Nhà đầu tư “tha thiết” muốn làm dự án
Ngay sau khi TP.HCM công bố sẽ đầu tư 5 dự án BOT đường bộ thực hiện theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98/2023/QH15, trong tháng 12/2023, hàng loạt nhà đầu tư đã gửi đề xuất đến UBND TP.HCM với mong muốn được chấp thuận nghiên cứu dự án.
Trong số 5 dự án BOT được chấp thuận đầu tư theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98/2023/QH15, thì Dự án Nâng cấp đường trục Bắc - Nam (đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành) đang nhận được ít nhất 3 đề xuất của liên danh các nhà đầu tư. Họ đã có kinh nghiệm thi công các dự án lớn như: Dự án cao tốc đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt; cầu Cửa Đại; BOT Vân Đồn - Móng Cái; cầu Mỹ Thuận 2…
Cụ thể, danh sách các nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu dự án trên gồm: Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An (TAG) - Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng 168 Việt Nam - Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng Bắc Trung Nam; Liên danh Công ty cổ phần Xây dựng công trình giao thông Thái Sơn - Công ty TNHH Xây dựng Phú Vinh - Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Quý Vương; Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Phương Anh.
Sau khi nhận được đề xuất của hàng loạt doanh nghiệp, Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM cho biết, căn cứ quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), trong quá trình lập dự án đầu tư, cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án sẽ tổ chức khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư, bên cho vay (nếu có); đồng thời thực hiện công bố dự án, mời thầu và lựa chọn nhà đầu tư công khai, minh bạch theo quy định.
Công văn do ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM ký trả lời các nhà đầu tư cũng thông tin rằng, Sở sẽ tổ chức khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư đối với dự án, thực hiện song song với quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả vào quý IV/2024, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư vào quý III/2025.
Vì sao dự án hấp dẫn?
Dự án Nâng cấp đường trục Bắc - Nam (đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành) có chiều dài 8 km, đi qua quận 7 và huyện Nhà Bè, dự kiến được mở rộng lên 60 m. Theo phương án được Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM đề xuất, tổng mức đầu tư của Dự án là 4.473 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố sẽ tham gia với tỷ lệ 50% để giải phóng mặt bằng, 50% còn lại do nhà đầu tư thu xếp để thi công phần xây lắp.
Việc nhà đầu tư chỉ cần bố trí 50% vốn tại Dự án được coi là khá “vừa miếng” với năng lực của các doanh nghiệp trong bối cảnh nguồn vốn vay tại các dự án BOT bị các ngân hàng siết lại.
Theo kế hoạch từ nay đến quý III/2025, sẽ thực hiện các bước chuẩn bị, dự kiến khởi công xây dựng công trình vào quý IV/2025 hoặc quý I/2026, dự kiến hoàn thành công trình và đưa vào khai thác từ năm 2027 đến 2028.
Việc có hàng loạt nhà đầu tư quan tâm cho thấy sự hấp dẫn của Dự án Nâng cấp đường trục Bắc - Nam. Đầu tiên, dự án này có chiều dài và tổng mức đầu tư “nhẹ” hơn so với các dự án BOT khác, nên khá phù hợp với liên danh các nhà đầu tư. Hơn nữa, vốn ngân sách TP.HCM đã tham gia 50% vào khâu giải phóng mặt bằng (khâu khó nhất), còn nhà đầu tư sẽ phụ trách phần xây lắp và chỉ cần thu xếp được 50% vốn.
Và quan trọng hơn, đường trục Bắc - Nam đóng vai trò vô cùng to lớn là trục giao thông kết nối giữa đường Vành đai 2, Vành đai 3, TP.HCM với cảng Hiệp Phước và các khu công nghiệp trên địa bàn TP.HCM và Long An. Do đó, khi hoàn thành, với lượng xe chở hàng rất lớn, việc thu phí để hoàn vốn dự án này sẽ rất nhanh.
Dự án Mở rộng Quốc lộ 13 chưa nhận được sự quan tâm nào
Trong khi Dự án Nâng cấp đường trục Bắc - Nam nhận được khá nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư, thì Dự án Mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương) chưa nhận được sự quan tâm nào của doanh nghiệp. Trước đây, dự án này đã được Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) đề xuất
mở rộng, sau đó Dự án phải dừng lại vì Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không cho phép đầu tư dự án BOT trên tuyến đường hiện hữu.
Tuy nhiên, khi Nghị quyết 98/2023/QH15 về cơ chế đặc thù cho phép đầu tư BOT tại TP.HCM, trong một lần trả lời phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII tỏ ra khá thận trọng khi đề cập khả năng quay lại dự án này. Ông cho biết, nếu thực hiện mở rộng cả dự án từ ngã tư Hàng Xanh đến ngã tư Bình Phước, thì CII sẽ không tham gia vì rất khó hoàn vốn. Nhưng Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM tổ chức đấu thầu đoạn từ ngã tư Hàng Xanh đến cầu Bình Triệu, thì CII sẽ tham gia, vì đoạn này có khả năng hoàn vốn rất khả thi.
Và vấn đề mà Tổng giám đốc CII lo ngại hiện nay là Luật Đầu tư theo phương thức PPP bắt buộc tất cả các dự án phải đấu thầu, trong khi để làm được hồ sơ đấu thầu, doanh nghiệp phải trải qua rất nhiều bước và mất rất nhiều thời gian.