Nhu cầu tăng trở lại
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, tiêu thụ điện trong 4 tháng đầu năm 2018 đạt mức tăng trưởng 11,08%, cao hơn so với mức 9,2% của cùng kỳ năm 2017. Như vậy, tăng trưởng tiêu thụ điện đã quay trở lại mức 2 con số.
Sản lượng điện ngày lớn nhất trong 4 tháng đầu năm 2017 đạt 598,2 triệu kWh và công suất lớn nhất toàn hệ thống là 28.763 MW, thì sang năm năm 2018 đã có sự bứt tốc với sản lượng ngày cao nhất đạt 646,5 triệu kWh (ngày 13/4/2018) và công suất tiêu thụ toàn hệ thống điện lớn nhất đạt 30.720 MW (ngày 24/4/2018).
Điều này cũng đặt ra những thách thức mới trong việc đảm bảo nguồn điện cho nền kinh tế trong thời gian tới khi trong 2 năm trở lại đây, số lượng dự án điện được triển khai xây dựng mới giảm đáng kể.
BOT cũng khó
Dự án Nhiệt điện than Nghi Sơn 2 (1.200 MW), được đầu tư theo hình thức xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT), vừa đạt được thỏa thuận vay vốn với các tổ chức tín dụng trong nửa cuối tháng 4/2018, để tiến tới khởi công. Ở dự án này, chủ đầu tư đã đi vay 1,869 tỷ USD trong tổng mức đầu tư 2,793 tỷ USD.
Đáng nói là, chỉ vài tháng trước, vẫn có những tổ chức tín dụng từ chối cho BOT Nghi Sơn 2 vay vốn bởi những ràng buộc liên quan đến các chính sách về nhiệt điện than.
Để chốt được tài chính cho BOT Nghi Sơn 2 với sự tham gia đầu tư của Marubeni (Nhật Bản) và Kepco (Hàn Quốc), công lao của hai tổ chức tài chính làNgân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM) không hề nhỏ.
Theo kế hoạch, sau khi hoàn tất đàm phán một số tồn tại, Dự án sẽ bước vào khâu xây dựng, với mục tiêu vận hành tổ máy số 1 vào năm 2021.
Thu xếp tài chính là một công việc không dễ với các dự án đầu tư phát triển nguồn điện tại Việt Nam. Nhìn lại quãng đường kể từ lúc phát hồ sơ mời thầu Dự án BOT Nghi Sơn 2 đến nay, đã 10 năm trôi qua.
Trước BOT Nghi Sơn 2, có BOT Hải Dương 1 được cấp phép từ năm 2011, nhưng sau nhiều thời gian cho việc chuyển đổi chủ đầu tư và thu xếp tài chính, tới tận tháng 1/2016, Dự án mới đóng được tài chính và đang thực hiện các bước liên quan đến phần thiết kế xây dựng nhà máy, với mục tiêu tổ máy 1 vào hoạt động trong năm 2020.
Hai dự án BOT khác đã được cấp phép trong năm 2017 cùng với BOT Nghi Sơn 2, là Nhiệt điện Nam Định 1 và Nhiệt điện Vân Phong 1, đến nay vẫn đang triển khai các thủ tục, giấy tờ. Theo kế hoạch đầy lạc quan, Dự án BOT Nam Định 1 và Vân Phong 1 phải sang năm 2019 mới hoàn tất thu xếp tài chính.
Trong nước cũng khó
Năm 2018, EVN chỉ dự tính đưa vào vận hành thêm 2 nguồn điện mới với công suất 760 MW, đó là Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng (660 MW) và Thủy điện Sông Bung 2 (2 x 50 MW). Năm 2019, EVN cũng chỉ dự kiến đưa vào vận hành thêm khoảng 700 MW nguồn điện mới.
Trong khi đó, theo tính toán của các chuyên gia, để đảm bảo tăng trưởng điện năng ở mức 10%/năm, thì mỗi năm cần có thêm 3.000 - 4.000 MW nguồn điện mới và EVN được xác định là trụ cột của ngành điện.
Bởi vậy, nhiều chuyên gia đã nhắc tới câu chuyện đảm bảo điện cho nền kinh tế giai đoạn 2019 - 2021 với vẻ thận trọng, bởi nếu khởi công các nguồn điện mới ngay năm 2018, thì nhanh nhất cũng phải tới năm 2022 mới có nguồn điện bổ sung lên hệ thống.
Dự án điện có quy mô lớn do các doanh nghiệp nội địa triển khai đang được chú ý nhất hiện nay là Nhiệt điện Quảng Trạch 1, công suất 1.200 MW của EVN. Vốn là dự án được giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư, nhưng với thực tế đuối sức của nhà đầu tư cũ, EVN đã trở thành nhà đầu tư mới.
Ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN cho hay, EVN đã đàm phán xong với tổ hợp các ngân hàng thương mại trong nước gồm Vietcombank, VietinBank và BIDV cho khoản vay 27.100 tỷ đồng để triển khai Dự án Quảng Trạch 1.
“Khoản vay của 3 ngân hàng trong nước này không cần có bảo lãnh của Chính phủ và chiếm tới 70% nguồn vốn để thực hiện Dự án. Phần còn lại là vốn của EVN”, ông Tri cho biết.
Dẫu vậy, Quảng Trạch 1 cũng chưa chốt được ngày khởi công, bởi còn lựa chọn công nghệ cho phù hợp với yêu cầu môi trường và khả năng chịu đựng của giá điện.
Tại 3 dự án khác đang được xây dựng của PVN là Thái Bình 2 (600 MW), Long Phú 1 (1.200 MW) và Sông Hậu 1 (1.200 MW), tiến độ vận hành thương mại các tổ máy đều chưa có câu trả lời chính xác khi nhìn vào hiện trạng bị đóng băng hoặc triển khai rất chậm do có nhiều vướng mắc giữa các quy định hiện hành.
Thực tế này cũng đe dọa khả năng đảm bảo đủ và ổn định điện trong 1 - 3 năm tới, khi nền kinh tế đang có dấu hiệu tăng mạnh trở lại như từ đầu năm đến nay.