Dự kiến, Dự án metro Bến Thành - Suối Tiên sẽ được xây dựng trong thời gian 13 năm. Ảnh: Lê Toàn
Hai lần “nới đai” chi phí
Theo Báo cáo giám sát, đánh giá điều chỉnh Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, Bến Thành - Suối Tiên sử dụng vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa được Ban Quản lý đường sắt đô thị thuộc UBND TP.HCM gửi Sở Xây dựng TP.HCM và Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT), Dự án này đã phải điều chỉnh tổng mức đầu tư lần thứ hai.
Theo đó, cách đây đúng hai tháng, Ban Quản lý đường sắt đô thị đã có Quyết định số 178/QĐ – BQLDA ĐSĐT phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh của Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (metro), Bến Thành - Suối Tiên.
Tại lần điều chỉnh vừa được thực hiện, trong khi tổng mức đầu tư bằng tiền yên Nhật không thay đổi thì tổng mức đầu tư quy đổi bằng tiền đồng của Dự án lại tăng đáng kể, từ 47.325 tỷ đồng lên 54.006 tỷ đồng. Trong cơ cấu tổng mức đầu tư mới, phần vốn vay JICA phục vụ các gói thầu xây lắp tăng từ 41.325,2 tỷ đồng lên 48.515 tỷ đồng, vốn đối ứng từ ngân sách thành phố phục vụ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, chi phí quản lý vẫn được giữ ở mức 5.492 tỷ đồng.
“Giá trị tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh đối với cấu phần tiền đồng chỉ nhằm mục đích tham khảo, không dùng để thanh toán và có sự khác biệt so với giá trị được duyệt là do sử dụng tỷ giá thực tế của các gói thầu tại từng thời điểm cụ thể”, ông Hoàng Như Cương, Phó trưởng Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị cho biết.
Không rõ vì lý do gì thông tin về việc tuyến metro do UBND TP.HCM làm chủ đầu tư này phải điều chỉnh tổng mức đầu tư lại không được cập nhật trong các báo cáo của các cơ quan chức năng.
Cụ thể, tại Văn bản số 11812/BGTVT- KHĐT ngày 19/9/2014 của Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai các dự án đường sắt đô thị tại TP.HCM và Hà Nội, tổng mức đầu tư của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên vẫn được chốt ở mức 47.325 tỷ đồng.
Trước đó vào năm 2011, UBND TP.HCM đã phải nâng tổng mức đầu tư của Dự án từ 104,9 tỷ yên (tương đương 14.415 tỷ đồng) lên 236,625 tỷ yên (tương đương 47.325 tỷ đồng), tăng 172% so với tổng mức đầu tư được phê duyệt vào năm 2007, trong đó vốn vay ODA của JICA Nhật Bản là 209,1 tỷ yên và 27,45 tỷ yên vốn đối ứng của từ ngân sách thành phố.
“Từ đầu, các cơ quan Việt Nam không nắm được tiêu chuẩn kỹ thuật nên không quản được, tư vấn nói thế nào mình phải chấp nhận mà hầu như không phản biện”, ông Bùi Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM cho biết tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ các dự án đường sắt đô thị do Bộ GTVT tổ chức vào giữa tháng 9/2014.
Lộ lý do đội vốn
Trong đợt điều chỉnh Dự án tháng 7/2014, để làm không làm thay đổi tổng mức đầu tư bằng tiền yên, Ban Quản lý dự án đã phải điều chỉnh, cơ cấu lại chi phí các gói thầu, trong đó điều chỉnh giảm chi phí dự phòng gói thầu số 2, số 3 và số 1b từ 40 - 50% xuống còn 30%.
Việc cơ cấu lại chi phí này nhằm bù đắp chi phí do gói thầu xây lắp chính 1b do liên danh Shimizu - Maeda (Nhật Bản) trúng thầu với giá bỏ thầu vượt xa giá gói thầu.
Tại gói thầu 1b - xây dựng đoạn ngầm từ nhà ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son sau khi mở thầu vào tháng 3/2013, liên danh Shimizu - Maeda là ứng thầu duy nhất nộp hồ sơ dự thầu với giá bỏ thầu là 24,54 tỷ yên, vượt 30% giá gói thầu được phê duyệt (18,86 tỷ Yên).
Được biết, Ban Quản lý đường sắt đô thị đã tiến hành các thủ tục xử lý tình huống đấu thầu theo quy định pháp luật hiện hành bao gồm việc đàm phán giá với ứng thầu (nhưng không thành công) và đã nhiều lần kiến nghị nhà tài trợ xem xét hủy kết quả đấu thầu vì thiếu sự cạnh tranh. Tuy nhiên, quan điểm của JICA là không thể loại ứng thầu vì quy định của Nhật Bản không khống chế mức giá trần (giá gói thầu).
Chính vì vậy, sau hơn 1 năm cân nhắc, đánh giá, UBND TP.HCM buộc phải có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và được Chính phủ thống nhất chủ trương phê duyệt kết quả đấu thầu gói thầu 1b trên cơ sở điều chỉnh lại giá gói thầu (từ 18,86 tỷ Yên lên 23.445 tỷ Yên) và đề xuất giảm giá dự thầu của Shimizu - Maeda từ 24,54 tỷ Yên xuống còn 23.44 tỷ Yên.
Ngoài việc liên tục để đội tổng mức đầu tư, tiến độ Dự án cũng phải điều chỉnh lại. Theo lãnh đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị, do chậm trễ trong công tác giải tỏa và phải thiết lập lại thiết kế kỹ thuật cho nhà ga ngầm Bến Thành tích hợp giữa các tuyến đường sắt đô thị số 1, số 2, số 3 a và số 4 nên thời gian xây dựng hoàn thành toàn bộ tuyến đường sắt số 1 là năm 2019, đưa vào vận hành vào năm 2020 (thay vì cuối năm 2018 theo kế hoạch).
“Ngay cả khi không có thêm một lần nào nữa vỡ tiến độ, thì tính từ khi UBND TP.HCM phê duyệt báo cáo đầu tư vào tháng 3/2007, Dự án sẽ phải mất 13 năm để hoàn thành - một kỷ lục chậm trễ trong ngành xây dựng”, một chuyên gia đánh giá.