Điện mặt trời dịch chuyển ra Bắc
Dữ liệu từ các đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, các khu công nghiệp phía Bắc đang nhận được sự quan tâm từ khối FDI, nhất là trong các lĩnh vực mang hàm lượng công nghệ cao.
Có thể gọi tên các dự án nhóm này như nhà máy công nghệ chính xác Fulian Precision Technology (Singapore) trị giá 621 triệu USD và sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời của LONGi Green Energy Technology Co. Ltd (Trung Quốc) trị giá 140 triệu USD tại Bắc Giang; nhà máy sản xuất máy vi tính, điện tử và sản phẩm điện quang của Goerteck Co. Ltd. (Hồng Kông - Trung Quốc) trị giá 280 triệu USD tại Bắc Ninh; nhà máy máy móc và thiết bị của Boltun Corp & QST International Corp. (Đài Loan - Trung Quốc) trị giá 165 triệu USD và nhà máy sản xuất linh kiện ô tô của Autoliv Vietnam (Thụy Điển) trị giá 154 triệu USD tại Quảng Ninh…
Các dữ liệu thống kê cũng cho thấy, trong giai đoạn 2016-2022, kim ngạch xuất khẩu điện tử, máy tính và điện thoại của Việt Nam tăng lần lượt 193% và 68%, trong đó phía Bắc là nơi tụ hội của các nhà xuất khẩu lĩnh vực này. Giới chuyên gia cho rằng, điều này phản ánh việc Việt Nam đang tiến tới chuỗi giá trị với tư cách là nền kinh tế định hướng xuất khẩu đối với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Theo đánh giá của Savills, phân theo vùng kinh tế có thể thấy, tại vùng kinh tế phía Bắc, các lĩnh vực nhận được vốn đầu tư mới chủ đạo là máy vi tính, điện tử và các sản phẩm điện, chiếm 19% tổng vốn đầu tư toàn vùng; tiếp đó là thiết bị điện với 15%; sản phẩm từ cao su, nhựa chỉ ở mức 5% và xe cơ giới là 4%. Trong khi đó, tại khu vực kinh tế phía Nam, các sản phẩm từ cao su và nhựa có lượng vốn đầu tư lớn nhất, chiếm 10% tổng vốn đầu tư sản xuất toàn vùng; sản xuất, chế tạo từ kim loại chiếm 4% và nước uống chiếm khoảng 3%.
Ngoài ra, theo Savills, các nhà sản xuất và năng lượng mặt trời đang có xu hướng dịch chuyển về phía Bắc. Ba trong số năm dự án sản xuất hàng đầu ở khu Kinh tế phía Bắc vào năm 2022 thuộc lĩnh vực liên quan tới năng lượng mặt trời. Trong số 30 nhà sản xuất sản phẩm năng lượng mặt trời trên cả nước, 77% ghi nhận tại khu kinh tế phía Bắc và chỉ 23% ở khu kinh tế phía Nam. Trong đó, Trina Solar là nhà đầu tư lớn nhất với dự án quy mô 275 triệu USD tại Khu công nghiệp Yên Bình, tỉnh Thái Nguyên. Các nhà đầu tư phần lớn đến từ Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore.
Nửa đầu năm 2023, nhà sản xuất mô-đun năng lượng mặt trời Thornava Solar của Hoa Kỳ cũng bắt đầu sản xuất tại nhà máy hiện đại với công suất hàng năm là 1 gW tại Khu công nghiệp Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Trong năm 2023, Tập đoàn tư nhân Việt Nam AD Green khánh thành nhà máy công suất 3 gW trị giá 45 triệu USD, sản xuất các tấm pin mặt trời cho thị trường trong và ngoài nước. Cơ sở này có diện tích gần 8 ha tại Cụm công nghiệp An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.
Lợi thế từ vị trí
Để khuyến khích đầu tư nhà máy điện mặt trời tại miền Bắc, theo Bộ Công thương, cần có cơ chế khung giá cao hơn so với 2 miền còn lại, tức là khung giá phát điện sẽ được xác định trên cơ sở cường độ bức xạ mặt trời của từng miền.
Ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao Bộ phận Dịch vụ Tư vấn công nghiệp, Savills Hà Nội nhận định, khu kinh tế phía Bắc sở hữu vị trí chiến lược, tiếp cận thuận lợi tới các thị trường trong nước và quốc tế. Trong 5 năm qua, hạ tầng tại khu vực này cải thiện rõ rệt với hàng loạt dự án cao tốc nối liền 3 cảng chính gồm cảng Hải Phòng, cảng nước sâu Lạch Huyện và cảng Cái Lân. Thêm vào đó, khu kinh tế phía Bắc sở hữu quỹ đất dồi dào, đáp ứng nhu cầu về diện tích của các khách thuê hoạt động trong lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, tạo sức hút nhiều dự án đầu tư lớn về lắp ráp ô tô, linh kiện điện tử và sản phẩm năng lượng mặt trời.
Một ưu điểm khác cũng được nhiều nhà đầu tư đề cao, đó là mức độ hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ kinh tế, thương mại với khoảng 224 đối tác đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Điều này tạo cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam mở rộng sự hiện diện trên thị trường. Việt Nam đồng thời sở hữu lực lượng lao động dồi dào, bao gồm lực lượng lao động có tay nghề cao, kèm chi phí lao động cạnh tranh. Đáng chú ý, thời gian qua, Chính phủ đưa ra nhiều ưu đãi về thuế và chiến lược năng lượng sạch để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, tạo thêm hấp lực đầu tư tại Việt Nam trong tương quan với các thị trường lân cận.
Theo chuyên gia từ Công ty TNHH Năng lượng thông minh Hoàng Gia, lý do khiến các khu công nghiệp phía Bắc thu hút các dự án điện mặt trời, bên cạnh lượng bức xạ mặt trời lớn, còn do hệ thống hạ tầng điện lưới tại đây được đánh giá ổn định, tạo nền tảng cho hệ thống điện mặt trời phát triển.
Đồng quan điểm, chuyên gia của Công ty cổ phần Giải pháp và Dịch vụ viễn thông SPN cho hay, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có lượng bức xạ năng lượng khá cao từ 2.000-2.600 giờ/năm. Trung bình, tổng bức xạ năng lượng mặt trời ở Việt Nam vào khoảng 5kW/h/m²/ngày tại khu vực miền Trung và Nam, khoảng 4kW/h/m²/ngày tại khu vực phía Bắc. Ước tính sự chênh lệch giữa số giờ nắng tại miền Bắc và miền Nam Việt Nam là 13% tổng giờ nắng/năm và dù số giờ nắng tại miền Bắc Việt Nam ít hơn 2 miền còn lại từ 10-15%, nhưng lại cao hơn nhiều nước châu Âu vốn rất phát triển về điện mặt trời như Đức, Thụy Điển, Na Uy, Thụy Sĩ, Anh , Hà Lan… Do đó, mức giờ nắng thấp hơn 10-15% tại miền Bắc là không đáng kể vì tuổi thọ tấm pin năng lượng phổ biến là trên 25 năm, tính ra sản lượng điện mỗi năm ít hơn so với khu vực nắng cao như ở miền Nam thì chỉ làm tăng thời gian hoàn vốn lên khoảng 1 năm .
Bộ Công thương vừa hoàn thiện dự thảo mới nhất Thông tư quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió để lấy ý kiến rộng rãi từ thị trường. Quy hoạch điện VIII cũng ưu tiên phát triển năng lượng mặt trời tại miền Bắc, nơi có cường độ bức xạ mặt trời thấp hơn so với miền Trung và Nam. Do đó, để khuyến khích đầu tư nhà máy điện mặt trời tại khu vực này, theo Bộ Công thương, cần có cơ chế khung giá cao hơn (do sản lượng điện năng nhận được thấp) so với 2 miền còn lại, tức là khung giá phát điện sẽ được xác định trên cơ sở cường độ bức xạ mặt trời của từng miền.
Theo các chuyên gia, cùng với các lý do nói trên, trong bối cảnh nguồn điện khu vực miền Bắc đang gặp khó khăn, việc đề xuất cơ chế phát triển nhanh các nguồn năng lượng tái tạo tại đây được xem là một trong những giải pháp phù hợp. Đồng thời, đề xuất này cũng theo đúng chủ trương thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, cũng như thực hiện đúng tinh thần cam kết của Việt Nam tại COP26. Đây là lý do khiến nhiều nhà đầu tư chủ động phát triển các dự án ở khu vực phía Bắc.