Đèo Cả (DCIC) cho biết, sau 10 tháng “lăn lộn” vận hành Dự án kể từ ngày Bộ Giao thông - Vận tải chỉ đạo điều chỉnh một số vấn đề liên quan đến nguồn vốn, nhà thầu, thiết kế…, đến nay, Dự án đã tiết kiệm được gần 4.000 tỷ đồng so với dự toán.
Giải pháp nào giúp Dự án tiết giảm khoản vốn lớn như vậy, thưa ông?
Tổng mức đầu tư ban đầu của Dự án Đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả được phê duyệt vào khoảng 15.603 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi thực hiện yêu cầu của Bộ trưởng Đinh La Thăng, DCIC đã nhanh chóng triển khai Dự án, thực hiện mọi biện pháp, nguồn lực để đảm bảo tiến độ, kiểm soát tổng mức đầu tư, không để vượt, lãng phí.
Cụ thể, DCIC tiến hành rà soát lại một số hạng mục và điều chỉnh độ dày vỏ hầm, cầu thép được thay bằng cầu bê tông, tận dụng các tuyến đường lâm sinh của địa phương để làm đường công vụ… Điều này đã giúp giảm rất nhiều chi phí đầu tư mà không ảnh hưởng gì đến quy mô, kết cấu cũng như hiệu quả sử dụng của công trình.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh thi công, rút ngắn thời gian cũng góp phần giảm chi phí và tổng mức đầu tư. Vì vậy, DCIC đã yêu cầu các nhà thầu, đặc biệt là Công ty Sông Đà 10 và Lũng Lô thi công hầm chính, tận dụng thời gian, huy động mọi nguồn lực để thi công.
Với những điều chỉnh trên, tổng mức đầu tư tạm tính chỉ còn khoảng 12.000 tỷ đồng, giảm 3.603 tỷ đồng so với tổng mức phê duyệt ban đầu. Đây là thành quả của cả quá trình nghiên cứu, sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Giao thông - Vận tải, nỗ lực của các cổ đông và cả các nhà thầu.
Ông có thể cho biết tiến độ của Dự án đến thời điểm hiện nay?
Đến thời điểm hiện tại, tất cả các gói thầu đã được triển khai đúng tiến độ. Riêng gói thầu hầm Cổ Mã đã đào được mỗi bên 70 m và dự kiến sẽ thông hầm cuối năm 2014. Với gói thầu hầm chính, các nhà thầu đang tập kết thiết bị, tiến hành gia cố cửa hầm để phục vụ việc đào hầm vào đầu tháng 8 tới.
Đến cuối năm 2014, DCIC phấn đấu sẽ thông phần đường dẫn đến cửa hầm; đồng thời các nhà thầu sẽ hoàn thành toàn bộ hệ thống cầu trên tuyến, thông hầm Cổ Mã và hoàn thành 100 m đầu tiên của hầm chính.
Ban đầu, chúng tôi dự kiến hoàn thành Dự án vào tháng 7/2017, nhưng Bộ Giao thông - Vận tải đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành Dự án vào quý IV/2016. Đây là áp lực rất lớn về tiến độ, nhưng chúng tôi tin rằng, với sự chỉ đạo sát sao của Bộ, sự hỗ trợ của 2 địa phương vùng dự án và nỗ lực của các nhà thầu thông qua các giải pháp thi công phù hợp, thì Dự án sẽ hoàn thành đúng tiến độ.
Được biết, Bộ Giao thông - Vận tải đã cho phép DCIC đầu tư tiếp hầm đường bộ qua Đèo Cù Mông?
Ngày 24/7, trong chuyến khảo sát triển khai Dự án Quốc lộ 1A mở rộng khu vực miền Trung và Nam Trung Bộ, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng đã đánh giá rất cao nỗ lực của DCIC trong việc đầu tư Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả và Dự án Quốc lộ 1A đoạn Đèo Cả - Khánh Hòa.
Đặc biệt, Bộ trưởng đã ghi nhận việc tiết kiệm chi phí đầu tư, nhưng vẫn không thay đổi chất lượng, quy mô công trình và đã có chủ trương cho phép DCIC tiếp tục nghiên cứu đầu tư Dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cù Mông, nhằm giải quyết triệt để vấn đề ách tắc giao thông trên đoạn đèo nối hai tỉnh Bình Định và Phú Yên.
Thật ra, việc nghiên cứu đầu tư Dự án Hầm đường bộ Cù Mông đã được lãnh đạo DCIC chuẩn bị từ trước, việc Bộ trưởng cho ý kiến sẽ là nền tảng để DCIC tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn và tiến hành triển khai đầu tư trong thời gian đến.
Nếu đầu tư Dự án Hầm Đèo Cù Mông thì chi phí khoảng bao nhiêu?
Dự kiến, chúng tôi sẽ nghiên cứu đầu tư hầm đường bộ qua Đèo Cù Mông như Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả về quy mô cũng như thiết kế. Theo tính toán ban đầu, tổng mức đầu tư dự án này khoảng hơn 4.000 tỷ đồng, vừa bằng khoản chi phí được giảm từ Dự án.