Dự án Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò chưa hoàn thành do gặp nhiều vướng mắc.
Nhiều vướng mắc khó tháo gỡ
Dự án Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò được kỳ vọng khi hoàn thành, dòng sông Cổ Cò sẽ trở thành tuyến du lịch đường thủy, tạo bộ mặt mới cho bức tranh đô thị từ Đà Nẵng về Hội An, tăng cường khả năng thoát lũ, làm đẹp cảnh quan hai bên lòng sông.
Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai việc nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò đoạn qua Quảng Nam vẫn chưa thể hoàn thành do gặp nhiều vướng mắc.
Được biết, Dự án Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò có tổng vốn đầu tư 1.230 tỷ đồng, gồm 2 dự án thành phần.
Cụ thể, Dự án thành phần 1 được tỉnh Quảng Nam phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2018. Khối lượng thực hiện gồm nạo vét đoạn sông từ Km0 - Km14 đạt tiêu chuẩn sông cấp IV, xây dựng cầu Nghĩa Tự, cầu Nguyễn Duy Hiệu, tổng mức đầu tư 850 tỷ đồng.
Dự án thành phần 2 (HA/W3) được phê duyệt năm 2020 với tổng mức đầu tư 380 tỷ đồng, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Khối lượng thi công gồm xây dựng cầu Thôn 3 và nạo vét 5,46 km lòng sông.
Ông Nguyễn Văn Thường, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam cho biết, tính đến nay, dự án đã thi công hoàn thành cầu Nguyễn Duy Hiệu vào tháng 4/2022, song vẫn chưa thi công mở rộng nút giao đường Nguyễn Chí Thanh (TP. Hội An).
Theo ông Thường, hiện sông Cổ Cò đoạn qua TP. Hội An còn vướng 2 hồ tôm, 4 thửa đất lúa, 4 lồng bè, 1 rớ quay. Tại khu vực cầu Nguyễn Duy Hiệu còn vướng 3 thửa đất mở rộng nút giao Nguyễn Chí Thanh, đã phê duyệt giá đất cụ thể.
Đối với cầu Nghĩa Tự đã thi công xong phần hạ bộ (gồm trụ P1, P2, mố M1, M2) và đang triển khai thi công các đốt K1-K10 của trụ P2, dự kiến hợp long phần cầu trước 31/12/2024. Phần đường dẫn còn vướng mặt bằng, chưa triển khai thi công.
Phần nạo vét luồng, đến nay đoạn qua TP. Hội An (Km0 - Km9+500) thi công được khoảng 423.000/680.000m3 (đạt 62%); đoạn qua thị xã Điện Bàn (Km9+500 - Km14) thi công được khoảng 342.000 m3/720.000 m3 (đạt 48%).
"Đối với các công trình kết nối qua sông như đập ngăn mặn Para, cầu ông Điền (cũ), cầu ông Tú, hiện nay không thể tháo dỡ vì lý do hạ tầng của các Khu đô thị hai bên sông Cổ Cò chưa đầu tư hoàn chỉnh, các đường dọc sông chưa khớp nối nên chưa dẫn đến các cầu đã đầu tư mới", ông Thường cho hay.
Ông Trần Nam Hưng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (áo xanh) kiểm tra, chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc của dự án. |
Bên cạnh việc vướng mắc về giải phóng mặt bằng, tái định cư, dự án này còn đang gặp khó khăn về đấu giá cát sau nạo vét, đến nay đã nhiều lần đưa ra đấu giá nhưng không thành.
Mới đây, đơn vị đã làm việc với Tư vấn lập giá để xác định đúng phương pháp xác định giá, tuy nhiên, Sở Tài chính không thẩm định và đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục thuê đơn vị tư vấn khác lập lại giá khởi điểm.
"Việc này sẽ dẫn đến kéo dài lâu trong khâu thẩm định và bán đấu giá cát. Đồng thời, hiện nay các nhà đầu tư cho mượn mặt bằng tạm để chứa cát sau nạo vét liên tục có văn bản đòi giải toả cát và trả mặt bằng để đơn vị sử dụng vào mục đích đầu tư hạ tầng, thậm chí còn đòi kiện ra Toà. Mặt khác, nếu không bán được và vận chuyển đi sẽ không có mặt bằng tiếp tục thi công nạo vét phần cát còn lại dưới lòng sông", ông Thường chia sẻ.
Tháo gỡ vướng mắc
Để dự án sớm có mặt bằng để thi công hoàn thành, thông suốt dòng sông từ Cửa Hàn (Đà Nẵng) vào Cửa Đại (Hội An - Quảng Nam), ông Thường kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo thị xã Điện Bàn tập trung cao cho lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng. Khẩn trương lập điều chỉnh quy hoạch đảm bảo cho 10 hộ tái định cư tại chỗ.
Đồng thời, chỉ đạo các nhà đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật hai bên dọc sông, đảm bảo đồng bộ gắn kết với việc đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị 2 bờ sông theo quy hoạch để tạo cảnh quan.
Việc đấu giá cát sau khi nạo vét cũng gặp nhiều khó khăn. |
Ngoài ra, giao nhiệm vụ cho đơn vị lập các thủ tục chuẩn bị đầu tư để sớm triển khai tiếp đoạn nạo vét luồng Km14 - Km19+456 trong Trung hạn 2021 - 2025 hoặc 2026 - 2030. Đặc biệt, chỉ đạo Sở Tài chính tích cực phối hợp hướng dẫn để sớm triển khai đấu giá cát sau nạo vét.
Tại buổi kiểm tra tình hình triển khai thực hiện dự án Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò ngày 6/9, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Nam Hưng yêu cầu phải đẩy nhanh việc nạo vét, khó ở đâu tháo gỡ ở đó.
Liên quan đến việc giải phóng mặt bằng qua địa phận Hội An, ông Trần Nam Hưng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường ngay trong tháng 9 ban hành những hướng dẫn mới nhất về Luật Đất đai để các đơn vị sớm triển khai theo quy định.
Về đấu giá cát sau nạo vét, ông Hưng đề nghị Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam sớm tìm đơn vị thẩm định lại giá cát, đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan tìm phương án phù hợp.
Bên cạnh đó, ông Trần Nam Hưng đề nghị thị xã Điện Bàn xem xét vận dụng phương án bồi thường, hỗ trợ hợp tình, hợp lý.
Phó chủ tịch UBND tỉnh giao UBND thị xã Điện Bàn hoán đổi đất tái định cư tại dự án Khu dân cư Thống nhất (giai đoạn 2) để phù hợp với quy định, không ảnh hưởng đến nhà đầu tư. Đồng thời, thị xã Điện Bàn tiếp tục khẩn trương triển khai việc bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng dự án đường dẫn cầu Nghĩa Tự theo thông báo kết luận trước đó.
Ngoài ra, địa phương này cũng phải quản lý tốt hiện trạng các khu vực đã giải phóng mặt bằng để đảm bảo triển khai các phần việc tiếp theo của dự án nạo vét sông Cổ Cò.