Theo cáo trạng, năm 2015, Sông Đà 207 có ký kết hợp đồng mua bê tông của Bê tông Hà Nội, chủng loại bê tông mác 350, đơn giá 1,212 triệu đồng/m3, khối lượng dự kiến 18.000 m3. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, do việc thanh toán có tranh chấp, Bê tông Hà Nội đã đệ đơn khởi kiện đề nghị tòa án buộc Sông Đà 207 phải trả hơn 3 tỷ đồng gồm 2,2 tỷ đồng nợ gốc và phạt chậm trả (lãi suất 9%).
Theo nguyên đơn, Bê tông Hà Nội đã sản xuất và cung cấp bê tông thương phẩm cho Sông Đà 207 theo đúng hợp đồng đã ký, tổng giá trị hàng hóa đã cung cấp là hơn 6,6 tỷ đồng. Hồ sơ thanh toán đầy đủ đã được gửi cho Sông Đà 207, nhưng bên mua mới chỉ thanh toán 4,2 tỷ đồng, còn nợ lại 2,4 tỷ đồng. Hai bên đã đối chiếu và xác nhận công nợ, nhưng phía Sông Đà 207 không chịu thanh toán dù Bê tông Hà Nội nhiều lần đòi nợ.
Được biết, Sông Đà 207 mua bê tông phục vụ thi công dự án Hà Nội Paragon. Hai bên thỏa thuận điều kiện thanh toán: Sau khi Bê tông Hà Nội thực hiện khối lượng từng đợt đổ bê tông thương phẩm, 2 bên lập biên bản đối chiếu khối lượng, giá trị bê tông đã giao, nhận theo tháng.
Bên bán lập hồ sơ thanh toán gồm phiếu giao nhận bê tông, biên bản tổng hợp khối lượng bê tông, bảng tổng hợp giá trị thanh toán, hóa đơn, giấy đề nghị thanh toán. Cứ mỗi 15 ngày cung cấp bê tông hoặc giá trị bê tông đến hạn mức 1 tỷ đồng thì Sông Đà 207 sẽ thanh toán 70% giá trị trong vòng 10 ngày, phần còn lại thanh toán nốt trong vòng 15 ngày.
Ngoài ra, hai bên còn thỏa thuận trong trường hợp thanh toán chậm, bên mua phải chịu lãi suất ngân hàng tại thời điểm chậm trả, nhưng không được chậm trả quá 30 ngày.
Tại tòa, đại diện Sông Đà 207 thừa nhận có việc mua bán bê tông như nguyên đơn trình bày và đưa ra phương án giải quyết tranh chấp. Theo đó, Sông Đà 207 đề nghị Bê tông Hà Nội giảm trừ 900 triệu đồng số tiền nợ gốc, tức là chỉ chấp nhận thanh toán 1,3 tỷ đồng và số tiền này sẽ được Sông Đà 207 trả dần cho Bê tông Hà Nội trong vòng 6 tháng, mỗi tháng từ 100-200 triệu đồng. Sông Đà 207 cũng không chấp nhận trả lãi.
Giải thích lý do không thanh toán, Sông Đà 207 cho biết, hồ sơ thanh toán của Bê tông Hà Nội không đầy đủ, không đủ căn cứ chứng minh để Sông Đà 207 thanh toán.
Chẳng hạn, không có căn cứ xác định khối lượng bê tông theo quy định tại hợp đồng; một số hóa đơn giá trị gia tăng không có giá trị pháp lý, không đúng quy định của Bộ Tài chính; biên bản đối chiếu công nợ, bảng tổng hợp giá trị thanh toán mà Bê tông Hà Nội cung cấp đều không có chữ ký người đại diện theo pháp luật của Sông Đà 207...
Dựa trên những chứng cứ thu thập được, tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Bê tông Hà Nội, buộc Sông Đà 207 phải trả hơn 2,2 tỷ đồng nợ gốc và bác yêu cầu về lãi chậm thanh toán. Sau đó, cả 2 bên đều kháng cáo bản án.
Ở cấp phúc phẩm, Sông Đà 207 tiếp tục giữ ý kiến về đề nghị thỏa thuận: Sông Đà 207 sẽ thanh toán 1,3 tỷ đồng trong vòng 6 tháng cho Bê tông Hà Nội. Sông Đà 207 cho biết, công trình Paragon đã được hoàn tất và nghiệm thu, nhưng chủ đầu tư chưa thanh quyết toán trả tiền cho Sông Đà 207...
Tòa án cho rằng, tại bảng xác nhận khối lượng, Ban chỉ huy công trường của Sông Đà 207 đã xác nhận khối lượng bê tông M350 là 397 m3, bê tông M400 là 509 m3.
Bảng xác nhận thể hiện giá trị thanh toán là 6,6 tỷ đồng, đại diện Sông Đà 207 đã ký đóng dấu xác nhận. Sau này, 2 bên còn có 2 lần ký xác nhận công nợ khác. Từ đó đến nay, Sông Đà 207 không có bất kỳ văn bản nào yêu cầu Bê tông Hà Nội phải bàn giao hồ sơ thanh toán theo quy định hợp đồng. Do đó, tòa bác lý do hồ sơ thanh toán không đủ căn cứ.
Xét thấy hợp đồng có thỏa thuận về tính lãi và Điều 305 - Bộ luật Dân sự quy định, bên nào vi phạm nghĩa vụ thanh toán phải trả lãi đối với số tiền chậm trả, nên tòa án chấp nhận yêu cầu tính lãi 9% của Bê tông Hà Nội.
Tổng cộng, Sông Đà 207 phải hoàn trả cho Bê tông Hà Nội số tiền 2,9 tỷ đồng nợ gốc và lãi.