Một đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương
Đồng thuận cao
Sau đúng nửa tháng tiến hành tham vấn ý kiến của UBND TP.HCM, UBND 2 tỉnh Long An và Tiền Giang về việc giao cơ quan có thẩm quyền, cuối tuần trước, Bộ GTVT đã có Công văn số 595/BGTVT gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về việc triển khai Dự án Đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức PPP.
Điểm nhấn quan trọng nhất tại Công văn số 595/BGTVT là việc Bộ GTVT tiếp tục kiến nghị lãnh đạo Chính phủ giao bộ này là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện Dự án PPP Đầu tư mở rộng tuyến đường bộ cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận để có cơ sở tổ chức thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong tháng 1/2025 và sớm khởi công Dự án.
Trước đó, trong Thông báo số 558/TB-VPCP ngày 17/12/2024, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ GTVT trao đổi với UBND tỉnh Tiền Giang (hoặc địa phương liên quan), trường hợp thống nhất được việc giao địa phương nào làm cơ quan có thẩm quyền theo chỉ đạo của Thủ tướng, thì trình người đứng đầu Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 1/2025, trên tinh thần đảm bảo thuận lợi và năng lực tổ chức triển khai Dự án trong thời gian sớm nhất.
“Trường hợp Bộ GTVT làm cơ quan có thẩm quyền PPP đầu tư mở rộng tuyến đường bộ cao tốc để đảm bảo phù hợp về năng lực tổ chức triển khai và có thể đẩy nhanh tiến độ đầu tư - thi công, thì cần báo cáo lại Thủ tướng xem xét quyết định”, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo.
Thực hiện yêu cầu trên, cuối tháng 12/2025, đích thân Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh đã ký công văn gửi UBND TP.HCM, UBND 2 tỉnh Long An và Tiền Giang liên quan đến việc giao cơ quan có thẩm quyền triển khai Dự án PPP Đầu tư mở rộng tuyến đường bộ cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.
Theo đó, Bộ GTVT đề nghị UBND TP.HCM, UBND các tỉnh Long An và Tiền Giang có ý kiến về việc tiếp nhận nhiệm vụ là cơ quan có thẩm quyền để tổ chức triển khai thực hiện Dự án. Trường hợp không nhận nhiệm vụ là cơ quan có thẩm quyền, Bộ GTVT đề nghị 3 địa phương nói trên có ý kiến về việc giao một cơ quan làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện Dự án.
Cho đến ngày 16/1, Bộ GTVT đã nhận đủ cả 3 ý kiến phản hồi của các địa phương về việc xác định cơ quan có thẩm quyền Dự án PPP Đầu tư mở rộng tuyến đường bộ cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận. Về cơ bản, cả 3 địa phương có tuyến cao tốc này đi qua đều không muốn “gánh” Dự án và thống nhất việc Bộ GTVT sẽ đóng vai trò cơ quan có thẩm quyền đối với việc mở rộng tuyến cao tốc huyết mạch về miền Tây nói trên.
Trong Công văn số 595/BGTVT, Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho biết, theo quy định của pháp luật về đối tác công tư, pháp luật về đường bộ, việc đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức PPP thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT; trường hợp cần thiết, theo đề nghị của địa phương, Thủ tướng có thể giao địa phương làm cơ quan có thẩm quyền.
Trong điều kiện yêu cầu tiến độ rất gấp, phải phê duyệt chủ trương đầu tư, khởi công Dự án trong quý II/2025 theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, phương án Bộ GTVT làm cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện Dự án sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai, do không cần thực hiện thủ tục thỏa thuận thống nhất giữa các địa phương để báo cáo Thủ tướng quyết định giao một địa phương làm cơ quan có thẩm quyền (dự kiến mất ít nhất từ 1 đến 2 tháng).
Một lợi thế nữa là, do các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT đã phối hợp, hỗ trợ, đồng hành trong quá trình nhà đầu tư đề xuất dự án lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nên có thể rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án.
Đủ điều kiện pháp lý
Cần phải nói thêm, ngay từ tháng 8/2023, để đáp ứng nhu cầu vận tải, phát triển kinh tế - xã hội, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách nhà nước hạn chế, Bộ GTVT đã chủ động phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giao Bộ GTVT nghiên cứu đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương và tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức PPP.
Trong quá trình nghiên cứu đầu tư Dự án, Bộ GTVT đồng thời nhận được đề xuất thực hiện dự án từ 2 nhà đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả và Tổng công ty Xây dựng cảng Trung Quốc (China Harbour Engineering Company Ltd). Thực hiện quy định pháp luật về PPP, Bộ GTVT phải xây dựng phương pháp đánh giá để lựa chọn hồ sơ đề xuất dự án có tính khả thi và hiệu quả cao nhất.
Sau hơn 4 tháng xây dựng tiêu chí, tổ chức đánh giá Hồ sơ đề xuất của các nhà đầu tư, đến tháng 3/2024, Bộ GTVT đã thống nhất giao Liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM - Công ty cổ phần Tasco là nhà đầu tư lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (nhà đầu tư đề xuất) để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, làm cơ sở triển khai thực hiện Dự án.
Trong Công văn số 595/BGTVT, Bộ GTVT cho biết, để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, bộ này đã tổ chức nhiều cuộc họp về phương án đầu tư dự án; đã lấy ý kiến các tỉnh, thành phố nơi dự án đi qua về quy mô và phương án đầu tư dự án làm cơ sở hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án PPP Đầu tư mở rộng tuyến đường bộ cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.
Trên cơ sở ý kiến các địa phương nơi Dự án đi qua, tháng 12/2024, Bộ GTVT đã hoàn thiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án triển khai Dự án với quy mô đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ, bao gồm cả hệ thống điều hành giao thông thông minh - ITS, trạm dừng nghỉ thực hiện theo quy định của Luật Đường bộ.
Lý giải việc quá trình chuẩn bị Dự án chưa đạt tiến độ như kỳ vọng, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, công trình này được nghiên cứu đầu tư trong giai đoạn có nhiều thay đổi về quy hoạch, về pháp luật đầu tư xây dựng ảnh hưởng tới tiến độ chuẩn bị đầu tư công trình, trong đó đáng kể nhất là quy định đầu tư mở rộng tuyến đường hiện hữu theo hình thức hợp đồng BOT.
Cụ thể, theo khoản 4, Điều 45, Luật PPP năm 2020, loại hợp đồng BOT không áp dụng hình thức thu phí trực tiếp từ người sử dụng đối với các dự án cải tạo, nâng cấp công trình hiện hữu. Tuy nhiên, Điều 84, Luật Đường bộ đã sửa đổi quy định tại khoản 4, Điều 45, Luật PPP theo hướng cho phép áp dụng loại hợp đồng BOT đối với các dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng tuyến đường bộ cao tốc sẵn có, trong đó có tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.
Bên cạnh đó, ngày 3/1/2025, trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT, Thủ tướng mới ký Quyết định số 12/QĐ-TTg về việc duyệt điều chỉnh Quy hoạch Mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, điều chỉnh quy hoạch tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương từ 6 làn xe lên 10-12 làn xe (đoạn Bến Lức - Vành đai 4 lên quy mô 12 làn xe, đoạn Vành đai 4 đến Trung Lương lên quy mô 10 làn xe).
Như vậy, thời điểm có đủ điều kiện pháp lý để trình phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án là kể từ ngày 3/1/2025 (sau ngày Luật Đường bộ có hiệu lực và Quy hoạch Mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến 2050 điều chỉnh được phê duyệt).
“Hiện nay, nhà đầu tư đề xuất đã hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án PPP Đầu tư mở rộng tuyến đường bộ cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận trình Bộ GTVT để tổ chức thẩm định phê duyệt trong tháng 1/2025. Tiến độ này cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ”, Bộ trưởng Trần Hồng Minh thông tin.
Quan điểm của 3 địa phương về cơ quan có thẩm quyền triển khai Dự án
UBND TP.HCM: Nếu giao các địa phương là cơ quan có thẩm quyền, sẽ không kịp hoàn thành các thủ tục có liên quan để có thể khởi công Dự án trong quý II/2025 theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà. UBND TP.HCM đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng xem xét, giao Bộ GTVT làm cơ quan có thẩm quyền để tiếp tục tổ chức triển khai Dự án.
UBND tỉnh Tiền Giang: Để đẩy nhanh tiến độ phê duyệt chủ trương đầu tư, khởi công Dự án trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng, đồng thời do Dự án đi qua 3 địa phương, nên để triển khai nhanh, đồng bộ và thuận lợi trên toàn tuyến, UBND tỉnh Tiền Giang đề xuất giao Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai Dự án.
UBND tỉnh Long An: Thủ tướng đang yêu cầu sớm hoàn thành thủ tục để khởi công Dự án trong quý II/2025, vì vậy nếu giao các địa phương, sẽ không thể hoàn thành các thủ tục có liên quan để đảm bảo điều kiện khởi công. Mặt khác, tỉnh Long An đang triển khai thực hiện các dự án như đường Vành đai 3, đường Vành đai 4 và nhiều tuyến đường của tỉnh, nên việc làm cơ quan có thẩm quyền triển khai Dự án sẽ không đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ. UBND tỉnh Long An đề xuất giao Bộ GTVT làm cơ quan có thẩm quyền triển khai Dự án là phù hợp điều kiện thực tế hiện nay.