Những cuốn sổ đỏ “trôi nổi”
Theo đơn thư phản ánh của 63 hộ dân tại thôn 9 xã Quảng Đại, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), mặc dù sinh sống trên mảnh đất thổ cư đã bao đời, nhưng họ lại không được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Trong khi đó, thực tế có tồn tại 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mà phần diện tích, số lô và số thửa chồng lấn lên một số thửa đất của các hộ đang ở. Những giấy chứng nhận này đã từng được UBND xã Quảng Đại sử dụng để tham gia góp cổ phần với CTCP Hà Thanh để thực hiện Dự án Khu du lịch nghỉ mát Nam Sầm Sơn.
Để tìm hiểu rõ nội dung trên, mới đây, phóng viên Đầu tư Bất động sản đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND xã Quảng Đại. Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Quảng Đại cho biết, việc tồn tại 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên, chính quyền xã hiện tại mới “được biết” qua đơn thư tố cáo của công dân. Sau đó, UBND xã Quảng Đại đã mời các ông Hoàng Văn Mùa, nguyên Chủ tịch UBND xã đã nghỉ hưu năm 2009, ông Phạm Văn Hiệu nguyên cán bộ địa chính xã, lên đối chất để tìm hiểu rõ nguyên nhân. Cụ thể, vào thời điểm năm 1995, UBND xã có triển khai xây dựng khoảng 10 phòng học cho trường tiểu học, việc xây dựng này do Công ty Tam Hồng (Vĩnh Phúc) thi công. Khi thực hiện xây dựng được 6 phòng học thì nguồn kinh phí của xã hết, trong khi đó phần nợ lại phía Công ty Tam Hồng còn khá nhiều. “Thời điểm đó, lãnh đạo UBND xã đã dùng 3 thửa đất trên để bán lại cho ông Giám đốc Công ty Tam Hồng với mục đích thanh toán khoản nợ đọng từ việc xây dựng trường học”.
Ông Chủ tịch xã Quảng Đại cho biết thêm, trên thực tế có tồn tại khoảng 55 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bao gồm cả 3 giấy chứng nhận nêu trên) chồng lấn lên diện tích đất của các cư dân và đã được những người từ địa phương khác đứng ra mua để góp vào làm cổ phần với Công ty Hà Thanh thực hiện dự án. “Tuy nhiên, những giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này lại không nằm trong bản đồ địa chính của xã”, ông Sơn nói.
Trong văn bản trả lời công dân thôn 9, do ông Sơn ký có nêu về thời điểm năm 1994. Theo đó, được sự đồng ý của UBND huyện Quảng Xương, xã Quảng Đại có bán một số diện tích đất ven biển, trong đó có đất thổ cư, đất lâm nghiệp, đất cồn bãi và đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một số người đã mua, nhưng thực tế không thực hiện giao đất trên thực địa. Vì vậy, số người có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng không thực hiện được chủ quyền về đất.
… và những khuất tất
Theo tìm hiểu của Đầu tư Bất động sản, trong Phương án kinh tế - tài chính Khu dự án du lịch của CTCP Hà Thanh (giai đoạn 2004 - 2010) đưa ra từ tháng 8/2008 có nội dung ghi có 69 suất (cổ đông) tham gia góp vốn bằng tiền mặt và bằng quyền sử dụng đất, trong đó có 8 suất của xã “gửi” đóng góp, mỗi xuất giá trị 3 triệu đồng tiền mặt và quyền sử dụng 300 m2 đất (số tiền để mua số đất này được tính tương đương 150 triệu đồng/suất).
Lãnh đạo UBND xã Quảng Đại thừa nhận có việc đưa ra phương án huy động 8 cán bộ địa phương vào làm thành viên của Công ty Hà Thanh để tạo thuận lợi cho việc phát triển đầu tư xây dựng Khu du lịch Nam Sầm Sơn, đồng thời cũng tạo cơ hội quyền lợi cho cán bộ xã khi Dự án được triển khai. Tuy nhiên, vấn đề cũng mới dừng lại ở phương án dự thảo (?!).
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Trần Văn Công, Phó chủ tịch UBND huyện Quảng Xương cho rằng, việc cấp sổ đỏ nêu trên diễn ra vào thời điểm năm 1994, khi ông còn là cán bộ cấp phòng. “Chúng tôi chưa nhận được đơn thư của công dân phản ánh về những vấn đề này. Nếu có, huyện sẽ cho thanh tra rồi mới kết luận cụ thể”, ông Công nói và cho biết thêm, UBND huyện Quảng Xương đã có công văn đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa chấm dứt hiệu lực của quyết định về việc phê duyệt cơ chế giao đất cho CTCP Hà Thanh đối với dự án này.
Hiện những người dân thuộc xã bãi ngang ven biển đang ngày đêm mong ngóng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, để có đủ điều kiện về tài sản làm thủ tục thế chấp vay vốn ưu đãi của Nhà nước, phục vụ cho sản xuất… Đây là những nguyện vọng chính đáng, nhưng điều đó vẫn còn quá xa vời bởi những việc làm khuất tất của cán bộ địa phương và một chiếc “bánh vẽ” khổng lồ đang bao phủ lên khắp xóm nghèo.