỉnh Quảng Ninh sẽ duy trì lượng công suất dư thừa khoảng 5.800 - 6.600 MW, đảm bảo cung cấp điện an toàn và ổn định cho trung tâm phụ tải Hà Nội và các khu vực lân cận.