Dự án hoành tráng vẫn là… khu rừng tràm
Có mặt tại ấp 2, xã Lê Minh Xuân, nơi đặt Dự án Khu đô thị Sing - Việt cuối tuần qua, điều chúng tôi cảm nhận được là sự hoang vu, im lìm. Không chỉ bởi khu vực này nằm cách xa Quốc lộ 1 và Tỉnh lộ 10, mà còn bởi sự hiện diện lẻ loi của nhà dân cùng sự bao trùm của khu rừng tràm. Suốt con đường Trần Đại Nghĩa chạy ngang qua Dự án chừng 2 km là rừng tràm. Chỉ có thể biết khu vực này có Dự án Khu đô thị Sing - Việt, khi nhìn thấy cứ vài chục mét lại có một tấm biển báo với nhiều kích cỡ khác nhau về Dự án.
Thấy khách đến, chị Nguyễn Duy Hạnh, chủ tiệm tạp hóa góc đường Trần Đại Nghĩa - Mai Bá Hương đon đả ra tiếp. Khi được hỏi về Dự án, chị Hạnh cho biết, nếu không có dự án này, các tuyến đường xung quanh đây đã có nhiều nhà dân và có lẽ đã có nhiều công ty về xây nhà máy. Theo chị Hạnh, phần lớn các hộ dân có đất ở khu vực Dự án đã được nhận tiền đền bù, nhưng điều khiến người dân bức xúc nhất chính là việc không biết đến khi nào Dự án mới triển khai, để còn có kế hoạch chuyển đổi nghề, ổn định cuộc sống.
Thông tin với phóng viên Báo Đầu tư cách đây vài tháng, đại diện chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Sing - Việt cho biết, đã tiến hành bồi thường trên 86% tổng diện tích đất của toàn bộ Dự án, nhưng vẫn chưa thể triển khai xây dựng. Nguyên nhân do 62 hộ dân có đất nông nghiệp thuần không đồng thuận nhận tiền và không bàn giao mặt bằng.
Chủ đầu tư Dự án cho biết, tháng 5/2013, Công ty TNHH đô thị Sing - Việt đã nộp hồ sơ lên cấp có thẩm quyền của Thành phố, chính thức đề nghị được điều chỉnh tiến độ Dự án thành 5 giai đoạn, hướng dẫn thủ tục cho thuê đất thực hiện Dự án theo từng giai đoạn. Đồng thời, đề nghị có giải pháp vận động các hộ dân có tài khoản tạm giữ đồng ý nhận tiền và giao đất để chủ đầu tư triển khai Dự án…
Tuy nhiên, thực tế triển khai Dự án đến thời điểm này vẫn giậm chân tại chỗ.
Nghi vấn “chung chi”
Theo những tài liệu mà phóng viên Báo Đầu tư có được, thời gian đầu, chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Sing - Việt gồm 1 nhà đầu tư trong nước và 4 nhà đầu tư nước ngoài (Công ty St. Martin’s Properties Ltd - SMP, Công ty Science&Engineering Investment Pte Ltd - SEI, Công ty Techno Fibre Pte Ltd - TF và Công ty H.R.H Intergrated Engineering Services Pte Ltd - HRH). Ngày 10/3/2008, UBND TP.HCM cấp giấy chứng nhận đầu tư, đăng ký lại Công ty liên doanh Đô thị Sing - Việt từ công ty liên doanh thành công ty 100% vốn nước ngoài do CTCP Đầu tư xây dựng Bình Chánh (nhà đầu tư trong nước) rút khỏi Dự án và chủ đầu tư Dự án mới có tên là Công ty TNHH Đô thị Sing - Việt.
Sau đó, tháng 11/2011, UBND TP.HCM cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần thứ nhất, thay đổi 3 nhà đầu tư cũ và thay vào đó là các nhà đầu tư mới. Theo đó, các công ty SMP, SEI, TF đã rút khỏi thành phần Công ty TNHH đô thị Sing - Việt và nhà đầu tư mới cho Dự án là Công ty Regional Connexion Limited (RC). Tiếp đó, ngày 1/12/2011, Thành phố cấp giấy đầu tư điều chỉnh lần thứ hai với nội dung thay đổi người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Đô thị Sing - Việt từ ông Chua Chye Leong Alan (người Singapore) sang ông Chan Kong Tick (người Malaysia)… Sau lần điều chỉnh này, SMP đã kiện UBND TP.HCM cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh trái pháp luật, đồng thời yêu cầu hủy các giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh và bồi thường cho các công ty chủ đầu tư… Trong phiên xử sơ thẩm tháng 7/2013, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã tuyên bác các yêu cầu trên.
Tại phiên tòa phúc thẩm tổ chức tháng 10/2013, phía nguyên đơn cung cấp tài liệu mới về việc các nhà đầu tư này đã phải chi số tiền lớn để “bôi trơn” cho các cơ quan chức năng khi thực hiện Dự án. Trong đó, có một số nội dung trong hợp đồng và biên bản ghi nhớ có nêu: “… số tiền 300.000 USD là phí tư vấn cho việc nộp và đạt được chấp thuận cho việc rút vốn của CTCP Đầu tư xây dựng Bình Chánh… Từ những chứng cứ mới, Hội đồng Xét xử phúc thẩm nhận thấy sự cần thiết phải làm rõ nội dung này…
Tại Bản án 221/2013/HC-PT ngày 30/10/2013, Tòa phúc thẩm của Tòa án Nhân dân tối cao tại TP.HCM đã quyết định hủy Bản án hành chính sơ thẩm 757/2013/HCST ngày 8/7/2013 của Tòa án Nhân dân TP.HCM, chuyển hồ sơ vụ án cho cấp sơ thẩm xét xử lại vụ án này theo thủ tục chung và theo quy định của pháp luật.
Về phía TP.HCM, trước nghi vấn “chung chi”, trả lời báo chí tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm 2014, ông Võ Văn Luận, người phát ngôn và là Chánh văn phòng UBND TP.HCM cho biết, nghi vấn trên mới chỉ là lời khai từ phía nguyên đơn, cần xác minh thêm các tài liệu, chứng cứ.
“Việc Thành phố điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư của Dự án Khu đô thị Sing - Việt trong năm 2011 là đúng quy trình, bảo đảm quyền lợi cho các chủ đầu tư nước ngoài và không có gì khuất tất. Thành phố sẽ làm sáng tỏ vấn đề này, để không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư nước ngoài ở TP.HCM…”, ông Luận khẳng định.
được biết, ngày 7/4/2014, nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã vào cuộc điều tra vụ nghi vấn nhà đầu tư Dự án Khu đô thị Sing - Việt đưa hối lộ cho các quan chức tại Hà Nội 2,8 triệu USD để “bôi trơn”.