Nhiều khối nhà thô đã xây dựng tại Dự án Golden Hills City nằm phơi mưa nắng suốt nhiều năm qua.

Nhiều khối nhà thô đã xây dựng tại Dự án Golden Hills City nằm phơi mưa nắng suốt nhiều năm qua.

Dự án Khu đô thị sinh thái Quan Nam - Thủy Tú (Đà Nẵng): Xót xa dãi nắng dầm mưa

0:00 / 0:00
0:00
Trong lúc chờ tháo gỡ vướng mắc, hàng loạt hạng mục, công trình tại Dự án Khu đô thị sinh thái Quan Nam - Thủy Tú (tên thương mại là Golden Hills City) với tổng vốn đầu tư 4.447 tỷ đồng nằm phơi nắng phơi mưa, gây lãng phí lớn nguồn lực đất đai.

“Đắp chiếu” suốt nhiều năm

Dự án Golden Hills City tại phường Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) và xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang), do Công ty cổ phần Trung Nam làm chủ đầu tư, có tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 4.447 tỷ đồng. Nằm kề sông Cu Đê và gần Dự án Cảng Liên Chiểu, nơi này được giới kinh doanh bất động sản Đà Nẵng đánh giá là sở hữu vị trí đắc địa với “view triệu đô”.

Quy mô Dự án Golden Hills City thuộc dạng “khủng” tại Đà Nẵng, với khu thương mại dịch vụ 6 tòa nhà cao 25 - 40 tầng, 4 tòa nhà cao 15 - 40 tầng; khu biệt thự gồm 485 căn biệt thự đơn lập, 360 biệt thự song lập; khu căn hộ cao cấp gồm các tòa nhà cao 25 - 40 tầng, diện tích 70 - 120 m2/căn hộ; khu khách sạn, thể thao, vui chơi, giải trí...

Năm 2012, Thanh tra Chính phủ kết luận, Dự án Golden Hills City được Đà Nẵng giao đất, cho thuê đất, cấp phép đầu tư không đúng quy định. Theo đó, UBND TP. Đà Nẵng đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án, nhưng chưa lập thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ cho phép theo quy định. Sau kết luận này, Dự án Golden Hills “đắp chiếu” suốt nhiều năm qua.

Đà Nẵng đã có văn bản gửi Trung ương đề nghị tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho Dự án Golden Hills City. Lãnh đạo Thành phố đã chủ trì buổi làm việc với nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Có mặt tại khu vực Dự án, chúng tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến hàng loạt khối nhà thô đã xây dựng trên diện tích rộng hơn 381 ha đang bỏ hoang, không một bóng người.

Nằm dãi nắng dầm mưa hết năm này sang năm khác, những khối nhà này và các hạng mục khác như đường giao thông, vỉa hè… bị xuống cấp nghiêm trọng. Xung quanh các khối nhà thô cỏ dại mọc um tùm, trở thành nơi chăn bò. Được kỳ vọng sẽ hình thành khu đô thị sinh thái văn minh, hiện đại, nhưng trước cảnh tượng tiêu điều này càng thấy xót xa cho nguồn lực đất đai, xây dựng, đầu tư đang bị lãng phí rất lớn.

Anh Đặng Thanh Trà, người dân phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) cho biết, số lượng các khối nhà thô đã xây dựng ở đây khá lớn, nằm phơi nắng phơi mưa suốt nhiều năm như thế này thực sự rất lãng phí. Nếu vấn đề này không sớm được giải quyết sẽ gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị. Người dân địa phương đều mong muốn các vướng mắc tại Dự án sớm được tháo gỡ để khơi thông nguồn lực đất đai.

Chủ đầu tư sốt ruột

Đại diện Công ty cổ phần Trung Nam cho biết, về nghĩa vụ tài chính đối với Dự án Golden Hills, Công ty đã nộp hơn 1.721 tỷ đồng tiền sử dụng đất. Công ty vẫn đang tiếp tục thực hiện nghĩa vụ tài chính theo rà soát của UBND TP. Đà Nẵng, đảm bảo phù hợp theo quy định của pháp luật.

Theo chủ đầu tư, trong hơn 2 năm qua, Trung Nam đã gửi nhiều văn bản, tờ trình đến cơ quan chức năng có thẩm quyền xin điều chỉnh dự án với một số nội dung như cập nhật thông tin nhà đầu tư, tổng vốn đầu tư và thời gian thực hiện dự án nhằm tương xứng với tiềm năng phát triển trong tương lai tại khu vực Tây Bắc Đà Nẵng. Tuy nhiên, các vướng mắc vẫn chưa được xử lý triệt để.

“Chúng tôi không thể thực hiện bất kỳ thủ tục pháp lý nào, cũng như chưa thể triển khai đầu tư xây dựng công trình, làm gián đoạn đến hoạt động kinh doanh và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của doanh nghiệp đối với khách hàng, nhà đầu tư và đối tác”, đại diện Công ty Trung Nam cho hay.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Quốc Hùng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. Đà Nẵng cho biết, Dự án Golden Hills hiện không vướng về đất đai, mà vướng về thủ tục đầu tư.

Còn theo UBND TP. Đà Nẵng, nhà đầu tư đề nghị điều chỉnh Dự án Golden Hills theo Luật Đầu tư năm 2020 với 6 nội dung.

Cụ thể là cập nhật thông tin nhà đầu tư, tên dự án, mục tiêu (bổ sung nội dung xây dựng nhà để bán hoặc cho thuê, cho thuê mua); điều chỉnh quy mô, tổng vốn đầu tư dự án từ 4.447 tỷ đồng lên 7.648 tỷ đồng; tiến độ thực hiện dự án từ năm 2010 - 2016 điều chỉnh thành 2023 - 2029.

UBND TP. Đà Nẵng đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án, nhưng chưa lập thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư theo quy định. Việc điều chỉnh Dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, UBND Thành phố không có cơ sở thực hiện điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Được biết, thời gian qua, TP. Đà Nẵng đã có văn bản gửi Trung ương đề nghị tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho dự án trên. Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, ông Lê Trung Chinh đã chủ trì buổi làm việc với nhà đầu tư để triển khai tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các kết luận thanh tra.

Tin bài liên quan