Dự án khai thác khí Lô B Ô Môn nhận được khoản vay 832 triệu USD

0:00 / 0:00
0:00
Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) đã cho Dự án khí Lô B – Ô Môn vay 415 triệu USD để phát triển dự án, trong tổng số khoản vay 832 triệu USD mà Dự án nhận được lần này.
Sơ đồ chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn

Sơ đồ chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn

Theo thông cáo của JBIC, ngày 5/7, Ngân hàng JBIC đã ký kết các thỏa thuận cho vay với 3 công ty mà Mitsui Oil Exploration Co., Ltd. (MOECO) đầu tư gồm Công ty Dầu khí MOECO Việt Nam; Công ty Dầu khí MOECO Tây nam Việt Nam và Công ty Đường ống MOECO Tây Nam Việt Nam. Các khoản vay tương ứng lần lượt là khoảng 167 triệu USD, khoảng 161 triệu USD và khoảng 87 triệu USD. Tổng cộng 3 khoản vay do JBIC tài trợ là 415 triệu USD.

Cùng với JBIC, các tổ chức tài chính tư nhân khác cũng tham gia cho 3 Công ty nói trên vay nên tổng số tiền được tài trợ cũng đã được nâng lên và lần lượt là 335 triệu USD - 322 triệu USD - 175 triệu USD. Tổng cộng Dự án khí Lô B – Ô Môn nhận được khoản vay lần này là 832 triệu USD.

Lễ ký kết thoả thuận khung Lô B giữa Petrovietnam, MOECO (Nhật Bản) và PTTEP (Thái Lan) vào tháng 10/2023

Lễ ký kết thoả thuận khung Lô B giữa Petrovietnam, MOECO (Nhật Bản) và PTTEP (Thái Lan) vào tháng 10/2023

Theo JBIC, các khoản vay này nhằm mục đích cung cấp nguồn vốn cần thiết cho MOECO để phát triển mỏ khí Lô B nằm ngoài khơi bờ biển Tây Nam của Việt Nam và xây dựng đường ống vận chuyển khí đốt đến các nhà máy nhiệt điện ở khu vực Tây Nam của đất nước, thông qua hợp tác với các đối tác kinh doanh của mình là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí PTT của Thái Lan.

JBIC cũng cho hay, khí thiên nhiên, loại khí thải ít khí nhà kính hơn các loại nhiên liệu hóa thạch khác, đang thu hút sự chú ý như một nguồn năng lượng trong quá trình chuyển đổi năng lượng hướng tới hiện thực hóa một xã hội không phát thải carbon và trung hòa carbon. Chính phủ Việt Nam đã công bố mục tiêu đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050 và xây dựng Quy hoạch phát triển Điện VIII vào tháng 5/ 2023 trong đó có mục tiêu giảm tỷ lệ than được sử dụng để phát điện và sử dụng khí đốt trong nước và LNG làm nguồn điện trong giai đoạn chuyển đổi.

Bởi vậy, các khoản vay sẽ không chỉ hỗ trợ phát triển nguồn lực của một công ty Nhật Bản mà còn đóng góp vào quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam.

Trước đó, hôm 29/3, Tập đoàn đầu tư Mitsui của Nhật Bản cũng tuyên bố sẽ đầu tư khoảng 84 tỷ yên (560 triệu USD) cho Dự án Lô B - Ô Môn.

Chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn bao gồm nhiều dự án thành phần (dự án phát triển thượng nguồn, dự án đường ống và các dự án nhà máy điện ở hạ nguồn), với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư (từ các đối tác nước ngoài Nhật Bản và Thái Lan như MOECO, PTTEP, Marubeni đến các nhà đầu tư Việt Nam như Petrovietnam, PVEP, PV GAS, EVNGENCO2, WTO).

Quy mô đầu tư toàn chuỗi dự án lên tới gần 12 tỷ USD.

Lô B, 48/95 và 52/97 (gọi tắt là Lô B) nằm ở khu vực ngoài khơi phía Tây Nam Việt Nam, thuộc khu vực vùng trũng Bể Malay - Thổ Chu vùng thềm lục địa Việt Nam, cách bờ biển Cà Mau khoảng 300 km, cách Trung tâm Điện lực Ô Môn khoảng 400 km, với độ sâu nước biển khoảng 77 mét.

Toàn bộ nguồn khí Lô B khai thác sẽ được vận chuyển bằng đường ống về khu vực quận Ô Môn, TP.Cần Thơ cung cấp khí cho các Nhà máy điện Ô Môn I, Ô Môn II, Ô Môn III và Ô Môn IV (với tổng công suất khoảng 3.810 MW), ngoài ra còn có thể cấp bù khí cho khu vực Cà Mau. Trong giai đoạn bình ổn, Lô B sẽ cung cấp cho các nhà máy điện mỗi năm khoảng 5,06 tỷ m3 khí để sản xuất khoảng 22 tỷ kWh điện đáp ứng một phần nhu cầu về năng lượng cho phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.

Tin bài liên quan